Thứ Bảy, 27/7/2024
Xã hội
Thứ Tư, 10/11/2021 9:23'(GMT+7)

Xây dựng nhiều kịch bản để không bị động, bất ngờ trong bối cảnh bình thường mới

Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Bình Dương (209 ca), Tiền Giang (185 ca), Tây Ninh (113 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó là Thành phố Hà Nội (157 ca), Trà Vinh (129 ca), Đắk Lắk (64 ca). Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 7.347 ca/ngày.

Đến nay, Việt Nam đã có 984.805 ca mắc, đứng thứ 38/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.996 ca mắc).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 979.840 ca, trong đó có 839.983 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số mắc tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (441.216 ca), Bình Dương (240.347 ca), Đồng Nai (74.065 ca), Long An (35.990 ca), Tiền Giang (18.703 ca).

Ngày 9/11, nước ta ghi nhận số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.325 ca; nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 842.800 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.350 ca.

Từ 17 giờ 30 phút ngày 8/11 đến 18 giờ 30 phút ngày 9/11 ghi nhận 88 ca tử vong, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (38 ca), Bình Dương (11 ca), An Giang (7 ca), Kiên Giang (5 ca)...

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 69 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.686 ca, chiếm 2,4% so với tổng số ca mắc.

QUY ĐỊNH MỨC THANH TOÁN TỐI ĐA DỊCH VỤ XÉT NGHIỆM

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 16/2021/TT-BYT Quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, bao gồm việc lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2; áp dụng trong các trường hợp: Thanh toán chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; người sử dụng dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 tự chi trả; các trường hợp được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Thông tư đã quy định mức thanh toán tối đa dịch vụ xét nghiệm bao gồm cả sinh phẩm xét nghiệm mà cơ sở y tế được thu và thanh toán. Trường hợp chi phí thực hiện xét nghiệm cao hơn tổng mức được thanh toán thì cơ sở y tế được quyết toán phần chênh lệch thiếu vào nguồn kinh phí giao tự chủ và nguồn kinh phí hợp pháp khác của đơn vị.

Cùng với việc quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, Bộ Y tế đã chỉ đạo và yêu cầu các cơ sở y tế có trách nhiệm mua sắm vật tư, hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.

Chiều 9/11, tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế đã tiếp nhận 1.910 tủ lạnh bảo quản vaccine, 5 triệu bơm kim tiêm và 50.000 hộp an toàn trong khuôn khổ dự án do Chính phủ Australia phối hợp với Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) hỗ trợ cho công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam.

Bộ Y tế Việt Nam cam kết sẽ phân bổ số vaccine, vật tư y tế này tới các đơn vị và địa phương phòng, chống dịch căn cứ theo tình hình thực tế để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch khẩn cấp, đảm bảo phù hợp, hiệu quả.

Chính phủ Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam tổng cộng 5,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19, bao gồm: 1,5 triệu liều vaccine AstraZeneca do Australia sản xuất đã về tới Việt Nam trong những tháng qua và 3,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 thông qua thỏa thuận mua sắm của Chính phủ Australia với UNICEF.

Cùng ngày, Bộ Y tế đã có Quyết định 5155/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em. Thông tin cho thấy, phần lớn trẻ em mắc COVID-19 đều không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp cấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng. Trẻ mắc COVID-19 thường ở thể nhẹ vì thế tỷ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn.

QUAN TÂM VIỆC MỞ CỬA TRƯỜNG HỌC TRỞ LẠI

Đóng góp ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong phiên thảo luận chiều 9/11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, có đại biểu nêu ý kiến cho rằng đại dịch COVID-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu, tạo nên cuộc khủng hoảng đa chiều, tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội không chỉ ở nước ta, mà nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đại dịch đã làm thay đổi toàn diện cấu trúc của xã hội.

Hiện nay, vấn đề mở cửa trường học trở lại đang được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Trẻ em bị giãn cách lâu ngày sẽ xuất hiện rất nhiều sang chấn về tâm lý. Học tập trực tuyến ảnh hưởng không chỉ về thị lực, sức khỏe, mà chất lượng học tập cũng không đảm bảo, điều kiện học tập khó khăn, không được tiếp cận với các điểm vui chơi, giải trí, dẫn đến có những trường hợp nghiện game, ti vi, điện thoại. Đặc biệt, hiện bố mẹ các em đã đi làm việc một cách bình thường, nếu học sinh quay trở lại trường, giải pháp an toàn trong phòng, chống dịch sẽ như thế nào? Vaccine có thực sự đảm bảo an toàn với trẻ cả về trước mắt lẫn lâu dài? Các giải pháp khắc phục sang chấn tâm lý ra sao và đặc biệt là bù đắp các thiếu hụt về kiến thức như thế nào?

Để có cơ sở cho Quốc hội quyết định thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, cần có báo cáo tổng hợp với đầy đủ số liệu thông tin, phân tích, đánh giá các tác động tiềm ẩn của đại dịch COVID-19 một cách khoa học với các dự báo cả trong ngắn hạn và dài hạn. Từ đó, xây dựng nhiều kịch bản phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tương ứng với từng tình huống, diễn biến của dịch bệnh, để không phải bị động, bất ngờ trong điều kiện bình thường mới, thay vì như nhận định hiện nay là dịch còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp.

Có đại biểu nhận định, các giải pháp đưa ra trong kế hoạch năm 2022 là rõ ràng về mục tiêu và có tính khả thi cao khi đặt bối cảnh dịch bệnh ở trong tầm kiểm soát, nhưng vẫn sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp hơn có thể xảy ra. Các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm cả quản trị xã hội đã được đưa ra. Chính phủ đã xác định mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, thực hiện an sinh xã hội. Các giải pháp tập trung vào phát triển kinh tế đã rõ ràng, mạnh mẽ. Trong khi đó, các giải pháp về lĩnh vực xã hội, y tế cần cụ thể hơn.

Để có giải pháp cụ thể về y tế, xã hội, có đại biểu đề nghị nhận diện đầy đủ hơn những tác động của dịch bệnh đối với người dân trên các phương diện về sức khỏe thể chất, như các di chứng do mắc bệnh hay sức khỏe tâm thần khi tình trạng mất ngủ, lo âu kéo dài, rối loạn trí nhớ, thậm chí là rối loạn về ý thức. Về dinh dưỡng, nhiều người, nhiều gia đình đã giảm lượng tiêu thụ lương thực, thực phẩm, thay đổi khẩu phần bữa ăn, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, nhất là sự phát triển của trẻ em. Nhiều người cũng gặp phải khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế hiện nay và ngay cả trong thời gian khi có dịch xảy ra, không tránh khỏi tâm lý lo sợ, hoảng loạn của người bệnh và gia đình do không có tư vấn, không có nhân viên y tế thăm khám kịp thời.../.

TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất