Thứ Hai, 14/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 25/1/2015 9:9'(GMT+7)

Các đối tác đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam

 Nhận lời mời của Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Clau-xơ Xơ-oáp (Klaus Schwab) và được sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2015 tại Đa-vốt, Thụy Sỹ từ ngày 22 đến 23-1 (WEF Davos 2015).

Tham dự hội nghị năm nay có hơn 2.500 đại biểu, trong đó khoảng 40 người đứng đầu nhà nước/chính phủ, các tổ chức quốc tế lớn và nhiều lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu và học giả có uy tín trên thế giới.

Với chủ đề “Bối cảnh toàn cầu mới”, hội nghị đã diễn ra hơn 280 phiên thảo luận tập trung vào các nội dung chính: Bối cảnh mới của kinh tế thế giới (triển vọng các nền kinh tế lớn, năng lượng, tài chính, công nghệ số, mô hình tăng trưởng...); bối cảnh địa chính trị toàn cầu; các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, môi trường, chống đói nghèo... Hội nghị đánh giá kinh tế thế giới đang có những biến chuyển sâu sắc về chính trị, kinh tế, xã hội và công nghệ. Kinh tế thế giới tuy đang trong thời kỳ phục hồi, song còn chưa bền vững và nhiều rủi ro, đặc biệt là tác động của căng thẳng địa-chính trị, giá dầu và đồng USD biến động khó lường.

Trước thềm Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm 2015, ASEAN đã thu hút nhiều quan tâm tại hội nghị. Tại các phiên thảo luận về ASEAN, các đại biểu đều đánh giá tích cực cơ hội và tiềm năng của ASEAN sau khi hình thành một thị trường thống nhất, tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động có kỹ năng. Các nhà lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định quyết tâm tiếp tục thúc đẩy hội nhập khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao sức cạnh tranh và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào ASEAN và các nước thành viên ASEAN.

Trong gần hai ngày dự hội nghị, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã phát biểu và tham gia thảo luận tại 6 phiên họp về “Định hình nghị sự an ninh lương thực toàn cầu“, “Xác định ưu tiên cho năm 2015”, “Triển vọng địa-chính trị toàn cầu 2015”, “Chương trình nghị sự ASEAN“, tham gia thảo luận do Hội đồng kinh doanh ASEAN tổ chức và chủ trì Đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn về kinh tế Việt Nam (BIG). Bên lề hội nghị, Phó Thủ tướng đã có một số cuộc tiếp xúc song phương và trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Reuters.

Trong các hoạt động này, Phó thủ tướng đã nêu bật sự phục hồi rất tích cực của kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua, trọng tâm cải cách và hội nhập kinh tế trong thời gian tới; khẳng định cam kết của Chính phủ ta về cải thiện môi trường đầu tư; nhấn mạnh các cơ hội đầu tư sau khi hoàn tất đàm phán các FTA.

Tại phiên Đối thoại cấp cao về “Định hình nghị sự an ninh lương thực toàn cầu“, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và góp phần đóng góp vào an ninh lương thực toàn cầu. Tại các phiên thảo luận về ASEAN và an ninh-chính trị, Phó thủ tướng nhấn mạnh vai trò và đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN và khu vực; khẳng định quan điểm, lập trường nhất quán của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông và nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu.

Các đối tác và lãnh đạo các tập đoàn quốc tế trong tiếp xúc với đoàn ta đều khẳng định coi trọng hợp tác với Việt Nam, đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam, đặt nhiều kỳ vọng vào những cơ hội đầu tư sau khi Việt Nam hoàn tất đàm phán các FTA. Một số tập đoàn thông báo kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam và mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục ủng hộ, cải thiện môi trường đầu tư để các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm làm ăn lâu dài ở Việt Nam.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất