Chủ Nhật, 6/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Hai, 18/8/2008 9:18'(GMT+7)

Bức tranh CNTT - TT 6 tháng đầu năm

Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ CNTT toàn cầu?

Định vị được mình đang ở đâu vô cùng quan trọng để có những chiến lược phát triển phù hợp. Và trên thực tế, những con số được thống kê tại Hội thảo toàn cảnh CNTT - TT Việt Nam năm 2008 đã chỉ ra rằng, trong thời gian qua, hầu hết các chỉ tiêu xếp hạng của Việt Nam trên bản đồ CNTT đều tăng. Vị trí của VN tiếp tục được cải thiện. Thế nhưng: "Phải rất cố gắng tìm tòi chúng ta mới có thể tìm thấy vị trí của Vịêt Nam trên bản đồ CNTT thế giới" - Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở TT - TT TP.HCM.

Vị thế CNTT của Việt Nam đầu năm 2008:

(Nguồn: Báo cáo toàn cảnh vị trí Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới - TS Lê Trường Tùng)

Tiêu chí

Tổ chức

Thứ hạng/số nước

Tăng/giảm so với 2007

Kinh tế tri thức (KI/KEI)

World Band

96/140

+ 3

Networked Readiness

Index (NRI)

World Economic

Forum

73/127

+ 9

E-Readiness Ranking

EIU

65/70

Giữ nguyên

E-Government Index

UNPAN

91/182

+ 16

Tỷ lệ vi phạm bản quyền

BSA & IDC

10/108

+ 5

Thị trường CNTT - TT trong những tháng đầu năm vừa qua được đánh giá là trầm lắng; không có những bước đột phá ấn tượng; những con số dự báo tăng trưởng giai đoạn đầu năm vẫn chưa thể chạm đích.

Và nguyên nhân, được xác định là do những diễn biến xấu của nền kinh tế giai đoạn này. Theo ông Lê Trung Việt - TBT Tạp chí Thế giới Vi tính: "Dưới tác động của nền kinh tế đang bị khủng hoảng, CNTT - TT cũng không là ngoại lệ, khi đầu tư cho CNTT tại các doanh nghiệp đã bị giới hạn rất nhiều". Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Châu, Phó CT HĐQT - FPT cho rằng: "Hầu hết các công ty CNTT đều phải nhập khẩu thiết bị, do vậy chỉ số thanh toán cũng như lãi xuất ngân hàng đều ảnh hưởng đến khả năng thu lời của các công ty này. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư cho CNTT cũng giảm đi và các công ty CNTT cũng phải thay đổi mô hình kinh doanh của mình cho tương ứng với điều kiện mới".

TS Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam bổ sung ý kiến cho rằng, chính chủ nghĩa lộ trình được thực hiện một cách cứng nhắc đang tạo ra lực cản cho sự phát triển chung của CNTT: "Chúng ta đã tìm ra hướng đi, nhưng việc triển khai các biện pháp cụ thể lại rất chậm. Nhiều người về nguyên tắc không phản đối những biện pháp mạnh, nhưng phản đối việc triển khai nhanh. Một quan điểm đang ngày một trở nên phổ biến là không tranh luận nhiều về cái biện pháp ấy cần thiết hay không cần thiết, mà tranh luận có nên thực hiện ngay hay cần phải có một lộ trình. Cá nhân tôi nghĩ rằng, một biện pháp đưa ra không thực hiện ngay thì một vài năm nữa nó không còn là biện pháp nữa".

6 tháng là thời gian không dài để có thể nhìn thấy những bước đột phá đối với một thị trường lớn và cần những chiến lược dài hơi như thị trường CNTT - TT. Nhưng 6 tháng cũng đủ để có đánh giá khách quan rằng, CNTT - TT chưa làm được gì nhiều cho các mục tiêu phát triển đề ra trong năm 2008.

Tiểm năng vẫn chỉ dừng lại ở tiềm năng... Vị trí của Việt Nam trên bản đồ CNTT toàn cầu vẫn phải tìm mỏi mắt. Thế nhưng, sẽ thật không chính xác nếu cho rằng, bức tranh toàn cảnh CNTT - TT Việt Nam trong 6 tháng vừa qua chỉ được vẽ lên bởi gam màu tối. Những kết quả nghiên cứu về nhiều vấn đề cụ thể trong thời gian vừa qua đã cho ra kết quả khả quan.

Những góc nhìn rất mới về đào tạo nhân lực CNTT

Đã có rất nhiều hoài nghi xung quanh chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT tại VN. Nhưng theo một kết quả nghiên cứu đáng tin cậy được công bố tại Hội thảo toàn cảnh CNTT - TT vừa qua đã chỉ ra rằng, kỹ năng cũng như hiệu quả làm việc nhóm của các sinh viên mới ra trường tại VN không hề kém như mọi người vẫn nghĩ.

Kết quả này được tổng hợp trên cơ sở khảo sát đầy đủ các loại hình doanh nghiệp 100% vốn trong nước; doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh. "Trên báo chí cũng như trong các cuộc Hội thảo các doanh nghiệp kêu ra rất dữ, khiến chúng ta có cảm tưởng là các sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ra trường bỏ đi không sài được. Nhưng trong cuộc đánh giá vừa được tiến hành mới đây trên cơ sở khảo sát thực tế đã cho thấy, các doanh nghiệp chỉ kêu nhiều về vấn đề ngoại ngữ, còn về trình độ chuyên môn, về kỹ năng mềm các sinh viên của chúng ta hoàn toàn đáp ứng được sau khi được đào tạo tại trường", ông Phạm Thiện Nghệ - TTK Hội Tin học TP.HCM cho biết.

Theo Patrick McGovern, Chủ tịch Tập đoàn Dữ Liệu Quốc Tế IDG: "Giáo dục đào tạo cần được xem là hướng đi tốt nhất để mọi người gần gũi và hiểu biết hơn về CNTT, trên cơ sở đó tham gia tích cực vào việc sáng tạo ra những sản phẩm, công nghệ mới. Tôi rất lạc quan vào sự phát triển CNTT tại VN. Các bạn có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và có sự ham muốn tìm tòi và CNTT là công cụ tốt nhất để đạt được điều đó".

Kết quả nghiên cứu được công bố đã làm ấm lòng những người làm công tác đào tạo. Nhưng sẽ là "lạc quan tếu" nếu chúng ta cho rằng đã có sự đột phá trong công tác đào tạo và nguồn nhân lực đã sẵn sàng cho những kế hoạch phát triển CNTT cả ở hiện tại và trong tương lai.

Mục tiêu cho 6 tháng cuối năm: Gia công phần mềm là điểm nhấn?

Đã có một thực tế không mấy sáng sủa khi nhìn lại những gì ngành CNTT - TT Việt Nam đã thể hiện trong những tháng đầu năm vừa qua. Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho những tác động khách quan đến từ tình hình chung của nền kinh tế. Vấn đề quan trọng lúc này, có lẽ là tìm ra lợi thế phù hợp với tình hình chung tại VN để tập trung phát triển.

- Câu trả lời được nhiều người đề cập đến, đó là: Gia công phần mềm: "Phát triển phần mềm và cụ thế hơn là gia công phần mềm là một trong những cái hướng tốt cho các doanh nghiệp, vì khi chúng ta đi ra thế giới chúng ta tiếp cận với các thị trường lớn hơn, bao la hơn thì tạm thời chúng ta cũng không bị ảnh hưởng bởi những khó khăn nhất thời của nền kinh tế trong nước" - Ông Nguyễn Minh Châu, Phó CT HĐQT - FPT chia sẻ.

Theo TS Lê Trường Tùng: "Sau một vài năm khởi động, gia công phần mềm đã có vị thế tương đối tốt. Nhiều quốc gia ở khu vực châu Âu, Bắc Mỹ rồi Nhật Bản đã xem chúng ta là đối tác chất lượng cao, đối tác tin cậy trên cơ sở đấy hợp tác để triển khai các dịch vụ liên quan đến công nghiệp phần mềm".

Còn quá sớm để nói rằng, Gia công phần mềm sẽ trở thành điểm nhấn trong việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đề ra cho ngành CNTT - TT Việt Nam trong năm 2008... Nhưng có lẽ không còn sớm để nhìn nhận rằng, ngành gia công phần mềm cần được ưu tiên cho mục tiêu phát triển lâu dài để cải thiện vị thế của VN trên thị trường CNTT - TT toàn cầu.

Rất khó để có thể phác hoạ đầy đủ tình hình phát triển của CNTT - TT Việt Nam trong những tháng đầu năm vừa qua. Nhưng chúng ta cùng hi vọng rằng, sự chững lại của thị trường CNTT - TT Việt Nam thời gian vừa qua chỉ là hiện tượng tạm thời; hi vọng những đánh giá lạc quan về vấn đề đào tạo nhân lực đã phản ánh đúng nhu cầu thực tế và hi vọng rằng, chúng ta có đủ nguồn lực cho những ưu tiên phát triển trong thời gian tới. 

(Theo cuocsongso)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất