Sáng 19/7, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ
Nội vụ và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết
thực hiện chương trình phối hợp năm 2017, ký chương trình phối hợp giai
đoạn 2018-2020.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê
Vĩnh Tân, thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước
giai đoạn 2011-2015 và Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn
2016-2020, trong những năm qua, công tác cải cách hành chính đã được
triển khai đồng bộ trên tất cả các nội dung: cải cách thể chế; cải cách
tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ
cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành
chính, trong đó Chính phủ xác định một trong các mục tiêu của cải cách
hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 là “Bảo đảm sự hài lòng của cá
nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức
trên 80% vào năm 2020”. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ giao Bộ
Nội vụ chủ trì xây dựng Đề án “Phương pháp đo lường sự hài lòng của cá
nhân, tổ chức đối sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước”.
Bộ Nội vụ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã ký chương trình phối hợp
nhằm phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu
chiến binh Việt Nam các cấp trong quá trình triển khai đo lường sự hài
lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính
nhà nước năm 2017.
Trong quá trình tổ chức triển khai chương trình, Bộ Nội vụ đã nhận được
sự phối hợp chặt chẽ của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, sự tham gia
tích cực và có trách nhiệm cao của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố,
Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu
chiến binh các cấp trong việc khảo sát điều tra xã hội học phục vụ Đề án
đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ
quan hành chính nhà nước.
Thực tế kết quả triển khai đã phản ánh đúng chất lượng giải quyết thủ
tục hành chính và sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ
của cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính, từ
đó giúp các cơ quan hành chính nhà nước xác định các giải pháp phù hợp,
khách quan nhằm khắc phục các vấn đề hiện nay, nâng cao chất lượng giải
quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân, tổ chức ngày càng tốt hơn.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho
biết năm 2016, việc đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự
phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện ở bốn bộ, 10 địa
phương. Năm 2017 đã triển khai đồng loạt 63 tỉnh, thành. Năm 2018 triển
khai đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của
cơ quan hành chính nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương nhưng phải nâng
cao chất lượng hơn nữa. Hiện Mặt trận Tổ quốc có 11 chương trình giám
sát do Ban Thường trực chủ trì phối hợp với các bộ, ngành.
Ông Trần Thanh Mẫn biểu dương Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã vào cuộc
cùng Mặt trận Tổ quốc, Bộ Nội vụ và Hội Cựu chiến binh để phát thu
phiếu điều tra chọn mẫu, phân tích số liệu tương đối chính xác. “Làm cải
cách hành chính không phải bằng cảm tính mà bằng máy móc kỹ thuật để đo
lường sự hài lòng của người dân. Vấn đề này chúng ta cần tiếp tục phát
huy,” ông Trần Thanh Mẫn nói.
Ông cho rằng Mặt trận Tổ quốc, Bộ Nội vụ, Hội Cựu chiến binh cần phải
tăng cường công tác tuyên truyền trong nội bộ và nhân dân về việc giám
sát chỉ số hài lòng của người dân. Trước hết, cán bộ, công chức, viên
chức từ trung ương đến địa phương phải có một sự chuyển biến mạnh mẽ về
cải cách hành chính, cùng với sự tham gia của người dân thì công cuộc
cải cách hành chính mới thành công.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị các cơ quan
thông tấn báo chí tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền. Bởi, qua
báo cáo đánh giá, nhận thức của cán bộ ở cấp huyện, cấp xã một số nơi
còn hạn chế. Vấn đề giám sát cũng cần được thực hiện có trọng tâm, trọng
điểm. Ngoài việc tổ chức điều tra xã hội học, từ khâu chọn mẫu, thu
phát phiếu, nhập, phân tích số liệu điều tra qua giám sát của Mặt trận
Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh và Bộ Nội vụ thì phải trực tiếp đi giám sát ở
một số nơi. Sự phối hợp giữa ba bên cũng phải đồng bộ, chặt chẽ hơn, có
sự chuyển động hơn nữa ở cấp huyện, xã.
Tại Hội nghị, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ và
Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã ký chương trình phối hợp đo
lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan
hành chính nhà nước giai đoạn 2018-2020. Theo đó, ba bên phối hợp thực
hiện và giám sát điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng hàng năm;
nhập, tổng hợp, phân tích dữ liệu điều tra xã hội học; xây dựng báo cáo
và công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính hàng năm./.
(TTXVN)