Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 13/2/2009 11:44'(GMT+7)

Độc giả sẽ phải mua sách, báo giá cao

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Bắt đầu từ 16/2/2009, thuế nhập khẩu giấy sẽ tăng. Thông tư của Bộ Tài chính được ban hành trên cơ sở đề xuất của Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam.

Tăng thuế để… cứu ngành giấy trong nước

Ông Vũ Ngọc Bảo -  Tổng thư ký Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam cho biết từ cuối tháng 8/2008 đến nay, do ảnh hưởng của chính sách giảm thuế nhập khẩu trong khu vực AFTA và WTO (có hiệu lực từ tháng 9/2008) khiến lượng giấy nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, ngành sản xuất giấy trong nước gặp nhiều khó khăn, lượng giấy tồn kho toàn ngành đã lên tới trên 140.000 tấn, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, đóng cửa tạm thời... Vì thế, việc tăng thuế nhằm tránh nguy cơ sụp đổ một ngành sản xuất trong nước và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên.

Theo ông Bảo, khi giá nguyên liệu trên thế giới giảm mà lại không tăng thuế nhập khẩu thì các doanh nghiệp (DN_ sẽ ồ ạt nhập khẩu hàng về mà không chú trọng đến sản xuất trong nước. Điều đầu tiên là sẽ có hàng ngàn công nhân ở các lâm trường thuộc vùng nguyên liệu giấy thất nghiệp. Về lâu dài không thể chỉ trông vào nhập khẩu mà không chú trọng phát triển sản xuất trong nước. Lúc khó khăn này cũng là cơ hội để cơ cấu lại ngành, tập trung phát triển sản xuất trong nước để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, giảm sự phục thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Cùng với đề xuất tăng thuế nhập khẩu giấy thông thường, Hiệp hội còn đề nghị điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu giấy in viết, giấy in báo trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan của các nước ASEAN từ 3% lên 5% với giấy in báo và từ 0% lên 5% với giấy in viết. Được biết, Bộ Tài chính cũng đang đàm phán với các bên liên quan theo mức đề xuất mà Hiệp hội đưa ra.

Theo Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, nhu cầu thị trường năm 2009 sẽ cần 165.000 tấn giấy in báo, tăng 30% so với 2008 trong khi lượng nhập khẩu chỉ khoảng 60.000-80.000 tấn. Giấy in viết cũng cần khoảng 461.000 tấn, trong đó sản xuất có khả năng đạt 380.000 tấn.

“Trăm dâu” sẽ đổ đầu… người tiêu dùng

Ông Bùi Tuấn Nghĩa – Phó Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết: Giấy chiếm phần lớn chi phí trong các nhà xuất bản. Chính vì thế, khi giá giấy tăng cao chắc chắn các nhà xuất bản, nhà in sẽ phải tăng giá in ấn chứ không thể giữ giá như hiện nay.

Theo tính toán của những người làm trong lĩnh vực báo chí, in ấn, giá giấy chiếm tới 65% giá thành của tờ báo nên thuế nhập khẩu tăng sẽ đẩy giá giấy tăng, gây sức ép tăng giá đối với báo in, sách giáo khoa....

Đại diện của một nhà in tại Hà Nội đưa ra dẫn chứng, trong 6 tháng cuối năm 2008 khi giá giấy tăng cao kéo theo tình trạng giá báo cũng phải lên thì sản lượng các báo được in tại Nhà in này giảm khoảng 9%, nhiều tờ báo lao đao vì giá giấy tăng (tăng giá bán báo, giảm số lượng phát hành). Năm 2008 vừa qua, giá giấy nhiều lần tăng chóng mặt khiến các nhà in trúng thầu in sách giáo khoa  không chịu đựng nổi, nhiều đơn vị bỏ cuộc. Giá giấy tăng khiến chi phí in sách giáo khoa, sách giáo dục nói chung lên hàng trăm tỷ đồng, chưa kể chi phí in báo, văn hoá phẩm tăng vọt khiến người dân giảm cơ hội tiếp cận với báo, sách giáo khoa giá rẻ... (Ví dụ, tờ báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh tăng từ 1.700 đồng lên 2.600 đồng/tờ).

Ông Trần Thanh Duy, Giám đốc Công ty In Ba Đình bức xúc nếu sản xuất trong nước đáp ứng đủ nhu cầu hoặc chỉ cần đến 70% thôi thì mới có thể nói đến chuyện đảm bảo cho ngành in. Đằng này, trong nước chỉ có duy nhất Công ty CP giấy Tân Mai sản xuất giấy in báo, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thì làm sao có thể nghĩ đến chuyện hạn chế nhập khẩu ngay được.

Ông Duy cũng đưa ra phân tích của mình, trong khi giá giấy trên thị trường thế giới tăng cao thì các doanh nghiệp giấy đua nhau xuất khẩu, còn khi giá thị trường giảm, doanh nghiệp giấy tồn nhiều hàng thì lại kêu gọi nhà nước tăng thuế nhập khẩu. Nói tóm lại, việc tăng thuế nhập khẩu giấy in báo là không hợp lý lúc này, không tuân theo cơ chế thị trường. Nếu cứ cách quản lý như hiện nay thì doanh nghiệp ngành in luôn ở thế bị động. Ông Duy cảnh báo, việc tăng thuế nhập khẩu giấy in báo thêm 9% có thể sẽ khiến thị trường trong nước khan giấy như hồi tháng 6-7 năm vừa qua.

Thế nhưng, Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam lại cho rằng, từ cuối năm 2008 đến nay, tuy giá giấy và các loại nguyên liệu đầu vào giảm mạnh so với tháng 7, 8 năm 2008 nhưng giá bán các loại sách, báo và các loại ấn phẩm sau khi đã tăng thêm 20 - 50% so với trước, đến nay vẫn không hề giảm giá bán nên ngành in ấn và xuất bản không bị ảnh hưởng nhiều./.

TG-VOV
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất