Ngày 12/10, Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN và 3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (AMAF+3) lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc với vai trò Chủ tịch hội nghị lần này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN+3 diễn ra trong bối cảnh nhiều nước phải đối mặt với các thách thức về mất an ninh lương thực, cạnh tranh gay gắt trong sản xuất và thương mại nông nghiệp, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.
Cùng với đó, trong những năm qua, các nước trong khu vực đã có những bước chuyển lớn về nông lâm nghiệp, xuất phát từ những thay đổi về thu nhập hộ gia đình, thị hiếu tiêu dùng, sự chuyển đổi trong hệ thống phân phối thực phẩm do tác động của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Điều này đã đặt ra những cơ hội và thách thức cho cả ASEAN và 3 nước đối tác trong việc đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, thu hẹp khoảng cách phát triển, xây dựng nông thôn gắn với phát triển nông nghiệp bền vững và bao trùm.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao hợp tác nông nghiệp của ASEAN và 3 nước đối tác trong thời gian qua và cảm ơn sự trợ giúp của 3 nước đối tác thông qua các hoạt động trong khuôn khổ Chiến lược Hợp tác ASEAN+3 trong lĩnh vực thực phẩm và nông lâm nghiệp giai đoạn 2016-2025.
Để tăng cường triển khai Chiến lược này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN+3 tập trung hơn nữa vào đẩy mạnh hợp tác về an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng, hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng và phát triển nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường, đồng thời, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất và chế biến nông lâm thủy sản nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, các bên huy động các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư của doanh nghiệp thông qua mối quan hệ đối tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp thông qua các hoạt động xây dựng, chuyển giao công nghệ sản xuất, quản lý, vận hành, giám sát theo chuỗi cung ứng nông sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nông nghiệp.
Các bên cùng thúc đẩy thương mại thực phẩm và nông sản giữa ASEAN và 3 nước đối tác thông qua việc hài hòa hóa các tiêu chuẩn, quy trình, quy chuẩn kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật nhằm xây dựng khu vực sản xuất an toàn, hợp tác khu vực về phòng chống dịch bệnh động vật lây truyền xuyên biên giới.
Cùng với đó, các bên chia sẻ, trao đổi các mô hình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của các nước ASEAN và 3 nước đối tác, nâng cao năng lực thích ứng và sức cạnh tranh cho nông dân.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng đánh giá cao tiến độ thực hiện Chiến lược hợp tác ASEAN+3 (APTCS) giai đoạn 2016-2015, thể hiện tinh thần hợp tác của ASEAN+3 và một số hoạt động quan trọng nhằm tăng cường an ninh lương thực; quản lý rừng bền vững; giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; sức khỏe động thực vật và kiểm soát dịch bệnh; nâng cao năng lực xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hệ thống thông tin và kiến thức mạng và trao đổi; nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng tiếp thị các sản phẩm nông nghiệp...
Các Bộ trưởng đánh giá cao sự tiến bộ trong việc thực hiện Thỏa thuận dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR) và tái khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ việc thực hiện Thỏa thuận APTERR, đồng thời, ghi nhận việc thực hiện chương trình Kênh 3 của Thỏa thuận, đặc biệt đối với chương trình Tiền xác định do Nhật Bản và Hàn Quốc đóng góp cho Campuchia, Lào, Myanmar và Philippines.
Các Bộ trưởng hoan nghênh hoạt động trong khuôn khổ kênh 1 được thực hiện giữa Nhật Bản và Philippines, đây được coi là thử nghiệm đầu tiên cho APTERR. Hội nghị khuyến khích các thành viên APTERR tiếp tục tham gia các chương trình thuộc kênh 3.
Các Bộ trưởng cũng ghi nhận tiến độ của Hệ thống thông tin an ninh lương thực ASEAN+3, đặc biệt là phát triển thông tin an ninh lương thực trong khu vực và cải thiện số liệu thống kê về chế biến và phân phối thực phẩm nông nghiệp ở ASEAN.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong tiến trình hợp tác, tại hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa Chính phủ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về hợp tác nông nghiệp và thực phẩm; Bản ghi nhớ giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc về Tăng cường hợp tác nông nghiệp và lâm nghiệp; Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN + 3 (APTERR).
Hội nghị AMAF+3 lần thứ 19 sẽ diễn ra tại Brunei Darussalam vào năm 2019./.
Bích Hồng/TTXVN