Thứ Năm, 3/10/2024
Đời sống
Thứ Hai, 20/6/2011 20:48'(GMT+7)

Những nhà báo đi về phía biển

Phóng viên tác nghiệp tại đảo Phan Vinh.

Phóng viên tác nghiệp tại đảo Phan Vinh.

Biển đảo Tổ quốc luôn là đề tài thu hút mạnh mẽ đối với các nhà báo. Ra với biển đảo, được làm bạn với những ngư dân cả đời ăn sóng nói gió, chân chất, thủy chung với biển khơi, những người làm báo hôm nay càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm công dân của mình để mỗi trang viết, mỗi tác phẩm báo chí ra đời thể hiện trí tuệ, ý chí của cả dân tộc góp phần xây nên những cột mốc biên cương Tổ quốc giữa trùng khơi. Đây là đề tài được thể hiện trong nhiều tác phẩm đạt giải cao tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 5.

Nhà báo Nguyễn Đăng Lâm- Trưởng Phân xã TTXVN tại Quảng Ngãi không thể nhớ mình đã bao nhiêu lần ra huyện đảo Lý Sơn để dự Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa– một nghi lễ chỉ có ở Lý Sơn- để tri ân những người trong Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Qua những chuyến đi ấy, anh ý thức được rằng, Lý Sơn này là một bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không nơi nào có được.

Đó là nhà thờ các tộc họ có nhiều người đi Hoàng Sa, Trường Sa, những ngôi mộ gió, những đình làng làm nơi thờ phụng và tế tự các hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa đã hy sinh vì Tổ quốc từ hàng trăm năm trước…

Từ tư liệu thu thập được trong bảo tàng và những chuyến đi thực tế cùng những câu chuyện với ngư dân, loạt bài “Lý Sơn-Bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa” hình thành, tái hiện sinh động về những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể tại huyện đảo Lý Sơn gắn với lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

Nhà báo Nguyễn Đăng Lâm chia sẻ: “Vùng đảo này là ngư trường từ bao đời nay mà nhân dân ta vẫn gắn bó. Đặc biệt trong những năm gần đây nhiều tàu có công suất lớn tạo thành những tổ đội ra khơi bám biển. Đó là ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ vùng chủ quyền biển đảo của người dân Lý Sơn từ nhiều đời nay”.

“Những ngư dân ngày đêm bám biển, như những chiến sỹ canh giữ đất trời ngoài trùng dương của Tổ quốc. Họ như những cột mốc “sống” khẳng định chủ quyền trường tồn vùng lãnh hải quốc gia. Dù có nhiều trở ngại, nhưng với họ, vùng biển trời Tổ quốc cùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã trở thành một phần máu thịt khó có thể tách rời....”.

Đó là những dòng tâm huyết của nhóm tác giả Hồ Minh Khánh và Bùi Thị Hương Giang của Đài TNVN trong loạt bài “Mệnh lệnh vươn khơi”.

Mới chính thức phát sóng từ năm 2010, chương trình Biển đảo Việt Nam của Phòng Nông nghiệp- Hệ Thời sự- Chính trị- Tổng hợp (VOV1) được đông đảo thính giả đón nhận.

Điều đặc biệt là đội ngũ người làm chương trình phần nhiều là các nữ nhà báo. Vì thế, không thể kể hết khó khăn, vất vả trong quá trình tác nghiệp của họ. Nhưng khó khăn đến nhường nào cũng chẳng thể ngăn bước chân họ đến với biển, đảo, đến với ngư dân.

Nói về “Mệnh lệnh vươn khơi”, nữ nhà báo Hồ Minh Khánh cho biết, trong tác phẩm của mình, chị muốn thể hiện tình yêu biển, quyết tâm bám biển của bà con ngư dân dù gặp nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm. Bởi “Vươn khơi với ngư dân rõ ràng không chỉ là “mệnh lệnh” cuộc sống với mục đích mưu sinh mà còn là mệnh lệnh trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhà báo Hồ Minh Khánh cho biết thêm: “Ấn tượng của tôi trên huyện đảo Lý Sơn là những ngôi mộ gió. Những ngôi mộ đó là minh chứng cho những khó khăn gian khổ mà bà con ngư dân phải trải qua, cũng là minh chứng về lịch sử hào hùng. Lý Sơn là huyện đảo có truyền thống của cha ông cũng là để khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa”.

Không phải ai cũng có may mắn được đi thực tế nhiều như nhà báo Nguyễn Đăng Lâm hay nhà báo Hồ Minh Khánh. Với nhà báo Lưu Quỳ- Phó Giám đốc Điện ảnh quân đội, khó khăn lớn nhất đối với ông và đồng nghiệp khi thực hiện phim tài liệu “Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc” là không được ra Hoàng Sa mà chủ yếu qua sưu tầm tư liệu lịch sử, gặp gỡ nhân chứng lịch sử.

Với mục đích muốn đem đến cho khán giả cái nhìn toàn diện về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa và Hoàng Sa, nhóm tác giả đã dành nhiều tâm sức tìm gặp những người từng làm nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa, các cán bộ khí tượng…

Nhà báo Lưu Quỳ kể lại: Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng trong câu chuyện của họ vẫn thấy ánh lên niềm khát khao được trở lại Hoàng Sa. Để có đoạn phim tài liệu giá trị với thời lượng 20 phút, đoàn làm phim phải thực hiện trong 5 tháng, tiến hành quay ở nhiều địa điểm như: Lý Sơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội.

Nhà báo Lưu Quỳ vẫn tiếc nuối vì còn nhiều tư liệu quý, nhưng do thời lượng có hạn chưa thể truyền tải hết đến người xem.

Sẽ còn trở lại đề tài biển đảo và khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau là tâm niệm của ông và đồng nghiệp: “Là người viết bài cũng như làm phim, làm sao để mọi người hiểu được và khơi dậy được lòng tự hào dân tộc, khơi dậy được giá trị của hoà bình và bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ mà nhiều năm ông cha ta đã giữ và bây giờ mình không thể để mất. Đó là điều mà người làm báo cần phải nói, là thông điệp để nhắc nhở mọi người làm thế nào để giữ được Hoàng Sa”.

“Mệnh lệnh vươn khơi” từ chính trái tim mỗi ngư dân, đã trở thành “mệnh lệnh” thôi thúc người làm báo bằng tình yêu, niềm tin và trách nhiệm lớn lao cần phải đi và viết nhiều hơn nữa. Hành trang mang theo chỉ là máy quay, máy ghi âm, máy ảnh và cây bút, nhưng với đam mê nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm vì Tổ quốc, vì nhân dân, các nhà báo vẫn đang tiếp tục hành trình đi về phía biển, viết tiếp những câu chuyện biển đảo để thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau thêm tự hào và ý thức bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà cha ông ta không tiếc máu xương gìn giữ./.

(Huyền Châm/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất