Thứ Ba, 24/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 24/8/2012 19:4'(GMT+7)

Bừng sáng không gian văn hóa cồng chiêng

Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên.

Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên.

Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ hai năm 2012 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, tổ chức với sự tham gia của các tỉnh: Ðác Lắc, Ðác Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Ðồng và UBND thành phố Hà Nội, diễn ra từ ngày 28-8 đến 2-9 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2, Hoa Lư, Vân Hồ, Hà Nội).

Ðây là chương trình được tổ chức với quy mô lớn, giới thiệu văn hóa- con người- sự kiện và những giá trị văn hóa, sức sống mãnh liệt cũng như sự trường tồn của bản sắc Tây Nguyên trong nền văn hóa các dân tộc Việt Nam, tôn vinh các giá trị  văn hóa vật thể, phi vật thể của vùng đất đỏ cao nguyên, nổi bật là Không gian văn hóa cồng chiêng đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. 

Những ngày văn hóa cũng là dịp động viên, khích lệ các dân tộc Tây Nguyên trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế- xã hội, xứng đáng là vị trí chiến lược quan trọng trong lịch sử cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Ðây là dịp công chúng Thủ đô và đồng bào Tây Nguyên được gặp gỡ, giao lưu, thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam và sự hợp tác giữa các địa phương Tây Nguyên với Thủ đô trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, du lịch... góp phần vào sự phát triển  chung của cả nước. Một trong những hoạt động chính của Những ngày văn hóa là Triển lãm "Tây Nguyên truyền thống và phát triển".

Khu vực trưng bày chung gồm có hai phần: 

Phần thứ nhất với tiêu đề "Tây Nguyên - bản sắc văn hóa truyền thống" giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên. Thông qua hình ảnh, sưu tập hiện vật của các tộc người như trang phục truyền thống, trống da voi, cồng chiêng, công cụ sản xuất, các loại nhạc cụ, các hiện vật liên quan đến nghi lễ tín ngưỡng... giúp người xem có cái nhìn toàn cảnh về văn hóa Tây Nguyên.

Trong không gian triển lãm, sẽ tái hiện lễ hội đâm trâu mừng lúa mới của dân tộc Ba Na, giới thiệu các nhạc cụ truyền thống tiêu biểu như trống làng Tây Nguyên, đàn đá, đàn tơ rưng, đàn chapi, đinh pút... cùng những công cụ lao động sản xuất và các vật dụng trong sinh hoạt. Trong đó có khu trưng bày các chóe rượu Tây Nguyên, được coi là nơi chứa đựng tâm linh, nơi con người gửi gắm  lời thỉnh cầu về cuộc sống ấm no đến các vị thần linh; phản ánh quan niệm hôn nhân, gia đình của các tộc người Tây Nguyên qua việc tái hiện lễ trao vòng cầu hôn của người Ê Ðê. Bên cạnh đó là không gian trưng bày khu nhà mồ, hiện vật về sinh đẻ, lễ thổi tai... phản ánh các nghi lễ, phong tục, tập quán, tín ngưỡng. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại được giới thiệu trong ngày hội với nhiều hoạt động trình diễn sôi động, mang âm hưởng của vùng đất cao nguyên đến với nhân dân Thủ đô.

Từ khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới, chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên đã nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy di sản. Các cuộc liên hoan cồng chiêng thường xuyên được diễn ra, nhiều lớp truyền dạy đánh cồng chiêng được mở... Cồng chiêng đã và đang được bảo tồn và phát huy giá trị, thật sự đi vào cuộc sống hằng ngày của đồng bào các dân tộc.

Phần trưng bày thứ hai có tiêu đề "Tây Nguyên hội nhập và phát triển" do Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp Binh đoàn 15, Bảo tàng Mỹ thuật, Hội  Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Viện Nghiên cứu văn hóa, các nhà sưu tập, họa sĩ, nhiếp ảnh gia của ba miền đất nước  yêu mến Tây Nguyên. Một chủ đề nổi bật của khu trưng bày là sự quan tâm và thể hiện tình cảm sâu sắc của Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước với Tây Nguyên trong công cuộc đổi mới.

Binh đoàn 15 thông qua khu trưng bày của mình giới thiệu những hoạt động và thành tựu của binh đoàn với tiêu chí "Phát triển Tây Nguyên toàn diện, bền vững, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường, sinh thái của đất nước"; Triển lãm "Tranh tượng Tây Nguyên" trưng bày các tác phẩm đề tài Tây Nguyên của các nhà nghiên cứu điêu khắc, họa sĩ nổi tiếng; Triển lãm  "Sử thi Tây Nguyên" trưng bày hơn một trăm tác phẩm kho tàng sử thi Tây Nguyên của các dân tộc Ba Na, Ê Ðê, Xê Ðăng... đã được sưu tầm, giữ gìn và đang được truyền dạy cho thế hệ trẻ; Triển lãm "Cổ vật Tây Nguyên" trưng bày 150 hiện vật cổ do Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và bảo tồn cổ vật Việt Nam cung cấp; Triển lãm tranh "Sắc màu Tây Nguyên" trưng bày hơn 30 tác phẩm sơn mài; Triển lãm ảnh nghệ thuật "Tây Nguyên tự tình" có gần một trăm tác phẩm về vùng đất và con người Tây Nguyên...

Các tỉnh Tây Nguyên tham gia những ngày hội văn hóa tại Hà Nội đều có khu vực trưng bày triển lãm riêng phản ánh bản sắc văn hóa độc đáo và những thế mạnh phát triển của địa phương. Trong không gian trưng bày của các tỉnh còn có các khu vực được bố trí để thao diễn tay nghề: dệt thổ cẩm, làm gốm, đan mây tre, chế tác nhạc cụ, làm  tượng nhà mồ... Hội chợ giới  thiệu về ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, đặc sản và sản phẩm du lịch, đậm chất Tây Nguyên: thổ cẩm, đồ mây tre, cà-phê, hồ tiêu, rau quả, rượu vang Ðà Lạt, rượu cần đáp ứng mối quan tâm của khách tham quan về các sản vật phong phú của vùng đất đỏ ba-dan.

Trong Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội cộng đồng, biểu diễn, giao lưu, tọa đàm, trò chơi dân gian sẽ liên tục diễn ra, trong đó phải kể đến cuộc giao lưu các văn nghệ sĩ có sáng tác và biểu diễn về đề tài Tây Nguyên, giao lưu các cựu chiến binh tham gia chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột năm 1975.


PHẠM VĂN THỦY (Gi
ám đốc Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam)

Nguồn: Nhân Dân

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất