Với tinh thần đồng tình, ủng hộ, thống nhất cao với các quyết sách của Trung ương, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã trao đổi với TCTG xung quanh Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Làm rõ khái niệm “cán bộ cấp chiến lược”
Theo PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, đánh giá một cách tổng quát, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã bàn và quyết định những vấn đề rất căn bản, tạo ra động lực cho sự phát triển của công cuộc đổi mới.
Đối với Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đó là sự tiếp tục thực hiện công tác cán bộ mà Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đề cập. Trung ương dùng thuật ngữ “cán bộ cấp chiến lược” thể hiện sự phát triển trong nhận thức.
“Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã nêu ra 3 vấn đề: (1) Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ và trong đó, có chi tiết: “đặc biệt là đội ngũ ở cấp Trung ương” và (3) Đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Có thể thấy, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Trung ương đã đề cập “cán bộ cấp Trung ương” đến Hội nghị Trung ương 7 khóa XII là dùng thuật ngữ “đội ngũ cán bộ cấp chiến lược”. Thuật ngữ “cấp chiến lược” có tính khoa học hơn. Nếu chỉ dùng từ ở cấp Trung ương mới chỉ hình dung vai trò của cán bộ theo các cấp. Khi dùng thuật ngữ “cấp chiến lược” thì đã hàm chứa trong đó những nội dung quan trọng. Từ đó, cần làm rõ khái niệm cán bộ cấp chiến lược là gì?: - PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ. “Theo tôi, cán bộ cấp chiến lược phải đảm bảo những yêu cầu rất căn bản chứ không phải ai cũng được xếp vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.”
Năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định của Bộ Chính trị về quy chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý với phạm vi khoảng 1.000 người, mới chỉ nói lên công tác quản lý cán bộ, thuộc cơ quan nào quản lý. Còn thuật ngữ “cán bộ cấp chiến lược” ở Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã có cả định tính và định lượng trong thuật ngữ.
Về mặt định tính, đặt ra yêu cầu căn bản mà đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đó phải đáp ứng được, đó là:
Thứ nhất, là yêu cầu về đạo đức cách mạng trong sáng, học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ, như Bác Hồ đã nói “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Khái niệm đạo đức này rộng hơn rất nhiều. Cụ thể, đạo đức của cán bộ chiến lược phải là đạo đức cách mạng trong sáng, dĩ công vi thượng, toàn tâm, toàn ý vì dân vì nước, không liên quan đến lợi ích nhóm, tham nhũng, không có lối sống xa hoa, lãng phí, quan trọng nhất là phải thật sự trong sáng về đạo đức.
Thứ hai, cán bộ cấp chiến lược phải ở tầm cao trí tuệ, có tư duy chiến lược và tầm nhìn chiến lược, chứ không đơn thuần là người thừa hành, thi hành. Cần có tầm nhìn xa và có trình độ học vấn cao. Trình độ học vấn ở đây bao gồm là trình độ lý luận chính trị, trí tuệ cao, có trình độ học vấn nhất định, phải có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực mà mình phụ trách, am hiểu nhiều vấn đề của đời sống xã hội về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh…
Thứ ba, phải có năng lực tổ chức thực hiện. Nếu cán bộ cấp chiến lược chỉ dừng lại tham gia vào hoạch định đường lối thì mới là đúng chứ chưa đủ. Đồng thời, phải có năng lực chỉ đạo tổ chức thực hiện trong thực tiễn, năng lực lãnh đạo quản lý mà Lênin hay gọi là năng lực tổ chức thực tiễn; như Bác Hồ nhấn mạnh đến khả năng vận dụng vào thực tiễn. Đây là năng lực cần thiết. Nếu không chú ý đến điều đó thì khó có khả năng đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Thứ tư, phải có phong cách làm việc đúng đắn, đó là: phong cách sống, phong cách làm việc và phong cách lãnh đạo. Điều này sẽ giúp khắc phục tệ quan liêu, vô cảm với dân, xa dân. Điều này mới tạo ra uy tín chính trị cho người lãnh đạo. Cán bộ cấp chiến lược đã là người có trình độ rồi, còn cần phải là người có phong cách, đặc biệt là phong cách lãnh đạo, thực sự là người cán bộ của dân, có uy tín và được dân ủng hộ; như trong Đề án kỳ này đã đề cập đến từ “uy tín”.
Thứ năm, cán bộ cấp chiến lược phải có những am hiểu sâu sắc những vấn đề quốc tế, những vấn đề thời đại, đang đặt ra những vấn đề gì, thậm chí, quy luật vận động của thời đại ngày nay là gì, tầm nhìn thời đại là gì, chứ không chỉ bó hẹp trong địa phương, quốc gia mình. Bởi vì trong những cán bộ cấp chiến lược này, sẽ có những cán bộ trở thành lãnh đạo của đất nước. Có sự am hiểu thì người lãnh đạo đủ sức để dẫn dắt đất nước vào quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
Hội nghị Trung ương 7 khóa XII lần này cũng tập trung bàn về định lượng cán bộ cấp chiến lược, tức là bàn và quyết định kỹ những vấn đề về tiêu chuẩn cán bộ tất cả các cấp, nhấn mạnh vào cán bộ cấp chiến lược. Đó là sự phát triển Quy định của Bộ Chính trị về quy chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Hoàn thiện được điều đó, có hai điểm cần lưu ý:
Thứ nhất, giúp cho cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các tổ chức Đảng ở địa phương có cơ sở để đánh giá, coi như là “văn bản pháp lý” để lựa chọn để quy hoạch, đào tạo cán bộ ở cấp của mình như thế nào cho hợp lý. Không được nói chung chung mà phải đi vào từng vấn đề một, thậm chí, đặt lên bàn cân không chỉ từng vấn đề, mà còn từng đặt ra từng người. Điều này sẽ tạo ra chuyển biến căn bản trong cán bộ. Muốn đánh giá con người phải có hệ tiêu chí cụ thể.
Thứ hai, chính những người cán bộ cấp chiến lược phải hình dung được mình sẽ phải làm gì, sẽ phấn đấu như nào thế để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Cái gì mình thiếu mình phải bù đắp. Bản thân cán bộ phải vươn lên một cách tự giác, một cách chủ động. Điều đó cũng tự nhiên gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực trong chạy chức, chạy quyền. Cán bộ phải tự khẳng định mình. Khi đã khẳng định được mình, người cán bộ sẽ được ghi nhận và đánh giá một cách đúng đắn.
“Khi thông qua Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ” tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, tôi đã thấy có sự chủ động trong công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Vì vai trò của cán bộ cấp chiến lược rất quan trọng. Phải thẳng thắn nhìn nhận, nhiều nhiệm kỳ trước, công tác này hơi bị động, thụ động, không có sự chuẩn bị trước. Lần này, Đề án được thảo luận công khai, sôi nổi và thông tin đến người dân một cách rõ nét. Đây là một nhận thức mới, đánh giá cán bộ đi vào tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, thể hiện rõ trách nhiệm của Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được đề cao trong công tác cán bộ. Đây có thể coi như một đột phá về công tác cán bộ. Nó sẽ góp phần khắc phục được dấu hiệu “độc quyền” trong công tác cán bộ, dẫn đến việc chạy. Nếu công tác cán bộ được thảo luận công khai với tinh thần xây dựng, tinh thần trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, những tiêu cực trong công tác cán bộ sẽ được khắc phục”.
Bước tiến về tính khoa học trong công tác tổ chức cán bộ
Theo PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc, qua Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”, có bước tiến về tính khoa học trong công tác tổ chức cán bộ. Bởi vì bản thân công tác tổ chức là một khoa học, khoa học về tổ chức, cán bộ và con người. Theo ông, tính khoa học được thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, trong Đề án lần này đã xử lý mối quan hệ giữa công tác tổ chức và công tác cán bộ. Công tác tổ chức đã được đề ra, thảo luận kỹ và đề ra từ Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, làm sao bộ máy tinh gọn; có hiệu quả, hiệu lực trong vận hành. Đây là một bước tiến trong công tác tổ chức cán bộ. Sự sắp xếp ấy phải được thể hiện trên cơ sở khoa học và tính hiện thực của nó; chứ không phải do ý chí chủ quan.
Kỳ này, Hội nghị Trung ương 7 bàn sâu về công tác cán bộ, từ sự sắp xếp tổ chức tinh gọn như thế, sẽ lựa chọn cán bộ như thế nào, bố trí cán bộ vào vị trí nào để phát huy tốt nhất khả năng của mình, đảm bảo cho guồng máy tổ chức vận hành hiệu quả. Ở đây, có mối quan hệ giữa công tác tổ chức và công tác cán bộ. Nếu có bộ máy tinh gọn tốt, sẽ đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ như thế nào để đáp ứng được tổ chức bộ máy ấy “Tổ chức nào - cán bộ ấy”.
Ngược lại, với đội ngũ cán bộ có trình độ và phẩm chất, thì cá nhân từng người cán bộ ấy có tác động ngược lại tổ chức, làm cho tổ chức ngày càng được hoàn thiện hơn. Đội ngũ cán bộ sẽ phát hiện, trong tổ chức bộ máy ấy, bộ phận nào cần được tinh gọn, bộ phận nào cần được chú ý hơn. Đây cũng chính là tính khoa học trong Hội nghị Trung ương 7 và cũng là mối quan hệ giữa Hội nghị Trung ương 6 và Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.
Thứ hai, tổ chức và cán bộ đã được nhận thức đúng tầm và cố gắng làm sao để ngày càng phát triển hoàn thiện hơn, để trở thành một khoa học về tổ chức. Làm thế nào khắc phục được bệnh chủ quan, duy ý chí trong công tác cán bộ và tổ chức, để phát hiện ra quy luật vận động của tổ chức, của con người cán bộ, để có được sự lựa chọn tốt nhất và luôn đặt nó trên cơ sở hiện thực. Tổ chức thế này, tiêu chuẩn thế này, có khả năng hiện thực hóa được không? Tính hiện thực rõ sẽ làm rõ giá trị khoa học. Một khoa học bao giờ cũng phải đặt trên cơ sở hiện thực. Trước đây, chúng ta hay nêu chung chung về công tác cán bộ, không đi vào cụ thể.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, ông đã thấy rất rõ mối liên hệ giữa khoa học tổ chức cán bộ với khoa học chính trị học và khoa học lãnh đạo quản lý. Tổ chức cán bộ như thế nào cuối cùng cũng để thực hiện mục tiêu chính trị hiện nay là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2045, trở thành một nước công nghiệp xã hội chủ nghĩa phồn vinh. Như vậy, phải gắn với khoa học chính trị, nếu không thì sẽ không thấy hết tầm quan trọng của tổ chức. Điều này sẽ khắc phục được “bệnh” mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đề cập là “suy thoái về tư tưởng chính trị”.
Thu Hằng