Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, sẵn sàng lấy lại đà tăng trưởng, tạo bứt phá trong điều kiện bình thường mới.
Thế nhưng, dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát mạnh, tốc độ lây lan nhanh đang đặt ra nhiều thách thức to lớn trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, cũng như thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Trong bối cảnh đó, từng bước khống chế dịch bệnh, lên kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong điều kiện bình thường mới là chủ trương được các địa phương chủ động triển khai.
Trong điều kiện bình thường mới, cách ứng phó, kiểm soát dịch COVID-19 không còn đơn thuần là công tác chuyên môn của ngành y tế. Bởi lẽ trong điều kiện mà tỷ lệ người dân được tiêm vaccine chưa thể bao phủ thì tâm thế, phương thức kiểm soát dịch an toàn, linh hoạt… mới là “kháng thể” chính góp phần ngăn chặn, đẩy lùi virus SARS-CoV-2 ra khỏi cộng đồng.
Nhiều địa phương nâng cấp độ dịch
Thời gian qua, các tỉnh, thành phố miền Tây bất ngờ trở thành “điểm nóng” về tình hình dịch COVID-19 khi tỷ lệ người mắc COVID-19 trở về địa phương cao, cùng với đó là số ca mắc trong cộng đồng tăng đột biến đã khiến nhiều địa phương “đổi màu” từ vùng xanh thành vùng cam, vùng đỏ.
Thông tin về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây diễn biến phức tạp.
Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, tỉnh có khoảng 27.300 người dân từ các địa phương về quê. Qua công tác tầm soát, lực lượng chức năng phát hiện gần 760 trường hợp dương tính, chiếm hơn 2,78%.
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh có nhiều xí nghiệp sản xuất thủy sản với nhiều công nhân. Riêng tại thị xã Giá Rai - địa phương được xem là trung tâm công nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu của tỉnh Bạc Liêu. Tại đây có hơn 20 doanh nghiệp hoạt động, chiếm 80% sản lượng chế biến thủy sản của tỉnh.
Vì vậy, ngay sau khi xuất hiện chuỗi lây nhiễm SARS-CoV-2 tại Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu thủy sản Tấn Khởi, ở phường 1, thị xã Giá Rai, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo khẩn trương khoanh vùng, truy vết, điều trị.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, những ngày gần đây số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh này liên tục tăng cao.
Trong tuần qua, bình quân mỗi ngày có hơn 400 ca mắc COVID-19, đến nay đã ghi nhận hơn 14.600 ca. Đặc biệt, từ ngày 1/10 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận trên 67.000 người tự phát về từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Thành Hồ Chí Minh; qua xét nghiệm đã phát hiện trên 1.300 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, toàn tỉnh An Giang đã nâng cấp độ dịch lên cấp 3 - cấp nguy cơ cao.
Chỉ trong 2 ngày đầu tiên của tháng 11, dịch COVID-19 đã lây lan nhanh, nhiều ổ dịch mới đồng loạt xuất hiện trong cộng đồng đã khiến tỉnh Cà Mau từ vùng xanh trở thành vùng vàng. Qua đó, 101 xã, phường, thị trấn của địa phương này đều ở cấp độ dịch từ vàng đến đỏ, tương đương từ cấp 2-4.
Trước diễn tiến tình hình dịch bệnh tại địa phương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhận định tình hình dịch COVID-19 tại địa phương đang diễn biến phức tạp khi ổ dịch mới xuất hiện trong cộng đồng rất nhiều. Nhiều ổ dịch có tốc độ lây lan nhanh, số người nhiễm cao khiến công tác khoanh vùng, truy vết nhằm phát hiện sớm F0, F1 rất vất vả.
Qua theo dõi, nguyên nhân chính là số người trở về địa phương lớn. Hiện mỗi ngày có trung bình khoảng 70 - 200 người trở về địa phương, lũy kế đến nay đã khoảng 35.000 người.
Trong khi đó, các quy định mới của Trung ương so với trước đây đều được nới lỏng hơn, nhằm mở ra hoạt động sản xuất kinh doanh, tự do đi lại hơn. Trong khi đó, tần suất, tỷ lệ xét nghiệm lại rất mỏng, thưa.
Thực tế đã qua, nhiều ổ dịch ở thành phố Cà Mau chủ yếu xuất phát từ những khu dân cư trong ngõ hẻm, chợ… nơi có mật độ dân cư đông, đường xá hẹp, nơi sinh sống của nhiều công nhân, người lao động. Do đó, việc lây lan dịch bệnh vào các nhà máy, xưởng sản xuất là không thể tránh khỏi. Nhưng còn mối lo khác nữa là dịch lây lan vào các trường học.
Linh hoạt các giải pháp kiểm soát
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày một phức tạp, giải pháp được nhiều địa phương đưa ra là nhanh chóng khoanh vùng những nơi có nguy cơ cao, đặc biệt những vùng có F0 phải điều tra, truy vết, cách ly nhanh nhất có thể, trong đó, phương châm phong tỏa phải đảm bảo bao vây được ổ dịch…
Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang yêu cầu cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương tập trung, nỗ lực điều tra, xác định rõ nguồn lây để có giải pháp dập dịch hiệu quả; quản lý chặt chẽ, phong tỏa chặt vùng ngoài, kiểm soát tốt vùng trong, có trọng điểm, theo phương châm “phong tỏa hẹp, quản lý chặt."
Bên cạnh đó, các địa phương cần kiên quyết xử phạt thật nghiêm (kể cả xử lý hình sự) các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19; chủ động thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện địa phương.
Tại tỉnh Cà Mau, đối với người từ ngoài tỉnh về địa phương, các chốt trạm phải tăng cường tuần tra, kiểm soát đúng quy định; vẫn tiến hành xét nghiệm và cách ly đối với người từ vùng dịch về địa phương, để cố gắng cắt đứt nguồn lây.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh quan trọng nhất hiện nay không phải là điều tra truy vết tìm nguồn lây xuất phát từ đâu mà trọng yếu là tìm ra hết các F0, F1.
“Biện pháp này nhầm cắt nguồn lây, nếu không thì khả năng Cà Mau sẽ vỡ trận. Bởi, hệ thống y tế của Cà Mau hiện đang rất yếu, khả năng thu dung, điều trị một khi không đáp ứng được thì hậu quả rất lớn. Trước tình hình dịch bệnh hiện nay cùng tỷ lệ tiêm vaccine trong người dân còn thấp, các cấp, ngành từ tỉnh tới cơ sở phải theo dõi sát sao, điều chỉnh cấp độ dịch tăng lên 1 cấp," ông Nguyễn Tiến Hải lưu ý.
Với chủ trương này, Cà Mau mong muốn tất cả người dân đồng tình, ủng hộ, cùng với lãnh đạo tỉnh quyết liệt, áp dụng các quy tắc cao hơn trong một thời gian.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cũng đề nghị các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chủ động xét nghiệm với tần suất cao hơn, số lượng xét nghiệm đông hơn, theo đó, tổ chức sản xuất theo “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” để ngăn chặn nguồn lây.
Các địa phương tăng cường xét nghiệm mở rộng và thường xuyên các khu chợ, khu tập trung đông dân cư…; đẩy nhanh công tác tiêm chủng, với phương châm “vaccine tốt nhất là vaccine tiêm sớm nhất," không lựa chọn; tổ chức tiêm đúng quy định, đúng đối tượng, tiêm nhanh, an toàn.
Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và góp phần giảm áp lực cho công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tại các bệnh viện, các tỉnh như An Giang, Cà Mau đã phê duyệt phương án cách ly, theo dõi sức khỏe người mắc COVID-19 không triệu chứng tại nhà.
Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết, việc thực hiện cách ly, điều trị tại nhà các F0 không triệu chứng nhằm giảm tải hệ thống giường bệnh, nhân lực y tế, các tổ chuyên môn, an ninh trật tự... tại các cơ sở điều trị COVID-19 của tỉnh, qua đó giúp ngành y tế tập trung nguồn lực điều trị hiệu quả cho người mắc COVID-19 mức độ nhẹ, trung bình và nặng.
“Trong giai đoạn đầu, An Giang sẽ triển khai thí điểm cách ly điều trị tại nhà các F0 không triệu chứng tại thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc và thị xã Tân Châu. Sau đó, tỉnh sẽ triển khai thí điểm tại các địa phương bùng phát dịch khi các cơ sở thu dung điều trị F0 tại đây không đảm bảo các điều kiện cách ly điều trị," ông Trần Quang Hiền chia sẻ.
Riêng tại Bạc Liêu, do số ca mắc tăng nhanh, nhất là có thêm nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng không rõ nguồn lây, địa phương đã quyết định thành lập 2 cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại huyện Hồng Dân.
Đồng thời, địa phương cũng thành lập thêm 1 cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 nhẹ và không triệu chứng tại thành phố Bạc Liêu.
Riêng tại thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đã quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 khoảng 500 giường nằm trên địa bàn xã Phong Thạnh A sau khi ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 từ các công ty thủy sản trên địa bàn.
Cơ sở này chủ yếu thu dung, điều trị các ca mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng. Sau đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu quyết định bổ sung tăng thêm 2.500 giường cho các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 của thị xã để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân.
Nhằm góp phần tạo miễn dịch cộng đồng, cùng với cả nước thích ứng an toàn, linh hoạt với điều kiện "bình thường mới," các tỉnh miền Tây đã nhanh chóng triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó có trẻ từ 12-17 tuổi.
Tuy nhiên, do nguồn cung vaccine hạn chế, đến nay tỷ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng vẫn còn thấp, đặc biệt là tỷ lệ người dân được tiêm đủ 2 mũi. Người từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi vaccine tại tỉnh An Giang chỉ chiếm 22,33%; ở Bạc Liêu thì tỷ lệ này có cao hơn nhưng cũng chỉ ở mức 35,6%...
Trước tình hình trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế ưu tiên phân bổ vaccine ngừa COVID-19 cho Bạc Liêu để tăng cường tiêm đạt 100% dân số trong độ tuổi, tỉnh cũng phấn đấu đạt mũi 2 trên 50% trong thời gian sớm nhất.
“Tổng nhu cầu vaccine của Bạc Liêu từ nay đến cuối năm 2021 là trên 400.000 liều. Tỉnh đề nghị Bộ Y tế cung cấp, phân bổ trang thiết bị, vật tư y tế nhằm đảm bảo công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 và phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn," ông Phạm Văn Thiều thông tin.
Để kiểm soát dịch COVID-19 trong tình hình mới hiện nay, có thể thấy, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, tùy vào điều kiện thực tế khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung vẫn là ưu tiên giải pháp căn cơ, đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine trong toàn dân. Đây được xác định là nền tảng đề thực hiện thành công mục tiêu kép mà các địa phương đang hướng đến./.
Theo VN+