Do ảnh hưởng của bão số 3, đến sáng 19/7 tại Nghệ An đã có trên 10.548ha
lúa, 3.712ha ngô và rau màu, 570ha ao nuôi thủy sản và nhiều diện tích
cây trồng khác bị ngập trong nước.
Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhiều tuyến giao thông bị ngập nước, bị sạt lở
đất đá, hư hỏng không thể qua lại, nhất là các tuyến đường nội xã, nội
thôn. Nhiều khu vực dân cư vẫn trong tình trạng bị chia cắt.
Sáng 19/7, ngay sau khi bão tan, mưa ngớt, công tác khắc phục hậu quả
thiên tai được các ngành, địa phương và người dân trong tỉnh Nghệ An nỗ
lực triển khai. Tuy nhiên ở một số địa phương trong tỉnh công tác khắc
phục vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều diện tích ao hồ nuôi thủy sản, đồng
ruộng đang bị ngập, việc khắc phục phải chờ nước rút bớt.
Trong sáng 19/7, các đơn vị quản lý các công trình thủy lợi tỉnh Nghệ An
cũng kiểm tra các cống, hồ đập, có giải pháp điều tiết, đóng mở nước
hợp lý để vừa bảo đảm an toàn cho các hồ đập, vừa có thể tích trữ nước
đề phòng có thể sẽ còn những đợt nắng nóng, khô hạn trong tháng Tám.
Một số kiốt kinh doanh tại thị xã Cửa Lò cũng đã bắt tay vào sửa chữa,
dọn dẹp để trong những ngày tới đưa vào kinh doanh trở lại. Ở các huyện
Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai, một số ngư dân đã chuẩn bị
ngư cụ, hậu cần để bắt đầu cho chuyến ra khơi mới.
Tại một số tuyến giao thông bị ngập nước, hư hỏng, sạt lở, ngành giao
thông đã bố trí phương tiện, lực lượng để khắc phục. Đối với một số
tuyến đường bị ngập lụt nặng, ngành giao thông và các địa phương trên
địa bàn tỉnh Nghệ An kiên quyết đóng đường không để người dân qua lại
nhằm đảm bảo an toàn.
Tại Hà Tĩnh, ảnh hưởng của bão đã làm nhiều nhà dân ở huyện Nghi Xuân bị
tốc mái, hàng ngàn hécta lúa, hoa màu ở các huyện ngập lụt, đặc biệt là
ở các huyện miền núi. Tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các cấp chính quyền, đoàn
thể phối hợp với nhân dân tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, ổn
định đời sống.
Huyện Nghi Xuân chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền xã Xuân Phổ
cùng nhân dân lợp lại mái nhà và sửa lại các hạng mục bị hư hỏng của 13
ngôi nhà dân bị lốc xoáy làm tốc mái và hư hỏng. Sau khi bão tan, các
cấp chính quyền huyện Nghi Xuân cũng đưa 861 người chủ yếu là người già
và trẻ em của các xã vùng ven biển, vùng xung yếu đã được di dời trước
bão trở về nhà.
Tại các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang nhiều diện tích
lúa, hoa màu bị ngập lụt, nhân dân đã tổ chức tháo nước, tiêu úng. Hiện
thủy điện Hương Sơn đang xả lũ với lưu lượng từ 10-20 m3/s nên các xã
vùng hạ lưu chủ động đối phó với tình trạng ngập lụt vùng ven sông, vùng
trũng. Tại xã Sơn Giang và một số xã vùng ven sườn núi có 25 điểm sạt
lở gần nhà dân được chính quyền tuyên truyền và chủ động di dời tránh bị
sạt lở đất, đá vùi lấp.
Nhà dân ở xã Xuân Phổ huyện Nghi Xuân bị tốc mái. (Ảnh: TTXVN)
Mưa lớn trong mấy ngày qua cũng đã làm sạt lở một số tuyến giao thông
như Quốc lộ 8A sạt lở phần taluy dương ở đoạn Km82+300 và rải rác từ
Km73-Km82 ở xã Sơn Kim 1 huyện Hương Sơn; lực lượng chức năng sử dụng
máy xúc san, gạt đảm bảo lưu thông.
Do chủ động ứng phó với bão số 3, tỉnh Thanh Hóa đã giảm tối đa thiệt hại và không có người bị chết do bão lụt.
Từ đêm 13/7 đến 7 giờ ngày 19/7, do ảnh hưởng của bão số 3, Tổng lượng
mưa phổ biến trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ 126-550mm, một số nơi có mưa
rất to như: Tĩnh Gia 547,3 mm; Triệu Sơn 445,8mm; thành phố Thanh Hóa
380,8mm...
Mưa lớn cũng khiến 465 hộ dân, 16 điểm dân cư bị gập, sáu ngôi nhà bị đổ
sập và hư hỏng nặng. Nhiều tuyến đường giao thông lớn bị sạt lở ta luy,
như Quốc lộ 15C, Quốc lộ 217, đường tỉnh 114 (từ Cầu Thiều đi Thượng
Ninh), đường tỉnh 512D (từ thị trấn Mường Lát đi xã Mường Lý) bị sạt
taluy ở nhiều điểm. Tại thành phố Thanh Hóa có nhiều cây bị đổ gãy làm
đứt đường dây điện...
Về nông nghiệp, theo thống kê đến 10 giờ ngày 19/7 đã có 365ha lúa bị
ngập trắng; 9.212ha lúa bị ngập phất phơ; trên 1.500ha ao nuôi trồng
thủy sản bị ngập; 200 con gia cầm chết; hai đập bị hư hỏng...
Hiện Công ty khai thác công trình thủy lợi đang tập trung toàn bộ máy
móc, thiết bị vận hành 24/24 giờ phục vụ tiêu úng cho các vùng có diện
tích lúa mới gieo sạ bị ngập, đồng thời khơi thông ách tắc dòng chảy
trên các trục tiêu, kênh tiêu. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ người
dân khắc phục nhà sập, nhà hư hỏng nặng và xử lý cây xanh, cột điện bị
đổ gãy để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Chủ động ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu sau bão, tỉnh Thanh Hóa đã
cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để triển
khai các biện pháp phòng tránh hiệu quả. Các lực lượng chức năng cũng có
lệnh cấm biển, quản lý chặt chẽ việc neo đậu tàu thuyền, gia cố lồng bè
nuôi trồng thủy sản, kiên quyết không để người dân ở lại trên các tàu
thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ. Tất cả 7.457 phương tiện nghề cá với
27.901 lao động đã vào bờ hoặc tìm được nơi tránh trú an toàn nên không
xảy ra thiệt hại về người và tài sản đối với ngư dân.
Hơn 300 hộ kinh doanh tại chợ trung tâm của thị trấn Ba Chẽ đã được sơ tán. (Ảnh: TTXVN)
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) Nguyễn Công Quyền
cho biết mưa lớn trên địa bàn huyện diễn ra từ đêm 18/7 kèm theo gió
giật mạnh khiến một cột điện bị đổ, 8 giờ ngày 19/7 toàn huyện mất điện.
Tại huyện Ba Chẽ, nước lũ đang dâng cao gây ngập lụt các cầu tràn và
điểm thấp trũng. Trên tỉnh lộ 330 có hơn 10 điểm ngập lụt, trong đó cầu
Khe Cát, xã Thanh Sơn bị ngập sâu hơn 1m. Tất cả các xã xung quanh tỉnh
lộ 330 đều bị cô lập hoàn toàn.
Ông Nguyễn Công Quyền cho biết thêm khu vực thị trấn Ba Chẽ là địa bàn
thấp trũng nên có nguy cơ bị ngập sâu. Dự kiến chiều nay (19/7), nếu mưa
không tạnh, Ủy ban Nhân dân huyện sẽ có phương án di dời dân khu 3, khu
4 của thị trấn ra khỏi địa bàn để đảm bảo an toàn. Hiện hơn 300 hộ kinh
doanh tại chợ trung tâm của thị trấn đã được sơ tán.
Chủ động phòng, chống bão số 3, huyện Ba Chẽ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn
vị, xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, chủ động các phương án phòng,
chống bão, lũ, cử lực lượng canh gác tại các điểm ngập lụt, sẵn sàng xử
lý các tình huống có thể xảy ra.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 dẫn đến mưa lớn trên diện rộng, nhiều
địa bàn thuộc tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra hiện tượng ngập lụt.
Tại Bắc Giang, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa
Nguyễn Văn Thăng cho biết vào chiều 18/7 mưa to, gió mạnh đã gây thiệt
hại về người, tài sản ở các thôn và một số doanh nghiệp trong Cụm công
nghiệp Hợp Thịnh.
Thống kê thiệt hại tính đến 18 giờ ngày 18/7, Công ty cổ phần gạch
tuynel Hòa Sơn (Cụm công nghiệp Hợp Thịnh) có hai dãy nhà xưởng và gạch
đổ sập hoàn toàn, toàn bộ đường điện bị đứt, ước thiệt hại khoảng 7 tỷ
đồng. Công ty có một công nhân tử vong và hai công nhân bị thương nặng.
Người tử vong là chị Hoàng Thị Quy (sinh năm 1969, ở thôn Hà Nội, xã Đại
Thành); hai người bị thương nặng là Ngô Thị Tiến (sinh năm 1973) và
Nguyễn Thị Thuần (sinh năm 1974), đều có hộ khẩu thường trú tại thôn Đa
Hội, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa. Hai người bị thương đã được chuyển
đến Bệnh viện Việt-Đức để cấp cứu. Còn Công ty Ngọc Việt bị tốc mái tôn
dãy nhà xưởng.
Đến 19 giờ 30 phút ngày 18/7, các thôn trên địa bàn xã Hợp Thịnh đã có
nhiều thiệt hại về tài sản gồm 1.735m2 mái nhà bị tốc; đổ 485 m tường
rào; sập hoàn toàn một công trình phụ; đổ 60 cây phân tán. Trong đó, ở
thôn Ninh Tào có 290m2 mái nhà bị tốc, sập một số công trình phụ. Ở thôn
Trung Tâm có 21 hộ bị thiệt hại, trong đó năm hộ bị tốc mái nhà ở
chính; 16 hộ có trang trại và gia trại bị tốc mái; ngoài ra có 450m2
tường rào, 60 cây phân tán bị đổ...
Lãnh đạo huyện đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị chết,
bị thương do thiên tai; hỗ trợ gia đình nạn nhân tử vong 5,4 triệu
đồng; đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng ở địa phương tích cực hỗ trợ
xã Hợp Thịnh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai./.
(TTXVN)