Thứ Hai, 25/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 18/8/2016 10:25'(GMT+7)

Các lực lượng đối địch của Nam Sudan sẽ được hợp nhất

Binh sỹ Nam Sudan. (Nguồn: Reuters)

Binh sỹ Nam Sudan. (Nguồn: Reuters)

Ngày 17/8, Chính phủ Nam Sudan thông báo sẽ hoàn tất tiến trình hợp nhất các binh sĩ của chính phủ và phe đối lập vào cuối tháng 5/2017.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nairobi, sau khi gặp Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, Phó Tổng thống thứ nhất Nam Sudan Taban Deng Gai cho biết Tổng thống Nam Sudan đã chỉ thị Chính phủ và các lực lượng của Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLM-IO) đối lập tổ chức thành một lực lượng quân đội.

Theo ông, việc tồn tại song song hai lực lượng là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng mới nhất tại Nam Sudan. Đầu tháng 7 vừa qua, giao tranh đã tái diễn ở thủ đô Juba của Nam Sudan giữa quân đội chính phủ do Tổng thống Salva Kiir đứng đầu và các lực lượng SPLM-IO trung thành với cựu Phó Tổng thống thứ nhất Riek Machar.

Theo Phó Tổng thống thứ nhất Nam Sudan Deng Gai, chính phủ nước này sẽ thiết lập các cơ sở đóng quân để hợp nhất các lực lượng SPLM-IO. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu cựu Phó Tổng thống thứ nhất Machar và lực lượng ủng hộ ông có tuân thủ đề xuất trên của chính phủ không.

Ông Machar đã rời Juba sau khi nổ ra các cuộc giao tranh hồi tháng 7. Tổng thống Salva Kiir đã bổ nhiệm ông Deng Gai, nguyên là trưởng đoàn đàm phán hòa bình làm Phó Tổng thống thứ nhất thay thế ông Machar sau khi ông này không đáp ứng tối hậu thư của Tổng thống, trong đó yêu cầu ông trở lại thủ đô Juba trong vòng 48 giờ để tiếp tục xây dựng và thúc đẩy thỏa thuận thỏa thuận hòa bình.

Trong một tuyên bố, ông Machar cho biết sẽ chỉ trở về Juba sau khi lực lượng can thiệp khu vực, do Liên minh châu Phi (AU) đề xuất, được triển khai tới Jubar. Đầu tháng này, Nam Sudan đã chấp nhận việc triển khai lực lượng can thiệp khu vực sau khi bạo lực leo thang song Cơ quan Phát triển Liên Chính phủ Đông Phi (IGAD) chưa quyết định quy mô và nhiệm vụ của lực lượng trên.

Nam Sudan rơi vào nội chiến từ tháng 12/2013, sau khi bùng phát xung đột giữa quân đội của Tổng thống Kiir với lực lượng nổi dậy trung thành với cựu Phó Tổng thống Machar, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Tháng 8/2015, hai bên đã ký thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt nội chiến, song vẫn không thể ngăn chặn bạo lực tiếp diễn./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất