Thứ Tư, 2/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 23/6/2011 22:44'(GMT+7)

Các đảo sẽ tự túc được thực phẩm, rau xanh

Khu dân cư mới trên đảo Trường Sa Lớn.

Khu dân cư mới trên đảo Trường Sa Lớn.

Mong ước đó của chị Liền sẽ thành hiện thực khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Dự án “Phát triển cây trồng, vật nuôi phục vụ sản xuất tự túc và tôn tạo cảnh quan ở quần đảo Trường Sa”.

Cung cấp cây, con giống năng suất cao và ổn định

Tiến sĩ Ngô Quang Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam (gọi tắt là Viện) cho hay, Dự án “Phát triển cây trồng, vật nuôi phục vụ sản xuất tự túc và tôn tạo cảnh quan ở quần đảo Trường Sa” được hình thành sau chuyến thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa mới đây của đoàn cán bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do Thứ trưởng Bùi Bá Bổng dẫn đầu. Sau khi khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của nông dân các xã đảo thuộc huyện Trường Sa, đồng chí Thứ trưởng đã giao cho Viện chủ trì, phối hợp với các cơ quan ban ngành của Bộ thực hiện đề tài nghiên cứu cung cấp giống cây trồng, vật nuôi và chuyển giao công nghệ, giúp quân, dân huyện đảo Trường Sa phát triển sản xuất nông nghiệp tại chỗ theo hướng ổn định, bền vững.

Sau một thời gian nghiên cứu, đề án đến nay đã cơ bản hoàn thành. Theo đó, tại các đảo nổi, dự án sẽ triển khai quy trình cải tạo đất, nâng cao hiệu suất canh tác của các vườn rau hiện có theo hướng đa canh, hình thành các khu trồng rau xanh, phát triển một số chủng loại quy hoạch thành vườn cây ăn trái, các loại cây cảnh, phù hợp với điều kiện thời tiết và đặc điểm thổ nhưỡng ở từng đảo. Tại các đảo sẽ có vườn ươm giống, nhân giống để quân, dân chủ động canh tác. Phương pháp cải tạo đất là cung cấp giá thể (đất sạch) giàu dinh dưỡng bổ sung cho lớp đất mặt ở đảo. Đối với các đảo chìm, việc trồng rau xanh sẽ phát triển theo hướng sử dụng giá thể được chế tạo từ xơ dừa có bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng. Ưu điểm của loại vật liệu này là nhẹ, có thể vận chuyển ra đảo với số lượng lớn. Viện sẽ cung cấp cho các đảo nguồn cây giống đa dạng, phong phú, vừa có rau ăn lá, vừa có cây cho củ, quả… bảo đảm cho việc gieo trồng, thu hoạch diễn ra quanh năm theo hướng mùa nào thức đó. Việc phát triển sản xuất trồng trọt trên các đảo được quy hoạch gắn liền với xây dựng cảnh quan môi sinh, môi trường văn hóa xanh – sạch – đẹp.

Về phát triển chăn nuôi, Tiến sĩ Ngô Quang Vinh cho biết, theo kết quả khảo sát, nhiều năm qua quân, dân trên nhiều đảo đã nuôi một số loài gia súc, gia cầm nhưng chủ yếu sử dụng giống địa phương, năng suất chưa cao. Dự án sẽ cung cấp bước đầu một số chủng loại giống gia súc, gia cầm năng suất cao, phát triển thành đàn, tạo nguồn cung cấp trứng gia cầm và thịt gia súc tại chỗ thường xuyên cho quân, dân huyện đảo Trường Sa. Tại các đảo nổi sẽ được cung cấp giống cỏ để trồng, phục vụ việc chăn nuôi bò.

Giai đoạn đầu, dự án sẽ triển khai thể nghiệm ở 4 đảo nổi và 4 đảo chìm. Tiếp theo sẽ nhân rộng ra các đảo khác.

Ứng dụng kỹ thuật vòm kính, vòm lưới

Từ trước đến nay, việc trồng rau ở các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa được thực hiện bằng kỹ thuật che chắn thủ công. Quân và dân trên các đảo sử dụng những loại vật liệu đưa từ đất liền ra như: Tôn tấm, tấm liếp, tấm cót, bạt, lưới, thậm chí là bao tải, vải che mưa… Những loại vật liệu này độ bền không cao và chỉ sử dụng được ở phạm vi hẹp. Nay, các nhà nghiên cứu hướng tới phương pháp ứng dụng kỹ thuật nhà vòm kính, vòm lưới để thay thế cách làm thủ công. Với kỹ thuật này, việc trồng trọt sẽ diễn ra quanh năm vì các vật liệu che chắn mới này sẽ ngăn chặn hữu hiệu sự xâm nhập của gió biển, hơi mặn và mưa, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sự phát triển của cây trồng. Việc lắp đặt các nhà vòm kính, vòm lưới được tính toán cụ thể về kích thước, mẫu mã sao cho phù hợp với đặc điểm ở từng đảo, vừa bảo đảm lợi ích kinh tế, độ bền, vừa bảo đảm mỹ quan cho đảo. Dự kiến sẽ triển khai khoảng 500 vòm kính, vòm lưới ở các đảo, được quy hoạch hài hòa trong hệ thống thiết chế phục vụ mục tiêu xanh - sạch - đẹp ở các đảo.

Đàn bò trên đảo Song Tử Tây.  

Với mục tiêu giúp cư dân huyện đảo Trường Sa phát triển đời sống kinh tế ổn định, bền vững, dự án này được triển khai gắn liền với các chương trình, dự án về phát triển nuôi trồng, khai thác nguồn lợi thủy sản đã và đang được triển khai ở một số đảo của huyện đảo Trường Sa.

Hiện nay, Viện đã có kế hoạch đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho triển khai chương trình tập huấn cho khoảng 300 lượt cán bộ về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt theo tinh thần của dự án. “Phát huy kết quả và những kinh nghiệm trong quá trình chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho quân, dân các đảo Phú Quý, Phú Quốc… trước đây, chúng tôi rất tin tưởng vào tính khả thi và thành công của dự án. Trong một tương lai gần, quân, dân huyện đảo Trường Sa sẽ tự túc được nguồn thực phẩm, rau xanh tại chỗ để ổn định, phát triển đời sống kinh tế - văn hóa – xã hội trên các đảo”. – Tiến sĩ Ngô Quang Vinh khẳng định./.

Đầu tháng 6-2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tặng cho đảo Song Tử Tây thuộc huyện đảo Trường Sa ba con bò lai Sind (hai bò cái, một bò đực). Đây là giống bò tăng trưởng nhanh, trọng lượng lớn, do Viện tuyển chọn. Khi thích hợp với điều kiện ở đảo, giống bò này cùng với đàn bò hiện có trên đảo sẽ tạo ra thế hệ bò lai cho năng suất cao và ổn định.

(Phan Tùng Sơn/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất