Sáng 24/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 – 25/7/2008).
Tới dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cùng đông đảo đại diện các bộ, ban, ngành, các cơ quan Trung ương , các Hội chuyên ngành.
Tháng 7-1948, Đại hội Văn hóa toàn quốc họp tại Đào Giã, Phú Thọ đã quyết định thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam. Ngay sau đó, Hội nghị văn nghệ toàn quốc đã diễn ra với hơn 80 đại biểu tham dự, đã bầu ra Ban Chấp hành Hội và thành lập 3 cơ quan trực tiếp là Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam, Đoàn sân khấu Việt Nam và Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam. Ngay sau khi thành lập, Hội Văn nghệ Việt Nam đã hoạt động hết sức hiệu quả và có ảnh hưởng lớn tới phong trào văn nghệ cả nước. Sau gần một thập kỷ phát triển và không ngừng lớn mạnh, năm 1957, Hội Văn nghệ ViệtNam đã tổ chức Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II và bầu ra Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam do nhà văn Đặng Thai Mai làm Chủ tịch. Các Hội chuyên ngành Trung ương cũng bắt đầu được thành lập và từng bước mở rộng qua các Đại hội III (1960), Đại hội IV (1968)... Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, với niềm vui "Bắc Nam một nước, văn nghệ một nhà", Hội nghị đại biểu các Hội văn học nghệ thuật toàn quốc đã được tổ chức tại Hà Nội và thống nhất đổi tên Ban chấp hành Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam thành Ủy Ban Trung ương Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Trải qua 60 năm hoạt động và phát triển dưới sự lãnh đạo, quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Đến nay, đã có trên 30.000 hội viên đang hoạt động ở 74 hội thành viên, gồm 10 Hội chuyên ngành Trung ương và 64 hội văn nghệ địa phương. Nhiều tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật đạt tới trình độ cao về tư tưởng nghệ thuật đã ra đời và góp phần làm phong phú, rạng rỡ nền văn nghệ Việt Nam. Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân Chương độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho 89 tác phẩm, cụm tác phẩm...
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Trương Tấn Sang Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định: Trong quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật để xây dựng nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội ta. Đảng và nhân dân ta mong muốn ở đội ngũ văn nghệ sĩ luôn "phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, tâm huyết với nghề nghiệp, phấn đấu để có được những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, phản ánh hiện thực sâu sắc, giàu tính nhân văn, xây dựng nhân cách con người Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân, phụng sự đất nước và dân tộc".
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Trương Tấn Sang đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2 thời kỳ đổi mới cho Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam nhằm ghi nhận những cống hiến và đóng góp của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, các thế hệ văn nghệ sĩ với sức lao động sáng tạo không ngừng đã góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" của Đảng và nhân dân ta.
(Báo ĐTĐCSVN)