Các tỉnh vùng Tây Bắc (Điện Biên, Sơn La, Lai Châu) là những địa phương
có cuộc sống “đắt đỏ” nhất trong 7 khu vực của cả nước, trong giai đoạn
từ năm 2012 đến năm 2014.
Công bố trên được đưa ra từ Báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (2010-2014) do Tổng cục Thống kê thực hiện.
Theo đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long có chỉ số giá sinh hoạt thấp nhất
(thứ 7) trong cả nước và vùng đồng bằng sông Hồng cũng ở mức thấp (xếp
thứ 5 tại các năm 2010 đến 2012 và xếp thứ 6 tại năm 2013, năm 2014).
Cụ thể, vùng Tây Bắc cao hơn vùng Đồng bằng sông Hồng ở hầu hết các nhóm
hàng, đặc biệt là các nhóm hàng, đặc biệt là các nhóm hàng may mặc, vật
liệu xây dựng, giao thông và thiết bị đồ dùng gia đình… với mức giá
bình quân cao hơn từ 2% đến 9%.
Phân tích về sự chênh lệch này, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống
kê phân tích, chi phí lưu thông là một trong những yếu tố tác động đến
mức giá của các mặt hàng thiết yếu khác nhau trong vùng, thể hiện qua
chỉ số giá nhóm giao thông của vùng Tây Bắc cao hơn cả nước từ 2%-4% ở
tất cả các năm.
Về tỉnh thành, khi chọn Hà Nội làm gốc so sánh, thì Thành phố Hồ Chí
Minh là địa phương có chỉ số giá sinh hoạt cao nhất cả nước trong năm
2010-2012. Tuy nhiên sang đến năm 2013 và 2014, Thành phố Hồ Chí Minh đã
lần lượt tụt xuống mức xếp hạng thứ 4 và thứ 6 trong cả nước về sự “đắt
đỏ”.
Nơi có chỉ số giá sinh hoạt “dễ thở” nhất trong cả nước thuộc về tỉnh
Trà Vinh (trong đó thấp nhất là giá hàng hóa và dịch vụ ăn uống), Thái
Bình là tỉnh có mức giá thấp thứ hai, chỉ số giá sinh hoạt không gian so
với mức giá chung của Hà Nội tương ứng 79,4% và 83,2%./.
Theo VietNam+