Nếu xếp cá tra và cá basa Việt Nam vào nhóm catfish, được kiểm soát chất lượng bởi USDA, sẽ tạo ra hệ thống kiểm soát tương đối phức tạp, gây khó khăn cho xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ
Ngày 16/2, báo Washington Post đăng thông tin dự kiến cuối tháng 2 này, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ căn cứ vào Luật Nông nghiệp 2008 để quyết định có nên xếp cá tra, cá ba sa của Việt Nam có thuộc nhóm catfish - cá da trơn hay không? Thông tin này đang gây lo lắng cho một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) về vấn đề này. Ông Trương Đình Hòe cho biết:
- Nói chung đến nay, chúng tôi chưa có thông tin chính thức về phía Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ là sẽ xếp cá tra, cá basa của Việt Nam vào trong nhóm catfish theo như định nghĩa của Farm bill 2008. Theo Farm bill 2008 thì cá tra và cá basa Việt Nam có thể bị xếp vào trong nhóm catfish của Mỹ hay nói cách khác là sẽ được kiểm soát chất lượng bởi cơ quan Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) thay vì như FDA (Cục Dược phẩm và Thực phẩm) như trước đây. Vấn đề này cũng đã được đưa ra khá lâu theo như ban đầu dự kiến tháng 7/2009.
Tuy nhiên sau rất nhiều tác động từ phía các Thượng Nghị sỹ cũng như cơ quan truyền thông ở Hoa Kỳ thì cho đến nay, định nghĩa này vẫn chưa được đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi. Sự gia hạn thời gian xem xét của OMB đối với các quy định của USDA liên quan đến cá tra và basa của Việt Nam cho thấy các nhà hành pháp của Mỹ đang rất cân nhắc trong việc áp dụng các quy định này. Đồng thời cho thấy họ đang nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh không chỉ là lý do về an toàn thực phẩm mà còn nhiều vấn đề khác.
PV: Vậy theo ông, đâu là điều lo ngại nhất của chúng ta nếu phía Mỹ xếp cá tra và cá ba sa của Việt Nam là Catfish (cá da trơn)?
|
Ông Trương Đình Hoè |
Ông Trương Đình Hoè: Một trong những lý do khi chuyển việc kiểm soát cá catfish nhập khẩu từ cơ quan FDA sang USDA có liên quan đến vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên cho đến nay, chưa phát hiện một trường hợp nào mà gây chết người từ các sản phẩm cá tra nhập khẩu từ Việt Nam.
Cho nên, nói rằng cá tra vì vấn đề không đảm bảo vệ sinh thực phẩm khiến cho Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ phải tăng cường kiểm soát hàng nhập khẩu thì chúng tôi cho rằng đây không phải là lý do chính. Hiện nay mức tiêu thụ cá tra của Việt Nam tại thị trường Mỹ tăng lên tương đối. Năm 2008, mức tiêu dùng cá tra ở Mỹ là 0,26 pound/người, cho thấy người tiêu dùng Mỹ đã chọn lựa và tin tưởng vào mức độ an toàn của sản phẩm nhập khẩu này.
Trong quy định của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, vấn đề kiểm soát các sản phẩm cá tra, cá basa được chuyển từ cơ quan hiện nay là FDA sang USDA. Với quy định này sẽ tạo ra hệ thống kiểm soát tương đối phức tạp gây nhiều khó khăn cho xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ. Ở một khía cạnh nào đó, thì cho thấy rằng có những cái thiếu công bằng đối với con cá tra của Việt Nam, nó có thể tạo ra những vấn đề không thuận lợi khi mà hiện nay, ngoại giao và thương mại giữa 2 nước đang có chiều hướng tốt.
Với việc đưa cá tra và cá basa của Việt Nam vào diện kiểm soát bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thì có thể khiến cho thương mại giữa 2 bên có những khó khăn trong khi nỗ lực chung là mong muốn tăng cường thương mại giữa 2 nước. Bên cạnh đó chúng ta vẫn muốn chứng minh với phía Mỹ rằng Việt Nam không bán phá giá cá tra và cá ba sa vào Mỹ, cũng như là muốn cung cấp sản phẩm chất lượng tốt nhất không chỉ cho thị trường Mỹ mà còn các thị trường khác.
PV: Đặt vấn đề, nếu vì những qui định của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ mà ta không xuất khẩu cá tra và cá basa vào thị trường Mỹ được thì mức độ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta như thế nào?
Ông Trương Đình Hoè: Năm 2009 xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ là 41.000 tấn, trong số 600.000 tấn xuất khẩu của Việt Nam trên thế giới, chiếm khoảng 7%. Như vậy con số này không phải là lớn. Nếu không xuất khẩu vào thị trường Mỹ, con số này không ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Tuy nhiên nó có thể ảnh hưởng lớn đến uy tín của hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Thị trường Mỹ là một thị trường mà chúng tôi đánh giá là tiềm năng. Vì vậy, chúng ta nỗ lực, tiếp tục vận động từ phía chính phủ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng như chính phủ Mỹ và Bộ Nông nghiệp Mỹ làm thế nào để việc xuất khẩu này được bình thường, giúp cho mối quan hệ thương mại giữa 2 nước ngày càng phát triển tốt hơn trong tương lai.
PV: Như vậy, để phát huy thế mạnh của xuất khẩu thủy sản, vấn đề cơ bản vẫn là chất lượng và các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông có khuyến cáo gì đối với các doanh nghiệp chế biến cũng như người nuôi trồng thủy sản nước ta?
Ông Trương Đình Hoè: Chính phủ đưa ra mục tiêu xuất khẩu cá tra đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2010, sản lượng nuôi trồng khoảng 1,5 triệu tấn cá tra ở Đồng bằng Sông Cửu Long, chúng ta đang nỗ lực ổn định và làm cho con cá tra Việt Nam được thế giới công nhận là một sản phẩm an toàn và chất lượng. Cho nên các doanh nghiệp và người nuôi cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng sản phẩm, không chỉ là khâu chế biến mà cả khâu nuôi và đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường. Làm thế nào để sản phẩm của chúng ta tiếp tục được tin dùng, tạo sự ổn định về xuất khẩu và giúp cho con cá tra và ba sa Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.
PV: Vâng! Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./.
Ngọc Hà - VOVnews