Buôn Buôr (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) ngày nay là một trong những buôn cổ của người Ê đê thuộc loại hiếm hoi nhất ở Tây Nguyên còn giữ được nhiều giá trị văn hóa đặc trưng, đặc biệt là giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó nhà rông là di sản văn hóa nổi bật nhất. Tuy nhiên, những giá trị này đang bị mai một nhanh chóng, trong khi công tác bảo tồn vẫn diễn ra chậm chạp và còn nhiều bất cập…
Hơn 200 năm tồn tại và phát triển, Buôn Buôr đã trải qua 9 đời chủ buôn. Mỗi đời chủ buôn là một giai đoạn kế thừa, phát triển thể chế văn hóa cộng đồng. Cùng với việc tách hộ, người dân bắt đầu có tâm lý chán ở nhà dài. Họ dựng lên những căn nhà theo lối kiến trúc của người Kinh ngay bên cạnh nhà dài. Cụ Y Ngăm bảo rằng: “Bây giờ con cháu mình chỉ thích ở nhà xây hơn nhà dài, còn mình thì có thích hay không cũng phải ra ở chòi rẫy để nuôi cây cà phê. Nhà dài của mình dùng làm nhà kho rồi”. Ngoài ra, những ngôi nhà cổ ở Buôn Buôr đang bị mục nát nhanh chóng, do tác động của thời gian.
Để gìn giữ và khắc phục sự xuống cấp của di sản văn hóa nhà rông, đầu năm 2007, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã phê duyệt Dự án bảo tồn Buôn Buôr với số vốn đầu tư 5 tỷ đồng, triển khai trong 2 năm 2007-2008. Mục tiêu của dự án là khôi phục cảnh quan, bảo tồn nhà cổ, dạy đánh cồng chiêng lẫn các nghề truyền thống, tìm “đầu ra” cho các sản phẩm truyền thống của buôn… Bước đầu, số tiền 2,5 tỷ đồng đã được chuyển về cho chủ đầu tư để triển khai 4 hạng mục là xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng, sửa chữa 10 ngôi nhà dài, nâng cấp bến nước và khôi phục giếng cổ.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, chủ đầu tư mới xây được phần móng của Nhà văn hóa cộng đồng và sửa chữa được một ngôi nhà dài! Vẫn còn nhiều hạng mục rất quan trọng khác trong dự án chưa được đả động tới. Và vì vậy, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở Buôn Buôr đang bị mai một từng ngày./.
(Nguồn: Bộ VH-TT & DL)