Thứ Sáu, 22/11/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 20/7/2018 10:24'(GMT+7)

Trưng bày chuyên đề “Lời tri ân”

Trưng bày được chia thành 2 nội dung chính: Trọn một lời thề và Lời tri ân.

1) Trọn một lời thề là những câu chuyện trên một “trận tuyến đặc biệt” - Ngục tù của thực dân, đế quốc. Giữa nơi ngục lửa, những người con trung hiếu của dân tộc vẫn kiên tâm, bền chí trước những trận đòn tra tấn thấu xương hay khi cận kề cái chết. Nhiều tấm gương kiên trung trong ngục tù thực dân, đế quốc đã có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tại không gian trưng bày này, khách tham quan hiểu biết về hệ thống nhà tù nhiều hơn trường học dưới bộ máy cai trị của chính quyền thực dân, đế quốc; về chế độ giam cầm hà khắc mà mỗi chiến sỹ yêu nước, cách mạng đã bất khuất vượt qua, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Đó chính là: Hỏa Lò - Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội; Sơn La - Nơi rừng thiêng nước độc; Khám Lớn Sài Gòn - Vùng đất dữ; Ác liệt Côn Đảo; Phú Quốc - Trang sử bi hùng... Cùng các nơi giam giữ khác như: Bót Catinat (Sở Mật thám Nam Kỳ), Nhà lao Tân Hiệp, Khám Chí Hòa… đều là những nhà tù khắc nghiệt, đày đọa và cướp đi sinh mạng của biết bao chiến sỹ yêu nước cách mạng Việt Nam.

Khách tham quan được gặp các nhân chứng là các cựu tù chính trị từng bị giam giữ tại các Nhà tù Hỏa Lò, Côn Đảo, Phú Quốc tại Trưng bày chuyên đề “Lời tri ân” (ảnh DP)

2) Lời tri ân được thể hiện như một bông hoa tươi thắm mang ý nghĩa: Sự hy sinh của bao chiến sỹ đã góp sức cho đất nước được trường tồn, nở hoa. Mỗi cánh hoa là một sắc màu, nếu nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn được thể hiện bằng màu xanh thẫm của đại ngàn, thì Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma lại là một màu xanh của mênh mông biển cả. Tại đây, người xem như trầm lắng lại khi đứng trước những bức ảnh bạt ngàn các ngôi mộ không tên, không tuổi ở Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9, nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên, nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ… sẽ mãi mãi là những chứng tích lịch sử không thể lãng quên của một thời Hoa - Lửa. Những nghĩa trang ấy còn là nơi yên nghỉ của hàng triệu người lính năm xưa hừng hực khí thế lên đường chiến đấu, giờ quây quần bên nhau mộ thẳng một hàng.

Tại buổi khai mạc, đại biểu và khách tham quan được gặp các nhân chứng là các cựu tù chính trị từng bị giam giữ tại các Nhà tù Hỏa Lò, Côn Đảo, Phú Quốc được giới thiệu trên trưng bày như: Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (thành viên Ban chỉ đạo công trình “Ký ức người lính”), ông Lâm Văn Bảng (thương binh 1/4, Giám đốc Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày), ông Nguyễn Tài Triệu (thương binh 2/4)…; thân nhân của các nghĩa sỹ, liệt sỹ tham gia sự kiện Hà Thành Đầu độc, Tổ chức Việt Nam Quang phục hội, khởi nghĩa Yên Bái…; các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn được nhận tài trợ suốt đời như ông Lê Kim Dung; và các nhà hảo tâm đã tham gia tài trợ “Quỹ tri ân các cựu tù chính trị tại Nhà tù Hỏa Lò”.

Mỗi tư liệu, hiện vật, hình ảnh được thể hiện trong trưng bày chuyên đề “Lời tri ân” sẽ giúp khách tham quan hiểu hơn về những địa ngục trần gian, sự hy sinh lớn lao của những người con yêu nước; để trân trọng và tự hào, ý thức sâu sắc hơn về giá trị của hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc hôm nay. Từ đó, thế hệ trẻ hôm nay sẽ nối tiếp truyền thống của cha anh, nỗ lực hơn, cố gắng hơn, nhiệt huyết hơn công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh./.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất