Chiều 17/7, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chủ trì
họp báo, thông tin và giải đáp các câu hỏi của các cơ quan báo chí liên
quan đến những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay.
Đó là tình hình nhập khẩu phế liệu, các giải pháp phòng ngừa nguy cơ
"Việt Nam biến thành bãi chứa rác thải" của các nước; một số chính sách
quan trọng đối với công tác quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông.
Bên cạnh đó, Bộ cũng thông báo những nội dung trọng tâm Luật Đo đạc bản đồ, công tác cải cách thủ tục hành chính…
Sẽ giảm dần việc nhập khẩu phế liệu
Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, tổng
khối lượng nhập khẩu phế thải năm 2017 tăng gấp 2 lần so với khối lượng
phế liệu nhập khẩu năm 2016.
Trong đó khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ hạt nhỏ là những loại
phế liệu có khối lượng tăng gấp 2-3 lần tổng khối lượng nhập khẩu năm
2016. Riêng 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu
tăng đột biến gần gấp 2 lần so với cả năm 2017.
Lượng phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng chủ yếu tại các cảng Thành phố Hồ
Chí Minh, một số cảng biển khác tại Hải Phòng, cảng Cái Mép…
Riêng tại Tân cảng Sài Gòn, theo số liệu của Cục Hải quan Thành phố Hồ
Chí Minh và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, tính đến ngày 26/6, số lượng
phế liệu nhập khẩu tồn đọng từ 30 đến trên 90 ngày tại tất cả các cảng
do Tổng công ty quản lý lên đến 4.480 cotainer, riêng cảng Cát Lái là
3.464 cotainer; các cảng tại Hải Phòng 1.244 cotainer.
Ước tính trong đó có khoảng 20% là phế liệu giấy và 80% là phế liệu nhựa và các loại phế liệu khác.
Đề cập về những giải pháp xử lý các container phế thải đang gây ùn ứ
nghiêm trọng tại các cảng biển, ông Hoàng Văn Thức cho biết Bộ Tài
nguyên và Môi trường đã đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Hải quan
các cửa khẩu phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Môi trường, tiến hành rà
soát lại các doanh nghiệp có hàng hóa nhập khẩu là phế liệu đang lưu giữ
trên cảng biển thuộc địa bàn quản lý, giải quyết và xử lý theo quy định
pháp luật.
Đồng thời chủ trì, xử lý hàng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng
biển hiện nay; khẩn trương phân loại để xử lý các container phế liệu tồn
đọng quá 90 ngày theo quy định tại Thông tư 203 của Bộ Tài chính.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải có văn
bản thông báo cho các hãng vận tải kiểm tra Giấy xác nhận của chủ lô
hàng phế liệu, trước khi đưa hàng lên tàu tại các cảng xuất khẩu; chỉ
đạo các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển kiểm tra Giấy xác nhận đủ điều
kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu trước khi cho hàng
hóa dỡ xuống cảng.
Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ rà soát và rút ngắn thời gian cấp
Giấy xác nhận đối với các cơ sở sản xuất đã đáp ứng các điều kiện bảo vệ
môi trường.
Về giải pháp lâu dài quản lý chặt chẽ phế liệu nhập khẩu, Bộ Tài nguyên
và Môi trường và các Bộ, ngành chức năng đang khẩn trương rà soát, hoàn
thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý phế liệu nhập khẩu, theo
hướng đồng bộ giữa yêu cầu bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi
trường, Luật Thương mại và Luật Hàng hải.
Đặc biệt là tạo cơ chế quản lý, kiểm soát và phòng ngừa từ xa, ngoài biên giới đối với hoạt động thương mại nhập khẩu phế liệu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho rà soát
và sửa đổi danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản
xuất theo nội dung Quyết định 73/2014 ngày 19/12/2014 của Thủ tướng
Chính phủ, theo hướng loại bỏ các phế liệu có tiềm năng gây ô nhiễm môi
trường, hoặc các phế liệu hiện nay trong nước đã chủ động được nguồn
cung.
“Nhất là nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất hiện
đại, thân thiện với môi trường. Thực hiện giảm dần việc nhập khẩu phế
liệu từ nước ngoài, đồng thời tăng cường tái sử dụng, tái chế phế liệu
phát sinh trong nước”, Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định.
Về việc “lập lại trật tự kỷ cương” của Nhà nước đối với các hoạt động
liên quan đến cát, sỏi lòng sông (bao gồm cả ở lòng hồ, cửa sông, cửa
biển), Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp
với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy
định quản lý cát, sỏi lòng sông.
Đây là lần đầu tiên, loại khoảng sản này được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật gồm 5 chính sách cụ thể.
Theo đó, Nhà nước thống nhất quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông theo quy định của Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước.
Nhà nước quy hoạch sử dụng tài nguyên cát, sỏi theo lưu vực sông, đồng
thời phân cấp gắn với trách nhiệm quản lý theo địa giới hành chính của
các cấp chính quyền địa phương.
Gắn trách nhiệm Ủy ban Nhân dân các tỉnh, các Bộ, ngành liên quan từ khi
lập quy hoạch; cấp phép thăm dò, khai thác cho đến tập kết, mua bán,
vận chuyển cát, sỏi lòng sông.
Nhà nước thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong cấp phép
thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông; đấu thấu thực hiện dự án nạo vét,
khơi thông luồng lạch; đấu giá khối lượng thu hồi (nếu có) từ các dự án
nạo vét, khơi thông luồng lạnh.
Mặt khác khuyến khích sử dụng các khoáng sản có thể sản xuất cát nhân
tạo để thay thế cát tự nhiên; nghiêm cấm việc sử dụng cát, sỏi đủ chất
lượng để xây dựng cho mục đích san lấp, cải tạo mặt bằng.
Những bước tiến về cải cách hành chính
Về thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối
năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Lê Công Thành cho
biết, quán triệt tinh thần “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo,
Hiệu quả”, Bộ đã theo sát tình hình thực tế, chủ động chỉ đạo triển khai
các giải pháp phù hợp để tăng cường bảo vệ môi trường, quản lý tài
nguyên, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm Bộ đã trình Quốc hội thông qua Luật Đo đạc
và bản đồ; triển khai xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy
hoạch của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật
Tài nguyên nước, Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên môi trường biển
và hải đảo; trình Chính phủ 4 Nghị định; 1 đề xuất xây dựng Nghị định…
Đặc biệt, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bãi bỏ một số
điều của các Nghị định liên quan đến đến điều kiện đầu tư kinh doanh
thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Trong đó đề xuất bãi bỏ và đơn giản hóa 99/163 điều kiện đầu tư kinh
doanh, chiếm khoảng 60% (bãi bỏ 69 điều kiện, đơn giản hóa 30 điều kiện,
bãi bỏ 10 thủ tục hành chính).
Công bố phương án cắt giảm 38/74 hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên
ngành và bãi bỏ, đơn giản hóa 13/13 thủ tục hành chính liên quan đến
kiểm tra chuyên ngành.
Thực hiện chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng, từng bước giảm giấy
tờ trong điều hành, hiện đại hóa nền hành chính. Triển khai cung cấp
dịch vụ trực tuyến cho 82 thủ tục hành chính, trong đó có 67 dịch vụ
công mức độ 3, có 15 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Kết quả năm 2017, chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi
trường xếp hạng 10/19 các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tăng 6 bậc với năm 2016;
năm 2017, xếp hạng về ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính
phủ điện tử đứng thứ 5 trong các Bộ, ngành./.
(TTXVN)