Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 29/5/2009 13:30'(GMT+7)

Buộc chiếu phim Việt Nam với tỉ lệ 30%

ĐB Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) phát biểu trước Quốc hội sáng 28/5.

ĐB Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) phát biểu trước Quốc hội sáng 28/5.

Chính phủ đã quy định nhưng không thực hiện

Một trong những vấn đề được nhiều ĐB Quốc hội quan tâm thảo luận tại hội trường sáng nay là tỉ lệ chiếu phim Việt Nam đạt thấp do chủ yếu chiếu phim nước ngoài. ĐB Ngô Thị Doãn Thanh  - TP Hà Nội - cho rằng cần  xác định rõ điện ảnh cũng là một công cụ quảng bá văn hóa, là vũ khí đấu tranh trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Hiện nay thời lượng chiếu phim Việt Nam cả ở rạp cũng như trên sóng truyền hình chưa đạt được 30% như quy định hiện hành của Chính phủ. "Để thực hiện nguyên tắc vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, vừa đảm bảo hoạt động điện ảnh phù hợp với định hướng tư tưởng của Đảng, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tôi đề nghị cần đưa tỷ lệ bắt buộc chiếu phim Việt Nam là 30% vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh để các Đài truyền hình Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp phim có tiêu chí phấn đấu và thực hiện" - ĐB Thanh nói.

Cùng chung quan điểm này, ĐB Bùi Thị Lệ Phi  - TP Cần Thơ - cho rằng cần phải đảm bảo tỷ lệ thời lượng phát sóng phim Việt Nam đạt 30% trên tổng thời lượng phát sóng phim. Đặc biệt, ĐB này cho rằng cần cân đối giữa tỷ lệ phim phục vụ nhiệm vụ chính trị xã hội, phim truyền thống lịch sử Việt Nam với phim thương mại, giải trí; đồn thời cần kiểm duyệt chặt chẽ loại phim bạo lực hành động, phim có nội dung không lành mạnh. Theo ĐB Phi, những loại phim này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến làn sóng sống theo phim, thời trang theo phim và hành động theo phim, nhất là đối với các em độ tuổi mới lớn và thực tế có một số vụ án do ảnh hưởng từ phim bạo lực mà ra và một số bắt chước lối sống văn hóa không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Ngọc Đào  - TP Hà Nội - lại băn khoăn đòi hỏi tỉ lệ đó cao và liệu chúng ta có đáp ứng được hay không. ĐB Tống Văn Thoóng  - Lai Châu - cũng cũng cho rằng tỉ lệ phim Việt Nam cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là chúng ta quản lý như thế nào, trên thực tiễn có đúng được phát như thế không?

"Theo tôi chúng ta chỉ nên đặt ra vấn đề hiện nay chiếu phim Việt Nam có thể cho phép thấp nhất là 30%, có thể thấp nhất là như vậy, quá trình chúng ta phát triển từng năm lên có thể cao hơn là tốt. Nhưng chỉ quy định 30% thì các năm tiếp theo điện ảnh nước nhà phát triển chúng ta lại phải điều chỉnh hay sao? hay cứ phải chiếu 30% thôi, liệu có thể sản xuất nhiều hơn, tốt hơn, chất lượng cao hơn vẫn phải chiếu như thế, thì có lẽ chưa hợp lý lắm" - ĐB Thoóng nói.

Quy tụ quản lý điện ảnh về một mối

Vấn đề cơ quan quản lý điện ảnh cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi. ĐB Lê Văn Học  - Lâm Đồng - cho biết,  theo luật hiện hành, phim chỉ có thể được mang ra trình chiếu ở trên rạp hoặc trên các Đài truyền hình, nếu có được một trong các giấy phép của Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch; hoặc của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; hoặc của  Tổng giám đốc đài truyền hình VN; của Tổng giám đốc hoặc Giám đốc các Đài truyền hình, Đài phát thanh truyền hình cấp tỉnh. Như vậy nếu tính trong cả nước thì có khoảng trên dưới 130 người đứng đầu có quyền cấp giấy phép phổ biến phim và thành lập Hội đồng thẩm định phim. Chính vì vậy, có thể nói Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch rất khó trong quản lý Nhà nước về điện ảnh.

 "Để thống nhất quản lý Nhà nước, điện ảnh có trách nhiệm rõ ràng, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo phim đưa ra phổ biến trên rạp, trên các Đài truyền hình hoặc trên các phương tiện khác có chất lượng nội dung phù hợp với bản chất và chế độ thuần phong mỹ tục thì tôi đề nghị Bộ Văn hóa thể thao và du lịch là cơ quan quản lý duy nhất về điện ảnh. Nếu chúng ta cứ để Bộ Văn hóa thể thao và du lịch bây giờ và Bộ Thông tin và Truyền thông, tức là có 2 bộ quản lý Nhà nước thì cũng tương tự như quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo là Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý về dạy nghề thì có thể xảy ra những trục trặc và rất khó quản lý" - ĐB Học nói.

Đồng tình với đề nghị này, ĐB Phan Trung Lý  - Nghệ An- cho rằng điện ảnh trước hết là văn hóa sau đấy mới là sản xuất và công nghiệp.  Ở đây, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về điện ảnh mà Chính phủ thực hiện thống nhất nhiệm vụ này là phải giao cho Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch. Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch phải giúp Chính phủ chuẩn bị ban hành các văn bản trình các cấp, các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản, đồng thời kiểm tra việc thực hiện các văn bản đó. Còn trách nhiệm cụ thể thì đối với những người đứng đầu các cơ sở sản xuất phát hành phổ biến các sản phẩm văn hóa đó. Và ở đây là những người đứng đầu của Đài truyền hình rồi Đài phát thanh.

Nhìn ở khía cạnh quản lý nội dung, ĐB Nguyễn Đức Kiên  - Sóc Trăng, cho biết việc quản lý hiện nay rất lỏng nẻo, đặc biệt với truyền hình cáp với các kênh phim truyện nước ngoài như Cinemax, kênh HBO và kênh Star Movie " 100% là phim nước ngoài nhưng ta có quản lý không hay Luật điện ảnh chúng ta chỉ quản lý "cơm chấm cơm" thôi. Tôi được biết những phim ấy không có ai soạn thảo, không có ai kiểm soát, không có ai kiểm duyệt, không có ông Giám đốc nào chịu trách nhiệm việc ấy cả. Vì bên kia người ta phát người ta cho phép mình bắn phụ đề tiếng Việt vào, bây giờ bảo ông Giám đốc truyền hình cáp Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay Đài truyền hình Trung ương chịu trách nhiệm thì có chịu trách nhiệm về nội dung của phim ấy không ?" - ĐB Kiên băn khoăn.

(Theo VnMedia)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất