Chủ Nhật, 29/9/2024
Thế giới
Thứ Năm, 13/11/2014 20:49'(GMT+7)

“Bóng ma” tái hiện?

Công tác kiểm phiếu tại một điểm bầu cử ở Ukraine.

Công tác kiểm phiếu tại một điểm bầu cử ở Ukraine.

Giữa Nga và phương Tây luôn tồn tại những mối bất hòa mang tính truyền thống và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Đó là việc phương Tây đã đơn phương ném bom Nam Tư (cũ), công nhận độc lập của Cô-xô-vô, can thiệp vào quá trình hòa bình của chính quyền Prê-đnét-xtrô-vi (thuộc Môn-đô-va)... Sau rất nhiều những bất đồng liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu, vấn đề Xy-ri, chương trình hạt nhân I-ran, cuộc khủng hoảng ở U-crai-na thực sự chỉ là “giọt nước làm tràn ly” cho mối bất hòa giữa Nga và phương Tây.

Sau mỗi cú sốc tạo ra bất đồng, khôi phục sự cân bằng Nga-phương Tây quả không dễ dàng gì, nhất là khi kết quả các cuộc bầu cử ở U-crai-na ngày 26/10 và ngày 2/11 vừa qua chia đều cho các bên: Thân phương Tây và thân Nga. Điều đó cho thấy, cuộc chiến giành giật ảnh hưởng ở quốc gia Đông Âu này sẽ càng trở nên khốc liệt và có thể làm tái hiện phiên bản của sự đối đầu Đông-Tây.

Để bảo đảm các lợi ích ở U-crai-na, phương Tây sẽ phải có biện pháp nhằm đáp ứng tình hình mới. Về ngắn hạn, phương Tây sẽ gia tăng trừng phạt Nga, nhưng trừng phạt như thế nào còn là bài toán khó khi mà các “cú đòn” mạnh đều đã được tung ra. Liệu rằng, châu Âu sẽ không mua khí đốt của Nga nữa để trừng phạt? Đây là điều không tưởng vì mùa đông đang mấp mé cửa ngõ châu Âu. Từ bao năm nay, EU đã tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc về khí đốt của Nga mà không được, huống hồ chỉ trong một thời gian ngắn, họ càng không thể tìm kiếm nguồn cung cấp khác thay thế.

Về lâu dài, Mỹ và các đồng minh sẽ phải lựa chọn các chính sách phù hợp với U-crai-na. Họ có thể tiếp tục chính sách hiện tại, làm trầm trọng thêm mối quan hệ với Nga. Hoặc họ sẽ chuyển hướng, tạo ra một U-crai-na trung lập, một nước không đe dọa lợi ích của Nga và cho phép phương Tây "tái khởi động" các mối quan hệ với Mát-xcơ-va.

Tuy nhiên, bất luận thế nào, nước Nga dưới thời cầm quyền của Tổng thống V. Pu-tin sẽ không chịu tuân theo “luật chơi” mà phương Tây áp đặt cho các đối tác như một quy định bắt buộc. Mát-xcơ-va sẽ áp dụng các “luật chơi” mới của riêng mình, ít nhất ở không gian hậu Xô-viết, nơi vốn được cho là nằm trong phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Nga. Đồng thời, Nga cũng đưa ra mô hình quan hệ mới trong tương lai, theo đó, Mát-xcơ-va sẽ hướng nhiều về châu Á. Điều này hoàn toàn không có gì mới lạ bởi trong quá khứ, Nga cũng từng nhiều lần quay sang thắt chặt quan hệ hợp tác với phương Đông khi mối quan hệ với phương Tây xuống dốc.

Đáng chú ý hơn, tại Diễn đàn Câu lạc bộ Van-đai hồi cuối tháng 10 vừa qua, Tổng thống Nga V. Pu-tin thẳng thắn kêu gọi châu Âu xem xét lại quan hệ với Oa-sinh-tơn và tiếp theo là thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ. Rõ ràng, Nga ý thức được hậu quả của việc bị cô lập khỏi phương Tây, cũng như các tác động tiêu cực nếu quá ngả sang phía Đông. Vì vậy, mặc dù nhấn mạnh vai trò của Nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) song Mát-xcơ-va cũng đánh giá cao tầm quan trọng của châu Âu trong công cuộc hiện đại hóa nước Nga. Tuy nhiên, Mát-xcơ-va sẽ khó xây dựng được một trung tâm sức mạnh mới nếu chỉ có trong tay công cụ khí đốt.

Đối với U-crai-na, quốc gia bị rơi vào trung tâm đối đầu giữa Nga và phương Tây, những thách thức trong thời gian tới dường như đang đè nặng lên vai những người thắng cử ở U-crai-na. Từ khi giành được độc lập vào năm 1991, U-crai-na đã là mảnh đất diễn ra các cuộc đụng đầu địa chính trị giữa phương Tây và Nga, mà nay mối quan hệ này đang ở mức “chạm đáy”. Do đó, Ki-ép cần nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu đã hoành hành tại miền Đông trong suốt những tháng vừa qua, bất chấp tiến trình hòa bình do Tổng thống U-crai-na P. Pô-rô-sen-cô (P.Poroshenko) đưa ra và lệnh ngừng bắn đã được ký ngày 5/9.

Khó có thể lảng tránh một thực tế rằng, vận mệnh U-crai-na hiện phụ thuộc không nhỏ vào mối quan hệ giữa Nga và phương Tây. Nếu phương Tây và Nga không sớm kiểm soát tình hình căng thẳng hiện tại ở U-crai-na thì không ai dám bảo đảm bóng ma quá khứ sẽ không tái hiện, khi đó, hậu quả sẽ thật khó lường. Do vậy, “cài đặt lại” quan hệ Nga-phương Tây hậu bầu cử ở U-crai-na là cần thiết dù chẳng dễ dàng, nhất là trong thời điểm căng thẳng Đông-Tây chưa có dấu hiệu xuống thang./.

Linh Oanh (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất