Thứ Ba, 26/11/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 24/12/2012 22:13'(GMT+7)

Các giải pháp hỗ trợ tài chính cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Trong đó, nhóm giải pháp tài chính  về hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa được dư luận rất quan tâm, chú ý. Đây được xem là cú hích quan trọng tiếp thêm động lực giúp cho các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa vững tin phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian tới…

Hỗ trợ doanh nghiệp

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế tạo ra những “nút thắt” làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thì các đề xuất tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2013 của Bộ Tài chính được xem là lực đẩy quan trọng, tăng cường niềm tin cho DN vươn lên phát triển sản xuất – kinh doanh. Trong đó, DN nhỏ và vừa (DNNVV) là đối tượng sẽ được thụ hưởng trực tiếp và nhận được nhiều tác động tích cực rõ rệt nhất.

Một trong những nội dung quan trọng trong các giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa được Bộ Tài chính đề xuất với Thủ tướng Chính phủ là đẩy mạnh việc gia hạn và giảm thuế, theo đó: Thực hiện gia hạn 06 tháng thời hạn nộp thuế TNDN đối với số thuế TNDN phải nộp quý I và 03 tháng thời hạn nộp thuế TNDN đối với số thuế TNDN phải nộp quý II và quý III năm 2013 cho các DN có quy mô vừa và nhỏ (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng). Số thuế TNDN được gia hạn không bao gồm số thuế tính trên phần thu nhập từ các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xổ số, trò chơi có thưởng, thu nhập từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chính sách nêu trên cũng được áp dụng cho các DN sử dụng trên 300 lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ gia hạn 06 tháng thời hạn nộp thuế GTGT của tháng 1, tháng 2 và tháng 3 năm 2013 đối với các DN sau đây đang thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, bao gồm: DN có quy mô vừa và nhỏ (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng), không bao gồm DN hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xổ số, trò chơi có thưởng, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; DN sử dụng nhiều lao động (sử dụng trên 300 lao động) trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng kiến nghị áp dụng thuế suất thuế TNDN 20% từ 01/7/2013 (sớm hơn 06 tháng so với lộ trình dự kiến thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN) đối với DN có quy mô vừa và nhỏ (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng

Bộ Tài chính cũng đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các DN vừa và nhỏ thông qua hệ thống Ngân hàng phát triển Việt Nam (NHPTVN) và các Quỹ bảo lãnh tín dụng của địa phương, trong đó tập trung vào các giải pháp quan trọng như: Sử dụng 250 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển DN để cấp bổ sung Quỹ dự phòng bảo lãnh tại NHPTVN; Tăng cường nguồn lực tài chính cho các Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương từ các nguồn: thu từ cổ phần hóa mà các địa phương chưa nộp về trung ương, ngân sách địa phương để cấp bổ sung vốn điều lệ cho các Quỹ Bảo lãnh tín dụng tại địa phương; Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng cam kết góp vốn vào Quỹ Bảo lãnh tín dụng tại địa phương theo Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg ngày 20/12/2001; Kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường nắm bắt hoạt động bảo lãnh tín dụng trên địa bàn và có những giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời để các cơ quan thực hiện đúng quy định của pháp luật…

Ngoài các giải pháp hỗ trợ trực tiếp như trên, khu vực DN nhỏ và vừa sẽ được hưởng thêm nhiều hỗ trợ gián tiếp khác từ gói 21 giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2013 mà Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp thêm niềm tin

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, nhóm giải pháp được ban hành trong bối cảnh hiện nay thể hiện sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, “khoan sức” DN, nuôi dưỡng nguồn thu, ổn định thị trường, giúp DN giảm giá thành, kích thích tiêu dùng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh... Đây là những nỗ lực lớn thể hiện sự quyết tâm đồng hành của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho DN và thị trường. Nó đặc biệt có ý nghĩa không chỉ tại thời điểm DN đang chạy “nước rút” năm 2012 và lên “dây cót” cho năm 2013 mà nó còn là động lực giúp DN vững niềm tin trong những năm tiếp theo.

Ngay khi “thông điệp” về nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2013 được Bộ Tài chính phát đi, cộng đồng DN cũng như các chuyên gia đã có những phản ứng tích cực, đánh giá cao về sự đồng hành của cơ quan quản lý với DN.

Đánh giá về nhóm giải pháp này, TS. Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng: Việc gia hạn, miễn thuế, các khoản thu thuế chính là hình thức hỗ trợ gián tiếp nguồn lực tài chính và trực tiếp làm giảm chi phí lãi vay ngân hàng tương ứng với số tiền thuế, khoản thu NSNN được gia hạn, miễn thuế. Điều này mang lại thêm các thuận lợi cho DN mặc dù sẽ làm giảm nguồn thu cho NSNN, nhưng giảm thu hôm nay để tạo điều kiện cho DN phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng doanh thu, lợi nhuận… và như thế sẽ tác dụng trở lại góp phần tăng thu cho NSNN.

Ông Lưu Đức Hiếu – Giám đốc một DN tại khu Công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) cho hay: Việc gia hạn thuế GTGT và TNDN coi như “tiếp máu” cho DN được vay với lãi suất bằng 0% trong 6 tháng để có vốn duy trì sản xuất kinh doanh. Đây là giải pháp thiết thực nhất đối với hầu hết các DN, thể hiện chủ trương đúng đắn của Chính phủ nhằm giảm bớt những khó khăn cho DN trong giai đoạn hiện nay trong thời điểm hiện nay. Còn theo của ông Hoàng Cao Khá – Giám đốc Công ty TNHH Thiên Bình (TP.Hồ Chí Minh) đánh giá: “DN là một bộ phận của nền kinh tế, các DN “bị bệnh” sẽ kéo theo sự “đau ốm” của cả nền kinh tế, gói giải pháp đề xuất của Bộ Tài chính là “một thang thuốc có nhiều vị”, ngoài việc “chữa bệnh” theo kiểu trọng tâm, trọng điểm, còn “bồi bổ” toàn diện để nền kinh tế có sức phục hồi”.

Lực đẩy đã có, niềm tin đã được tiếp thêm, điều quan trọng hơn cả là các DN phải nỗ lực vượt lên chính mình, khẳng định chất lượng sản phẩm dịch vụ, khẳng định thương hiệu... của các DN, doanh nhân Việt Nam để cùng chung tay, chung sức với Nhà nước vượt qua giai đoạn khó khăn...

(ĐH/Bộ Tài chính)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất