Thứ Hai, 23/9/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 21/6/2012 9:43'(GMT+7)

Hai câu chuyện ở bệnh viện: đọc và suy ngẫm

GS. TSKH. Phạm Mạnh Hùng

GS. TSKH. Phạm Mạnh Hùng

Cách đây gần một năm, tôi được đọc bài báo đăng trên Tuổi trẻ Online với đầu đề: “Hãy cố lên, mươi phút nữa chị sẽ có một thiên thần” của tác giả Bùi Thị Hải Yến (Nam Định), câu chuyện chân thật, cảm động, khiến người đọc lắng lòng trong suy tư.

Chuyện kể: Tôi sang CH Czech thăm con gái vào đúng dịp cháu chuẩn bị sinh. Hôm cháu trở dạ, cả nhà tôi tháp tùng vào bệnh viện. Ngồi chờ một lát thì cháu cùng một người phụ nữ, có lẽ là bác sĩ, từ phòng khám bước ra.

Bà nói: “Chúng tôi đã thăm khám cho cô ấy. Hai tiếng nữa sẽ sinh. Mọi việc sẽ tốt đẹp. Gia đình cứ yên tâm”.

Chúng tôi chờ đợi trong thắc thỏm. Chừng gần hai tiếng sau, hai cô gái trẻ có lẽ là hộ lý hoặc y tá gì đó bước đến dìu con gái tôi đứng dậy. Dường như cháu đau quá nên gượng một lúc mới đứng dậy nổi, tay ôm bụng, mặt nhăn nhó.

Tôi nhìn con mà lòng xót xa như chính mình đang đau. Một trong hai cô gái Czech vừa vuốt vuốt bụng con gái tôi vừa khẽ nói một câu gì đó, rồi đưa cháu vào phòng sinh. Con gái út tôi giúp chị đứng dậy xong quay lại nói với tôi: “Mẹ có biết họ vừa nói gì với chị Oanh không? Họ nói: Chị hãy cố lên. Chỉ mươi phút nữa chị sẽ có một thiên thần”. Tôi nhẹ người vì câu động viên rất đúng lúc đó và lòng thấy yên tâm lạ lùng.

Lát sau từ phòng sinh, bà bác sĩ bước đến chỗ gia đình chúng tôi: “Xong rồi. Tốt đẹp rồi. Ai là cha cháu bé?”. Con rể tôi đứng dậy tiếp chuyện bà. “Con gái anh xinh như một nàng công chúa. Đây là bước chân đầu đời của bé. Anh hãy giữ lấy làm kỷ niệm”. Nói rồi bà đưa ra một tờ giấy cứng trắng tinh, trên có hai vết chân nhỏ xíu bằng máu. Góc trái bên trên ghi: “Bao Anh Phamova. Sinh lúc 12g15..., cân nặng 2,9kg, dài 46cm”. Gia đình tôi thống nhất đặt tên cháu là Bảo Anh, cháu họ Phạm, sinh ở Czech nên giấy chứng sinh ghi họ là Phamova.

Ánh mắt con rể tôi sáng lên. Tôi đọc thấy niềm hân hoan vui sướng vô hạn của cháu qua ánh mắt ấy. Cháu nói với tôi: “Con sẽ ép plastic để lại mãi mãi”. Chưa hết. Về đến buồng nghỉ, trên tủ đầu giường con gái tôi nằm đã có sẵn một bó hoa, một thiếp chúc mừng và một gói quà.

Bà bác sĩ chỉ những thứ đó nói: “Đây là thiếp và quà mừng của cơ quan bảo hiểm y tế nhờ chúng tôi chuyển đến chị. Chị có thể mở gói quà”. Con rể tôi đỡ gói quà, mở ra. Đó là một tá bỉm để đóng vệ sinh cho bé, một suất ăn chiều và một cuốn sách ảnh cỡ lớn hướng dẫn cách chăm sóc bé. Rồi bà ân cần nhắc: “Gia đình chỉ nên lưu lại đến trước 17g. Mọi việc ở đây có chúng tôi lo. Tất cả cũng sẽ tốt đẹp như vừa qua”.

Phòng cháu rộng rãi, thoáng. Chỉ có mình mẹ con cháu nằm nên thừa những hai giường. Tôi ngỏ ý muốn ngủ đêm lại với con và cháu nhưng con rể tôi nói luôn: “Không được đâu mẹ ơi và cũng không cần thiết phải vậy. Họ chu đáo lắm. Mai con lại đưa mẹ vào thăm cháu”.

Câu chuyện cách đây đã mấy năm. Kể lại ở đây để cho thấy tuy chỉ là những chuyện rất bình thường của  ngành y tế nước bạn. Đó là sự tận tụy phục vụ, chia sẻ, an ủi và nụ cười. Dễ vậy mà sao ở ta dường như nhiều nơi vẫn khó thực hiện thế?

Trên đây là câu chuyện do một người “bình dân” kể lại, còn dưới đây là câu chuyện của một nhà khoa học, một chuyên gia đầu ngành, một nhà quản lý, nhà lãnh đạo uy tín của ngành y tế nước nhà, một bậc thầy kính trọng của nhiều thế hệ học trò ngành Y. Ông đã từng đảm nhận nhiều chức vụ lãnh đạo không chỉ của ngành Y tế mà còn là lãnh đạo có uy tín của ngành Tuyên giáo Đảng. Hiện nay, mặc dù đã nghỉ công tác quản lý, nhưng ông vẫn được Đảng và Nhà nước tiếp tục giao giữ một số trọng trách như Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội, đặc biệt với cương vị là Chuyên gia cao cấp, ông đang được giao giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng khoa học các ban Đảng. Đó là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Trong phiên họp Hội đồng biên tập Tạp chí Tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) sáng ngày 20/6, khi phát biểu xây dựng hướng đổi mới của Tạp chí, nhằm gắn nội dung các bài viết với vấn đề cuộc sống, Giáo sư Phạm Mạnh Hùng trải lòng bằng một câu chuyện hết sức thấm thía, khiến Hội đồng Biên tập và những người dự họp không khỏi suy tư.

Chuyện ông kể rằng: Tháng trước, tôi có dịp đi du lịch ở nước Anh cùng gia đình. Chẳng may đứa cháu ngoại của tôi bị cấp cứu, lúc đó đã vào buổi tối. Tôi rất lúng túng và cũng thấy hoảng vì cháu mới bốn tuổi rưỡi. Tôi vội đưa cháu đến bệnh viện để cấp cứu. Đến nơi, đã là ban đêm, cháu được đón tiếp nhanh chóng và được khám ngay tất cả những thứ cần thiết. Tôi đứng nhìn bác sĩ khám cho cháu mà thấy chảy nước mắt. Từ phong cách, thái độ đến tất cả mọi thứ họ làm đều diễn ra mau lẹ, ân cần, chu đáo và rất bài bản, khiến gia đình tôi đỡ lo lắng và đỡ hốt hoảng hơn.

Khi cháu được khám xong, tôi vào hỏi bác sĩ: Thưa bác sĩ, vậy chúng tôi phải trả bao nhiêu tiền? Bác sĩ nói luôn: tất cả các cháu bé đến đây khám chữa bệnh, chúng tôi đều không thu tiền, dù cháu là người nước ngoài đến du lịch tại nước Anh. Nghe xong, tôi lại càng suy nghĩ và thật thấm thía, rồi liên tưởng đến chúng ta.

Điểm khác nữa, tôi lại nói về “an ninh” thuốc và điều trị. Sau khi khám xong, bác sĩ cho đơn và dùng thuốc, con gái tôi nó nhìn và bảo tôi: Bố ơi, thuốc này Việt Nam bỏ hai mươi năm nay rồi, sao ở đây vẫn dùng?

Đấy là thuốc Penicilin mà đúng là Việt Nam đã bỏ hơn hai mươi năm nay rồi. Con gái tôi nó hỏi câu này làm tôi rất suy nghĩ.

Đây là một thực tế đáng buồn, Việt Nam bây giờ thích dùng kháng sinh mạnh loại III mà bỏ tất cả kháng sinh loại I (thế hệ I).  Tôi nhận ra rằng, Việt Nam hiện nay đang “đánh” các vi khuẩn bằng “tên lửa”, còn nước Anh vẫn đánh vi khuẩn bằng “súng trường”.

Trước thực tế ấy, nhưng chưa mấy ai đặt ra câu hỏi: nếu như vi khuẩn kháng lại "tên lửa" thì lúc bấy giờ Việt Nam sẽ dùng “vũ khí” gì để đánh lại vi khuẩn, trong khi tính kháng kháng sinh hiện nay ở Việt Nam là rất cao? Phải chăng các nước có nền y học phát triển đang biến những nước đang phát triển, trong đó có chúng ta trở thành những nơi thí nghiệm của các loại kháng sinh mới, còn bản thân nước đó, họ vẫn dùng kháng sinh cổ (thế hệ I)?

Tôi xin nói những suy nghĩ như thế là mang tính chiến lược chứ không phải chỉ mang tính kỹ thuật. Tức là, cần sớm có định hướng đưa vào trong chủ trương của Đảng và Nhà nước, nếu không tất cả các bác sĩ Việt Nam sẽ đổ xô vào kê đơn kháng sinh liều cao, liều kháng sinh rất mạnh mà không ai lường đến hậu quả khi vi khuẩn kháng lại thuốc thì bệnh tật của các bệnh nhân sẽ thế nào!

Tôi nói câu chuyện đó để chúng ta cùng suy ngẫm và cùng góp tiếng nói với các nhà chức trách và những thầy thuốc Việt Nam từ nhiều kênh thông tin.

Có lẽ không cần phải bình luận gì thêm, người ghi lại câu chuyện này muốn gửi đến bạn đọc thông diệp của một nhà khoa học chân chính – Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Mạnh Hùng: Cần có thái độ đúng đắn cho một nền y học học tiến bộ và ưu việt của nước nhà trong tương lai.

Phương Vinh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất