Thứ Sáu, 27/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Năm, 4/11/2010 22:48'(GMT+7)

Các địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng

Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đang phối hợp với các địa phương có rừng triển khai các biện pháp bảo vệ rừng trong mùa hanh khô hanh. Theo đó, Chi cục phối hợp với các xã có rừng tổ chức cho người dân ký cam kết về quản lý bảo vệ rừng, không mang những vật gây lửa vào rừng; có ý thức theo dõi, phát hiện, loan báo tình hình kịp thời để huy động lực lượng cứu chữa. Các Hạt Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên hướng dẫn các chủ rừng thu gom vật liệu dễ cháy, phát dọn và tận thu làm củi đun; phát quang những dây leo, bụi rậm và xây dựng các đường băng trắng và đường băng xanh để ngăn cản chống cháy lan; bao quanh các khu rừng dễ cháy. Các Ban quản lý Vườn Quốc gia Ba Vì, rừng đặc dụng Hương Sơn và rừng phòng hộ - đặc dụng Sóc Sơn đã phối hợp chặt chẽ với cơ sở, thành lập lực lượng thường trực bảo vệ rừng tại các thôn, bố trí các chốt canh giữ tại các điểm cao và cửa rừng; đồng thời chuẩn bị đủ dụng cụ, phương tiện ứng cứu chữa cháy rừng tại chỗ như: máy bơm nước, dao phát... phân bổ cho các tổ dân cư quản lý. Tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy đều được bố trí các họng nước, sẵn sàng hoạt động khi cần thiết.

UBND thành phố có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã có rừng, đất lâm nghiệp và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phối hợp chỉ đạo thực hiện và đôn đốc công tác cảnh báo dự báo và kiểm soát lửa rừng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ rừng triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng và chuẩn bị các phương tiện chuyên môn để kịp thời ứng phó tại chỗ. Các huyện giao trách nhiệm cụ thể cho UBND các xã, các tổ chức, đơn vị có quản lý diện tích rừng, đất lâm nghiệp và các chủ rừng chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ ( lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần và chỉ huy tại chỗ). Ở những điểm rừng có nguy cơ cháy cao, bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ trong những tháng mùa khô.

Hà Nội hiện có hơn 32.000 ha đất rừng và đất qui hoạch lâm nghiệp; trong đó riêng diện tích đất rừng là gần 25.000 ha; tập trung ở các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Sơn Tây, Sóc Sơn...

Tỉnh Cà Mau đang vào giai đoạn cao điểm của mùa trồng rừng năm 2010. Từ đầu vụ đến nay, tỉnh đã trồng mới được hơn 1.500 ha, đạt 68% kế hoạch năm và trồng sau khai thác 1.250 ha. Trên lâm phần U Minh Hạ, sau khai thác thu hoạch gỗ tràm, nhiều hộ dân đã trồng lại rừng theo hợp đồng giao đất, giao rừng với đơn vị lâm nghiệp, vốn đầu tư 3 triệu đồng/ha cho các khoản như: mua tràm giống, xử lý thực bì và công trồng.

Trong 5 năm qua, Cà Mau đã trồng mới, trồng sau khai thác và khoanh nuôi tái sinh trên 20.000 ha rừng, diện tích rừng tràm bị cháy năm 2002 đã cơ bản được khôi phục. Tổng diện tích có rừng tập trung hiện nay hơn 98.000 ha, nhưng rừng ở Cà Mau xếp vào loại rừng nghèo, tài nguyên suy giảm, nhất là khu vực rừng tràm.

Tỉnh tiếp tục Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng; huy động các nguồn vốn đầu tư trồng rừng, trong đó ưu tiên bảo vệ phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vườn quốc gia; khuyến khích đầu tư kinh doanh rừng theo mô hình tổng hợp, gắn trồng rừng, bảo vệ rừng với chế biến lâm sản, phát huy thế mạnh kinh doanh du lịch sinh thái của rừng, phấn đấu đến năm 2015 và 2020 ổn định diện tích có rừng tập trung 110.000 ha, nâng độ che phủ của rừng và cây phân tán so với diện tích tự nhiên của tỉnh lên 24 - 28%. Đối với rừng tràm, tập trung phòng cháy chữa cháy vào mùa khô, hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng.

Tỉnh thực hiện giao đất, giao rừng khu vực rừng sản xuất cho hộ dân đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả nghề rừng gắn với hỗ trợ đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật; sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp kết hợp; tạo các vùng nguyên liệu lâm sản cho các nhà máy chế biến gỗ, giấy, ván nhân tạo... Khu vực rừng tràm thực hiện tổ chức lại sản xuất và bố trí sắp xếp dân cư trong rừng theo tuyến tập trung, quy hoạch sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh Tiền Giang vừa triển khai dự án trồng rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn hai huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, dự án thực hiện trong thời gian một năm, trong đó trồng mới trên 102 ha rừng, chăm sóc 142 ha rừng 2 năm tuổi và gắn các cột mốc, bảng tuyên truyền bảo vệ rừng…Tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ đồng, từ vốn trồng “5 triệu ha rừng” do Chính phủ cấp và vốn phòng chống lụt bão của địa phương.

Rừng phòng hộ ven biển Gò Công với diện tích 1.158 ha, chủ yếu là đước, bần, mắm, dà, dừa nước, phi lao và một ít rừng hỗn giao, đóng vai trò quan trọng trong phòng hộ, chắn sóng, bảo vệ đê biển, cố định đất, giảm sạt lở, giữ vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng và góp phần vào việc ngọt hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp bên trong. Tuy nhiên, đai rừng phòng hộ rất mỏng và trải dài, lại chịu xâm thực trực tiếp của sóng biển nên việc quản lý, trồng, chăm sóc, bảo vệ rất khó khăn. Đặc biệt ở khu vực xung yếu 2 xã Tân Điền và Tân Thành chịu xâm thực trực tiếp của sóng biển gây sạt lở, mất rừng, phải tiến hành trồng rừng lại rất nhiều lần nhưng vẫn không thành rừng. Do đó, mục tiêu của dự án này là trồng mới và mở rộng đai rừng phòng hộ ven biển, phục hồi lại diện tích rừng đã mất …để góp phần chống lại sự xâm thực do nước biển dâng, bảo vệ đê phòng chống lụt bão./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất