Thứ Tư, 27/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 22/12/2014 20:18'(GMT+7)

Các nước Trung Đông và Bắc Phi vẫn chìm trong chảo lửa

Khói bốc lên từ một kho vũ khí của lực lượng nổi dậy sau khi quân đội Syria giành lại quyền kiểm soát nông trại Al-Maleh, phía tây khu vực đồi Handarat ngày 15/12. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khói bốc lên từ một kho vũ khí của lực lượng nổi dậy sau khi quân đội Syria giành lại quyền kiểm soát nông trại Al-Maleh, phía tây khu vực đồi Handarat ngày 15/12. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đàn áp, bất công, nghèo đói, mâu thuẫn sắc tộc và phe phái sâu sắc đã tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố và thánh chiến cực đoan mọc lên khắp khu vực, trong khi nguy cơ xung đột vũ trang vẫn đang chực chờ tại nhiều điểm “nóng."

Ngoại trừ tín hiệu lạc quan hiếm hoi tại Tunisia với tiến trình chuyển tiếp chính trị khá suôn sẻ, cả khu vực Trung Đông-Bắc Phi gần như chìm trong bất ổn an ninh và bạo lực đẫm máu trong suốt năm 2014.

Tại Libya, chiến sự ngày càng lan rộng tại thủ đô Tripoli và thành phố Benghazi giữa các nhóm phiến quân từng lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và hàng chục nghìn lao động nước ngoài phải về nước.


Một nhà kho bị tàn phá sau xung đột giữa các tay súng thuộc liên minh Hồi giáo nổi dậy Bình minh Libya và lực lượng trung thành với Tướng về hưu Khalifa Haftar. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chính trường quốc gia Bắc Phi này đột ngột trở nên hỗn loạn sau khi Tòa án tối cao ra phán quyết bác bỏ tính hợp pháp của Quốc hội được bầu tháng Sáu vừa qua. Quyết định gây tranh cãi này cũng khôi phục Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GNC - cơ quan lập pháp cũ của Libya) và chính phủ của phe Hồi giáo đang kiểm soát Tripoli. Lợi dụng khoảng trống an ninh, các nhóm thánh chiến cực đoan, đặc biệt là lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã bắt tay gây dựng các sào huyệt với âm mưu biến Libya thành trung tâm huấn luyện khủng bố và làm bàn đạp tấn công các nước khác trong khu vực.

Tại Ai Cập, bất ổn an ninh thường trực đang là trở ngại chính đối với các nỗ lực của chính quyền nhằm khôi phục nền kinh tế èo uột kể từ làn sóng biểu tình lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak đầu năm 2011. Đặc biệt, sau cuộc chính biến mùa Hè năm ngoái, các nhóm phiến quân Hồi giáo đã mở rộng địa bàn hoạt động từ Bán đảo Sinai sang thủ đô Cairo và các thành phố đông dân thuộc khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile.

Trong khi đó, bất chấp chiến dịch đàn áp mạnh tay của chính quyền từ một năm rưỡi qua, các cuộc biểu tình của những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) vẫn phát triển mạnh mẽ trong các khu vực dân cư nghèo và các trường đại học. Việc thiếu các kênh đối thoại và hòa giải thực chất, cách thức hành xử bất bình đẳng của chính quyền đối với các quan chức chế độ cũ và các lực lượng thanh niên, cộng với các mâu thuẫn tích tụ trong xã hội Ai Cập đang góp phần nuôi dưỡng hận thù và tạo chỗ đứng cho tư tưởng cực đoan phát triển.

Bế tắc trong đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine cũng đang tạo môi trường màu mỡ cho sự phát triển và lan rộng của chủ nghĩa khủng bố, bạo lực và cực đoan. Sau khi các vòng đám phán do Mỹ làm trung gian bị đổ vỡ hồi tháng Tư vừa qua, xung đột đã bùng phát tại Dải Gaza trong suốt 50 ngày bắt chấp các nỗ lực ngoại giao con thoi của các nhà lãnh đạo thế giới. Chiến dịch "Vành đai bảo vệ" do quân đội Israel phát động là chiến dịch quân sự kéo dài nhất và gây thương vong nhiều nhất kể từ năm 2009 với hơn 2.100 người Palestine thiệt mạng, khoảng 11.000 người bị thương, nhiều nhà cửa và cơ sở hạ tầng thiết yếu tại Gaza bị phá hủy.


Thành viên Lữ đoàn Al-Quds thuộc phong trào Hồi giáo Jihad tuần tra gần căn cứ quân sự ở Khan Yunis, Dải Gaza ngày 20/12. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài liên tục bị trì hoãn kể từ tháng Chín đến nay và lệnh phong tỏa của Israel gần như được giữ nguyên tại Dải Gaza, xung đột có nguy cơ tái bùng phát bất cứ lúc nào tại vùng lãnh thổ này. Căng thẳng cũng đang gia tăng tại các vùng lãnh thổ Palestine bị Israel chiếm đóng.

Vụ tấn công mới đây nhằm vào một nhà thờ Do Thái tại thánh địa Jerusalem chỉ là một trong nhiều vụ bạo lực sau khi Israel có các hành động xâm phạm khu vực Núi đền linh thiêng của Palestine, đồng thời quyết định xây dựng và cải tạo nhiều khu định cư mới tại Bờ Tây và Đông Jerusalem. Dư luận lo ngại rằng các vụ bạo lực tương tự có thể đẩy Israel và Palestine đến bờ vực của một cuộc chiến tranh tôn giáo.

Syria vẫn là tâm điểm của cuộc chiến mang đậm màu sắc tôn giáo và sắc tộc. Quốc gia này đang là tiền tuyến số một trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố và cực đoan. Cuộc nội chiến khốc liệt tại đây tiếp tục là “thỏi nam châm” thu hút hàng chục nghìn tay súng thánh chiến nước ngoài. Trên thực địa, IS đã nổi lên thế chỗ các nhóm đối lập vũ trang cũng như các nhóm phiến quân Hồi giáo có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda.

Cuộc nội chiến ở Syria còn kéo theo cuộc khủng hoảng người tị nạn trầm trọng. Cho tới nay, đã có 3,3 triệu người dân nước này phải di tản ra nước ngoài, 7,2 triệu người phải sơ tán trong nước và gần 11 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo. Dòng người tị nạn Syria đã và đang gây bất ổn lớn cho các nước láng giềng. Hiện số người tị nạn Syria chiếm tới 1/4 dân số Liban và khoảng 1/6 dân số Jordan. Riêng Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chi 4 tỷ USD cho việc tiếp nhận khoảng 1,6 triệu người tị nạn Syria.


Các tay súng người Kurd tại một khu vực bị phiến quân IS tàn phá ở thành phố Zummar thuộc Nineveth, miền bắc Iraq ngày 18/12. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giao tranh đã vượt biên giới Syria sang Iraq và Liban, đồng thời đe dọa trực tiếp an ninh của hàng loạt quốc gia khác trong khu vực. Hồi tháng Sáu, IS đã có những bước tiến như vũ bão với việc kiểm soát gần một nửa lãnh thổ Iraq và đánh bại bốn sư đoàn chủ lực của quân đội nước này chỉ trong vòng ba tháng. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của IS là một trong những nguyên nhân khiến Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki phải ra đi, đồng thời buộc Mỹ phải huy động lực lượng tham chiến tại quốc gia Trung Đông này.

Giới phân tích cho rằng cuộc chiến chống IS sẽ tiếp tục định hình mối quan hệ hợp tác giữa các nước khu vực trong năm tới và những năm tiếp theo. Trận chiến cam go này sẽ mở rộng về quy mô với sự can dự ngày càng sâu của Mỹ, các nước đồng minh phương Tây và khu vực.

Song song với đó, cạnh tranh quyền lực sẽ diễn ra gay gắt giữa cộng đồng người Shiite do Iran đứng đầu và cộng đồng người Sunni dưới sự lãnh đạo của Saudi Arabia. Đây là nhân tố tiếp tục gây bất ổn cho khu vực Trung Đông-Bắc Phi trong thời gian tới bên cạnh sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố cực đoan cùng sự bế tắc của tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất