Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 18/2/2009 9:29'(GMT+7)

Bù 35-40% giá điện cho hộ nghèo

Tăng giá điện để thu hút đầu tư

Trong Tổng sơ đồ phát triển điện VI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mỗi năm ngành điện sẽ đưa vào cung ứng khoảng 4.000 MW công suất điện mới, chủ yếu là nguồn điện than. Đây là nguồn điện có giá thành cao, vì các nhà máy BOT đang chào bán từ 7,2 đến 7,5 cent/kWh trong khi giá trung bình EVN bán cho khách hàng là 5,2 cent/kWh. Vì vậy, đến nay nhiều nhà máy điện vẫn chưa đàm phán được hợp đồng mua bán điện, dẫn đến hệ thống điện nước ta luôn trong tình trạng không có công suất dự phòng. Do đó, việc tăng giá điện theo QĐ số 21/2009/TTg nhằm khuyến khích, "gọi" các nhà đầu tư vào phát triển nguồn điện, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế.

Bộ Công thương cho biết, sau 2 năm thực hiện biểu giá điện hiện hành (từ 1-1-2007), do những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước cũng như thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ, nên việc tăng giá điện theo lộ trình từ 1-7-2008 đã được phê duyệt tại QĐ số 276/2006/TTg phải lùi lại. Tuy nhiên, biểu giá điện hiện nay chưa phản ánh đúng, đủ chi phí "đầu vào" của ngành điện, cũng như không đáp ứng được khả năng trả nợ và vay vốn đầu tư các công trình mới. Hiện nay, tỷ trọng các nguồn điện giá rẻ (các nhà máy thủy điện lớn) trong tổng sản lượng điện sản xuất ngày càng giảm, tỷ trọng các nguồn điện giá cao (nhà máy điện tua bin khí, tua bin chạy dầu có giá nhiên liệu phụ thuộc vào giá dầu thế giới) tăng cao. Cũng do giá điện chưa được điều chỉnh theo đúng lộ trình, nên giá một số nhiên liệu cho sản xuất điện cũng chưa được tăng. Cụ thể, giá bán than cho sản xuất điện hiện chỉ bằng khoảng 50% giá thị trường, trong khi lượng than cho sản xuất điện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng ngành than. Bên cạnh đó, nếu tốc độ tăng nhu cầu điện của nền kinh tế năm 2009 được tính bằng năm 2008 là 12,8%, thì nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển ngành điện dự kiến khoảng 45-50 nghìn tỷ đồng, tính cả nguồn vốn của các doanh nghiệp ngoài EVN sẽ còn cao hơn.

Giá điện khu vực nông thôn bình đẳng với đô thị

Bất cập của giá điện trước đây là chính sách của Chính phủ hỗ trợ giá điện cho người nghèo, nhưng không đến được người nghèo. Trước đây, Chính phủ giữ giá bán buôn điện cho các tổ chức kinh doanh điện nông thôn ở mức 390đ/kWh (bằng 50% giá thành điện bình quân năm 2008) là nhằm để bù giá cho người dân nông thôn. Song trên thực tế, nhiều tổ chức kinh doanh điện nông thôn mua buôn điện từ EVN để bán tới người dân với giá trần hoặc trên giá trần, có nơi lên đến hơn 1.000 đồng/kWh, vì các tổ chức này quản lý kém, tổn thất điện năng cao (có nơi đến 30-40%), thêm nhiều chi phí bất hợp lý được đưa vào giá điện bắt người dùng phải chịu. Được biết, có hơn 50% số hộ dân nông thôn đang sử dụng ở mức trung bình dưới 50kWh/tháng. Nếu tiếp tục áp dụng mức giá trần hiện hành cho hộ sử dụng điện khu vực nông thôn ở mức 700 đồng/kWh thì các hộ sử dụng điện khu vực nông thôn sẽ phải trả giá điện cao hơn so với các hộ sử dụng điện khu vực đô thị được mua theo giá điện bậc thang. Vì vậy, việc áp dụng biểu giá điện bậc thang cho điện sinh hoạt khu vực nông thôn cho mọi loại hình tổ chức kinh doanh điện bán lẻ theo QĐ số 21/2009/TTg sẽ tạo sự bình đẳng trong sử dụng điện, giải quyết triệt để những tồn tại về bất bình đẳng giữa người sử dụng điện nông thôn và đô thị.

Với việc áp dụng giá bán lẻ điện bậc thang tới khu vực nông thôn, giá bán buôn điện nông thôn cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng các bậc thang và giảm trừ một tỉ lệ thích hợp cho tổn thất điện năng trên lưới, cũng như chi phí hợp lệ liên quan tới quản lý vận hành lưới điện nông thôn. Bộ Công thương cho biết, để tạo điều kiện cho các tổ chức kinh doanh điện nông thôn đáp ứng đủ điều kiện chuyển đổi sang áp dụng giá bán điện bậc thang, đồng thời từng bước đưa hoạt động kinh doanh bán lẻ điện nông thôn vào nền nếp, cho phép tạm thời tiếp tục áp dụng giá trần 700 đồng/kWh đến 1-9-2009. Sau thời điểm trên, nếu các đơn vị kinh doanh bán lẻ điện nông thôn không đáp ứng các điều kiện cần thiết, UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo để các đơn vị này bàn giao cho các công ty điện lực thuộc EVN tiếp nhận, đầu tư nâng cấp và bảo đảm bán điện trực tiếp tới người dân nông thôn.

Bù 35-40% giá bán điện bình quân với hộ nghèo

Để thực hiện chính sách hỗ trợ giá của Chính phủ cho các đối tượng là các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp, trong cơ chế giá điện mới, biểu giá điện sinh hoạt bậc thang được áp dụng với bậc thang đầu tiên ở mức 50kWh và giữ giá ở mức thấp hơn giá thành, theo đó mức bù giá bằng 35-40% giá bán điện bình quân. Theo số liệu thống kê năm 2008, cả nước có khoảng 12,1% số hộ thuộc diện nghèo, trong khi đó số hộ sử dụng bình quân dưới 50kWh/tháng trong năm 2008 là 23% (ở các vùng do các công ty điện lực trực tiếp bán điện) và hơn 50% (ở những vùng nông thôn miền núi do các tổ chức kinh doanh điện nông thôn bán lẻ điện). Như vậy, nếu trợ giá cho 50kWh thì toàn bộ số hộ thuộc diện nghèo, một tỉ lệ lớn số hộ có thu nhập thấp ở cả thành phố và nông thôn được hưởng chính sách bù giá của Chính phủ, đồng thời sẽ giảm được lượng bù giá cho các đối tượng không thuộc diện ưu tiên, dần thực hiện được việc bù giá đúng cho đối tượng thuộc diện chính sách.

Với các hộ sử dụng điện mức 51kWh-100kWh/tháng, vì cũng là các hộ cận nghèo và có thu nhập không cao, nên giá điện mới quy định cho bậc thang này sẽ giữ ở mức bằng giá thành bình quân sản xuất, kinh doanh điện (ngành điện không có lãi). Các bậc thang cao hơn của biểu giá sẽ được điều chỉnh với mức độ khác nhau, cao hơn giá thành để đủ bù chéo cho các bậc thang thấp. Từ năm 2010, sẽ nghiên cứu để áp dụng cơ chế bù giá trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp tiêu thụ dưới 50kWh/tháng theo hóa đơn tiền điện thực tế hằng tháng.


Bao HA NOI MOI
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất