Thứ Tư, 27/11/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 6/11/2012 16:33'(GMT+7)

Bước đầu “hóa giải” vàng hóa, đô la hóa

Hệ thống ngân hàng đã mua được 60 tấn vàng (tương đương với 3 tỷ USD) trong thời gian qua.

Hệ thống ngân hàng đã mua được 60 tấn vàng (tương đương với 3 tỷ USD) trong thời gian qua.

Nền kinh tế Việt Nam năm 2011 có quy mô GDP tính theo tỷ giá hối đoái khoảng 120 tỷ USD, nhưng có một lượng vàng lên tới 300- 400 tấn vàng (theo ước tính của nhiều chuyên gia) tương đương với khoảng 15- 20 tỷ USD và một lượng ngoại tệ có thể còn nhiều hơn thế tồn đọng không được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Tổng lượng vàng và ngoại tệ tồn đọng chiếm tới 30- 40% GDP và tương đương với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hàng năm là một tỷ lệ rất đáng tiếc đối với nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Bên cạnh đó, tình trạng vàng hoá, đô la hoá tác động tiêu cực về nhiều mặt.

Trên đất nước Việt Nam, ngoài đồng tiền quốc gia, đã có thêm vàng và ngoại tệ được sử dụng như một phương tiện thanh toán, gây thêm sự phức tạp trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

Sự biến động của giá vàng, giá USD thường rất phức tạp, gây nên các cơn sốt nóng/ lạnh trên các thị trường này. Tính từ cuối năm 2001 đến hết năm 2011, giá vàng đã cao gấp gần 9,1 lần, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng của giá tiêu dùng trong thời gian tương ứng, tạo thành “thập kỷ vàng” đến mức “vàng bỏ ống” cũng có lãi. Giá vàng tăng cao tạo sức ép tới tâm lý kỳ vọng lạm phát.

Giá vàng tăng cao làm xuất hiện hai trường hợp. Nhà nước phải nhập khẩu vàng để can thiệp (năm 2009 là 492 triệu USD, năm 2010 là 1.106 triệu USD, năm 2011 là 2.265 triệu USD – theo số liệu của Tổng cục Hải quan), vừa tốn một lượng ngoại tệ không nhỏ, vừa góp phần làm tăng nhập siêu. Các nhà đầu cơ mua USD trên thị trường tự do nhập lậu vàng, tạo sức ép làm tăng tỷ giá; mà tỷ giá tăng thì gây ra khuếch đại lạm phát ở trong nước, tăng nợ vay ngoại tệ khi tính bằng VND (rủi ro tỷ giá).

Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X trong việc chống đô la hoá, vàng hoá, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, Nghị định 95 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vàng. Các biện pháp quản lý theo các Nghị định trên, đã cộng hưởng với sự cải thiện trên các lĩnh vực khác, có liên quan đến vàng và ngoại tệ.

Xuất siêu trong nhiều tháng liền và tính chung 10 tháng đã nhập siêu thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước cả về kim ngạch tuyệt đối (357 triệu USD so với 8.980 triệu USD), cả về tỷ lệ nhập siêu (0,4% so với 11,3%).

Lượng ngoại tệ từ các nguồn vào Việt Nam tăng khá như lượng kiều hối dự đoán cả năm đạt 10- 11 tỷ USD; lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thực hiện qua 10 tháng đạt 9 tỷ USD; chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam dự đoán cả năm sẽ vượt qua 6,5 tỷ USD…

Nhờ sự cộng hưởng đó mà thị trường vàng và ngoại tệ đã đạt được một số kết quả tích cực.

Hệ thống ngân hàng đã mua được 60 tấn vàng (tương đương với 3 tỷ USD), số vàng này được chuyển đổi sang tiền vừa giảm được vàng hoá, vừa huy động vốn trở  lại cho nền kinh tế. Sau 10 tháng, giá vàng tăng gần 2%; người dân không lao vào mua vàng ngay cả khi giá vàng thế giới và trong nước tăng cao. Việc nhập khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm đã giảm hẳn so với những năm trước, thấp hơn con số tương ứng của xuất khẩu.

Tỷ giá VND/USD trong 10 tháng đã có 6 tháng giảm, tính chung 10 tháng vẫn còn giảm 0,88%- đây là hiện tượng hiếm thấy so với 4 năm trước. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua được 10 tỷ USD, góp phần tăng được dự trữ ngoại hối.

Hai kết quả này đã góp phần cải thiện tính thanh khoản, giảm áp lực đối với tâm lý kỳ vọng lạm phát (tốc độ tăng tiền gửi của dân cư đạt khá cao).

Tuy đạt được kết quả như trên, nhưng trên thị trường vàng và ngoại tệ cũng còn có những vấn đề cần được giải quyết. Cần phải làm cho người dân hiểu rõ hơn: Nhà nước chỉ độc quyền dập vàng miếng, tất cả các đơn vị dập vàng miếng, kể cả công ty SJC phải chấm dứt hoạt động này; tất cả các thương hiệu vàng miếng đã được cấp phép trước đây vẫn được mua/bán bình thường, Nhà nước không bắt buộc phải chuyển đổi từ mác vàng miếng khác sang mác vàng miếng SJC.

Một vấn đề khác là giá vàng trong nước liên tục chênh lệch ở mức lớn so với giá vàng thế giới quy đổi ra VND. Cần có sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thị trường vàng thế giới để giảm thiểu chênh lệch này.

Theo Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất