Thứ Năm, 28/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Ba, 2/11/2010 21:6'(GMT+7)

Dự án bauxite: Vì sao công nghệ thải khô bị "né"?

Khai thác bauxite

Khai thác bauxite

Đóng bánh bùn đỏ

Ông Phạm Quang Tú, Phó viện trưởng Viện Tư vấn phát triển giải thích, trong bùn đỏ có hai loại chất rất nguy hiểm là các hợp chất kim loại nặng (hợp kim sắt silic, titan, một phần oxit nhôm) và đặc biệt là xút ăn da (hóa chất độc hại, với nồng độ cao xút ăn da có thể làm bỏng da).

Sự khác biệt giữa công nghệ thải bùn đỏ khô và thải bùn đỏ ướt là các giải pháp công nghệ nhằm giảm tối đa lượng xút dư thừa có trong bùn đỏ từ  đó giúp giảm sự độc hại của bùn đỏ xuống mức tối đa.

Nhiều năm trước đây, các nhà máy sản xuất alumin-nhôm đều sử dụng công nghệ thải ướt. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ này đã bị xem là lạc hậu bởi, khi thải bằng công nghệ ướt, bùn đỏ chứa một lượng nước lớn và với độ ẩm cao (75%) khiến cho lượng xút trong dung dịch bùn đỏ lớn hơn rất nhiều so với bùn đỏ khô.

Khoảng 10 năm trở lại  đây, thế giới chuyển dần sang công nghệ bùn đỏ khô. Theo đó, bùn đỏ sau khi được thải ra sẽ được ép thành các bánh. Lượng nước và xút dư thừa trong bùn đỏ sẽ được thu hồi tối  đa và đưa trở lại nhà máy. Cách này vừa giúp giảm bớt sự độc hại của bùn đỏ, tiết kiệm được lượng xút, đồng thời dễ dàng trong khâu vận chuyển và tiết kiệm được chỗ chứa (các bánh có thể chất thành đống cao).

Tuy nhiên, áp dụng công nghệ khô đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí để mua thêm công nghệ "ép" khô. Đây chính là một trong những lý do mà nhiều nhà đầu tư "ngại áp dụng" công nghệ này.

Đừng hiểu sai

Ông Phạm Quang Tú cho biết, hiện nay có nhiều quan điểm "lèo lái" để hiểu sai về công nghệ thải khô. Nhiều người lập luận rằng, dù có đóng thành bánh nhưng ở những vùng mưa nhiều, mưa sẽ làm các bánh bùn đỏ tan ra và lúc ấy khô cũng chẳng khác gì ướt. Quan điểm này là sai lầm bởi dù mưa có làm cho các bánh bùn đỏ bị "nhão" ra, nhưng sự nhão này là do nước mưa, chứ không phải do nước thải có chứa xút. Cái nhão của bùn đỏ thải khô do mưa sẽ có hàm lượng xút dư thừa thấp hơn nhiều so với cái nhão của bùn đỏ thải ướt.

Một số người cũng cho rằng, thay vì dùng thải khô với chi phí độn lên nhiều, có thể áp dụng một biện pháp đơn giản hơn là dùng thải ướt rồi ngăn hồ chứa bùn đỏ ra làm nhiều ngăn nhỏ (Tân Rai là 8 ngăn). Tuy nhiên, giải pháp này chỉ giúp giảm thiểu được một ít rủi ro về vỡ đập chứ đã là bùn đỏ ướt thì dù là bao nhiêu ngăn thì vẫn là ướt, và khi vỡ đập thì nguy hiểm vô cùng.

Các chuyên gia cho biết, đối với xu thế chung thế giới và điều kiện địa lý của Tây Nguyên thì tốt nhất là chọn phương án thải khô. TS Bùi Đức Thắng, Tổng Hội Địa chất Việt Nam nói "Tôi nghiêng về công nghệ  bùn thải khô. Nếu chúng ta áp dụng công nghệ bùn thải khô khô, độ rủi ro sẽ giảm đi rất nhiều. Phải nhớ rằng 2 nhà máy ở Tây Nguyên nằm trên cao, nếu thảm họa xảy ra, thì còn gấp nhiều lần của Hungary. Chúng ta cần có sự tính toán kỹ".

Đặc biệt, các chuyên gia cũng khuyến cáo thêm, đừng ảo tưởng rằng, sử dụng công nghệ thải khô thì sẽ an toàn tuyệt đối. Nên nhớ rằng, các công nghệ hiện nay chỉ giúp giảm thiểu bớt độc hại của bùn đỏ, chứ không thể biến bùn đỏ trở thành thứ không có hại. Vì thế, cách tốt nhất là phải xử lý một cách hợp lý.

Sơn Hà (Bee.net.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất