Thứ Tư, 27/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 22/12/2014 10:18'(GMT+7)

Tiến trình cách mạng tại Mỹ Latinh không thể đảo ngược

Đương kim Tổng thống Bolivia Evo Morales trước những người ủng hộ tại thủ đô La Paz sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai ngày 12/10. (Nguồn: THX/TTXVN)

Đương kim Tổng thống Bolivia Evo Morales trước những người ủng hộ tại thủ đô La Paz sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai ngày 12/10. (Nguồn: THX/TTXVN)


Khu vực một thời bị coi là “sân sau” của Mỹ kết thúc năm 2014 với thắng lợi của các đảng cánh tả cầm quyền trong tất cả các cuộc bầu cử tổng thống.

Đầu năm nay, cựu du kích quân Salvador Sánchez Cerén, đại diện của Mặt trận Giải phóng dân tộc Farabundo Martí (FMLN), đắc cử tại El Salvador.

Vào những tháng cuối năm, các ứng cử viên cánh tả lại “đăng quang” liên tiếp trong các cuộc bỏ phiếu tại Bolivia, Brazil và Uruguay.

Trong cuộc bầu cử tại Bolivia ngày 12/10, Tổng thống đầu tiên mang dòng máu thổ dân tại nước này Evo Morales, ứng cử viên của Phong trào tiến lên chủ nghĩa xã hội (MAS), thu được 61,4% phiếu bầu.

Đối thủ chính của ông là Samuel Doria Medina - một doanh nhân lớn và là chủ của chuỗi nhà hàng Burger King, đại diện của liên minh Đoàn kết dân chủ (UD) theo xu hướng trung hữu - chỉ giành được 24,2% số phiếu.

Trong ba lần tranh cử gần đây, ông Morales (55 tuổi) đều đắc cử ngay tại vòng một. Với kết quả trên, ông trở thành tổng thống đầu tiên đắc cử ba nhiệm kỳ liên tiếp để lãnh đạo đất nước từng có thời chìm trong bất ổn và các cuộc đảo chính.

Trong cuộc tổng tuyển cử, MAS giành chiến thắng tại 8 trong số 9 bang, trong đó lần đầu tiên về nhất tại bang Santa Cruz - bang rộng nhất và có tiềm năng kinh tế lớn nhất đất nước, từng được coi là thành trì của phe đối lập, đồng thời giành được đa số ghế tuyệt đối tại cả hai viện Quốc hội, cho phép nhanh chóng thông qua các dự luật nhằm củng cố các thành tựu to lớn mà Bolivia đã giành được dưới sự lãnh đạo của ông Morales.

Tại cuộc bầu cử Tổng thống ở Brazil, đương kim Tổng thống Dilma Rousseff (66 tuổi), đại diện cho đảng Lao động (PT), đã đánh bại Thượng nghị sỹ Aécio Neves thuộc đảng Dân chủ xã hội (PSDB) theo đường lối trung hữu, cho phép PT kéo dài thời gian cầm quyền lên ít nhất 16 năm.

Tại Uruguay, ứng cử viên của Mặt trận rộng rãi (FA) Tabaré Vázquez (74 tuổi) đã trở lại cầm quyền sau khi dẫn trước hơn 12% trước đối thủ là Hạ nghị sỹ Luis Lacalle Pou, đại diện của đảng Quốc gia (PN) theo xu hướng trung hữu, trong cuộc bầu tổng thống vòng hai ngày 30/11.

Đây là chiến thắng thứ 3 liên tiếp của FA trong các cuộc bầu cử tổng thống, nâng thời gian cầm quyền của liên minh theo đường lối cánh tả lên tối thiểu 15 năm.

Nói đi đôi với làm

Điểm chung trong nguyên nhân thắng cử của các ứng cử viên cánh tả tại cả ba nước nói trên là không như các chính phủ theo chủ nghĩa tự do mới và thân phương Tây, các đảng cánh tả đã hoàn thành các cam kết gắn phát triển kinh tế với thực hiện công bằng xã hội khi vận động tranh cử.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Morales, Bolivia đã thu được những thành tựu phát triển chưa từng có. Từ năm 2006 tới nay, đất nước có tỷ lệ người bản địa lớn nhất Mỹ Latinh này đạt tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm 5%, cao hơn mức trung bình 3,7% tại Mỹ Latinh. Năm ngoái, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bolivia tăng 6,5%, cao nhất từ trước tới nay.

Từ một nước có thời điểm đứng đầu danh sách các nước nghèo nhất Mỹ Latinh, trong thập niên vừa qua, Bolivia đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển năng động và ổn định nhất trong khu vực.

Thành tích này chủ yếu nhờ chính sách quốc hữu hóa các ngành kinh tế chiến lược, trong đó có ngành dầu khí, và tăng đầu tư cho phép tăng kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là khí đốt - nguồn tài nguyên mà Bolivia có trữ lượng lớn thứ hai ở Nam Mỹ. Riêng xuất khẩu khí đốt trong năm ngoái đã đem về cho Bolivia 6,6 tỷ USD, chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu năng lượng tăng cho phép Bolivia nâng dự trữ ngoại tệ năm ngoái lên 14,4 tỷ USD, tăng hơn 8 lần so với năm 2005 và tương đương 51% GDP. Nguồn thu tăng tạo điều kiện cho chính phủ triển khai các dự án hạ tầng lớn như phóng vệ tinh viễn thông đầu tiên của nước này, nâng cấp đường sá và sân bay, xây dựng hệ thống cáp treo dài nhất thế giới…

Cùng với phát triển kinh tế, chính phủ Bolivia thực hiện nhiều chương trình phúc lợi xã hội, với ưu tiên dành cho những nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Nguồn thu tăng từ xuất khẩu cho phép chính phủ trợ cấp tiền thường xuyên cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, học sinh và người già.

Trên 30% người dân Bolivia được hưởng lợi từ chính sách này. Đây là một phần trong những nỗ lực xóa đói giảm nghèo của chính phủ, góp phần giảm tỷ lệ bần cùng tại Bolivia từ 38,2% xuống còn 18% trong thời gian Tổng thống Morales cầm quyền.

Trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ thất nghiệp tại Bolivia giảm từ 8% xuống 3%, trong khi đầu tư cho giáo dục tăng 130%. Cũng trong thời gian trên, 758 cơ sở y tế được xây mới, trong khi lương tối thiểu tăng gần 4 lần, tương đương 207 USD/tháng, mặc dù lạm phát chỉ tăng bình quân 6,7% mỗi năm.

Trong khi đó, dưới sự lãnh đạo của PT, với hai nhiệm kỳ của ông Luiz Lula da Silva (2003-2010) và nhiệm kỳ đầu của bà Rousseff (2011-2014), Brazil có thời điểm vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.

Trong 12 năm qua, hơn 40 triệu người nghèo tại Brazil gia nhập tầng lớp trung lưu, tỷ lệ bần cùng giảm 75%, trong khi tỷ lệ suy sinh dưỡng giảm một nửa và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 5%, mức thấp nhất trong lịch sử của đất nước với hơn 200 triệu dân này.

Tại Uruguay, trong 10 năm dưới sự lãnh đạo của FA, tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt bình quân 6%, nợ công giảm, thu nhập bình quân của các hộ gia đình tăng 50%, tỷ lệ nghèo giảm từ 38% xuống còn 11%, tỷ lệ bần cùng giảm xuống 0,5%, thất nghiệp giảm từ 13% xuống còn 6%, lạm phát ở mức một con số (8,5% năm 2013), điều chưa từng có trong 60 năm gần đây. Hiện GDP bình quân đầu người của Uruguay đạt trên 16.000 USD/năm, cao bậc nhất Mỹ Latinh.

Thách thức trong bảo vệ thành quả cách mạng

Cùng với thời gian cầm quyền, uy tín của các đảng cánh tả cầm quyền trong dân chúng các nước Mỹ Latinh không bị xói mòn nhờ những thành tựu vượt bậc trong kết hợp phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Tuy nhiên, sự nghiệp vẻ vang này gặp không ít chông gai do các thế lực bị ảnh hưởng bởi chính sách tiến bộ trên tìm cách chống phá quyết liệt, kể cả trong lĩnh vực kinh tế, nhằm gây mất ổn định để đưa khu vực này về thời kỳ của các chính phủ theo chủ nghĩa tự do mới và phục vụ lợi ích của tầng lớp giàu có và phương Tây.

Trước mắt, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ ngoài khu vực giảm do kinh tế thế giới phục hồi chậm sau khủng hoảng, giá xuất khẩu nguyên liệu giảm và tài chính quốc tế bất ổn, kinh tế Mỹ Latinh nói chung và các nước do cánh tả cầm quyền nói riêng bị suy giảm, gây khó khăn cho chính phủ trong việc thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội vì người nghèo.

Theo dự báo mới nhất của Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribbean của Liên hợp quốc (ECLAC), trong năm 2014, khu vực này sẽ chỉ tăng trưởng 1,1%, mức thấp nhất trong 5 năm qua, trong đó GDP của các nước cánh tả có quy mô kinh tế lớn nhìn chung đều giảm so với năm trước đó, đặc biệt là Brazil - nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh - chỉ đạt tăng trưởng 0,2% và GDP của Venezuela có thể giảm 3%.

ECLAC dự báo trong năm 2015, khu vực này sẽ đạt tăng trưởng 2,2%, có cải thiện so với năm nay nhưng thấp hơn so với kết quả đạt được trong giai đoạn 2010-2013./.

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất