Ngân hàng Nhà nước cho biết, kể từ ngày 24/12, tất cả các mức lãi suất cơ bản như huy động VND, tái triết khấu, tái cấp vốn, cho vay qua đêm đều được giảm thêm 1%.
Lãi suất cho vay 12%/năm
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 2646/QĐ-NHNN ngày 21/12/2012 về việc giảm lãi suất tái cấp vốn từ 10%/năm xuống 9%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 8%/năm xuống 7%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 11%/năm xuống 10%/năm.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư số 32 /2012/TT-NHNN ngày 21/12/2012 quy định về lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngân hàng Nhà nước quy định, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên là 2%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 9%/năm xuống 8%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 8,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư số 33/2012/TT-NHNN ngày 21/12/2012 quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm từ 13%/năm xuống 12%/năm, bổ sung thêm nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô ấn định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa là 13%/năm.
Mức lãi suất cho vay 12%/năm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là phù hợp với mức giảm lãi suất tiền gửi và chủ trương của Chính phủ, định hướng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Xu thế tất yếu
Như vậy, đây là lần thứ 6 Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh 5 giảm các mức lãi suất điều hành và lần thứ 5 điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động. Lý giải cho việc giảm lãi suất lần này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, Ngân hàng Trung ước đã tích cực triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng ngân hàng theo mục tiêu kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý theo đúng chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ.
Cùng với các giải pháp điều hành đồng bộ của Chính phủ và các bộ, ngành trong năm 2012, chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã góp phần kiềm chế lạm phát ở mức thấp (chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2012 tăng 0,47% so với tháng 10/2012 và tăng 6,52% so với cuối năm 2011, dự kiến cả năm 2012 khoảng 7%); thanh khoản của hệ thống ngân hàng cải thiện, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất thị trường liên ngân hàng diễn biến theo xu hướng giảm, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất - kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, do sức mua của thị trường vẫn ở mức thấp, hàng tồn kho ở mức cao, khả năng hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp còn hạn chế.
Chính vì biết trước có thông tin sẽ hạ lãi suất cơ bản xuống thêm 1% từ các phiên họp quan trọng của Chính phủ, kiến nghị của các tổ chức, chuyên gia nên những ngày qua nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động giảm lãi suất huy động kỳ hạn dài để đón đầu xu hướng này. Không chỉ có các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV, Eximbank, ACB, Sacombank, MB... một số ngân hàng thương mại nhỏ cũng đã vào cuộc giảm lãi suất như BacABank, GP.Bank...
Hiện nay, theo biểu lãi suất của các ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dài. Mức cao nhất 13%/năm áp dụng cách đây vài tháng đã vắng mặt, hiện chỉ còn 12%/năm, áp chung cho các kỳ hạn từ 12 - 32 tháng, thậm chí có những ngân hàng kỳ hạn này chỉ còn 10-11%.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần bày tỏ quan điểm: Các ngân hàng không thể huy động mãi với lãi suất cao trong khi tiền thì không đẩy ra được, nên cho dù Ngân hàng Nhà nước chưa yêu cầu giảm, bản thân các ngân hàng phải tự giảm.
Ông Trần Xuân Quảng – Phó Tổng giám đốc thường trực Ngân hàng Hà Hải (MaritimeBank) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến lãi suất huy động giảm là các ngân hàng đang cân đối lại bài toán vốn của mình. Trong khi đầu ra vẫn đang gặp khó thì chắc chắn cần phải tính lại bài toán đầu vào.
Theo ông Quảng, trong mỗi giai đoạn chúng ta cần phải có mục tiêu hướng tới. Ví như giai đoạn này, nếu muốn hỗ trợ nền kinh tế, cần ưu tiên cho việc đầu tư, tạo động lực cho mọi người đầu tư. Nếu cứ tiếp tục mức lãi suất huy động thực dương cao, người dân chỉ gửi tiền tại ngân hàng để hưởng chênh lệch lãi suất và không muốn đầu tư kinh doanh, sẽ khó tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, khi đầu vào càng cao, đầu ra gặp khó khăn, bản thân các ngân hàng cũng không có động lực kinh doanh. Như vậy, sẽ khó tìm được điểm cắt cho cung – cầu vốn./.
(Theo: Vietnam+)