Chủ Nhật, 6/10/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 12/5/2009 21:0'(GMT+7)

Các trường sư phạm phải đi đầu về đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.

Các ý kiến tham luận tại Hội nghị cho rằng: Trong những năm qua tình trạng giáo viên thiếu về số lượng và yếu về chất lượng còn phổ biến, đặc biệt là ở bậc đại học, cao đẳng và khối dạy nghề. Khối đại học hiện còn thiếu 20.000 giáo viên. Khối các trường dạy nghề tính đến 2015 còn thiếu khoảng 10.000 giáo viên. So với yêu cầu đặt ra là 40% giảng viên đại học đạt trình độ thạc sĩ và 25% trình độ tiến sĩ thì vẫn còn một khoảng cách khá xa. Chỉ có thực hiện các giải pháp tập trung và đồng bộ quyết liệt thì nhanh nhất là 5 - 7 năm tới mới có thể giải quyết được vấn đề mất cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ của đội ngũ nhà giáo.

Hội nghị sơ kết lần này là dịp để các địạ phương trên cả nước học hỏi kinh nghiệm, sáng kiến về vấn đề đổi mới tổ chức cán bộ và quản lý cơ sở giáo dục. Đà Nẵng đã tổ chức thi tuyển và bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục, thành phố Hồ Chí Minh ngoài việc chú trọng tổ chức đội ngũ giảng viên chính, đã mở rộng đào tạo cho cả đội ngũ giám thị, bảo vệ, nhân viên tại các cơ sở giáo dục về kiến thức, tác phong sư phạm. Hội nghị cũng đã đề ra 4 nhóm giải pháp chính bao gồm đẩy mạnh các cuộc vận động, hoàn thiện chính sách, củng cố các cơ sở đào tạo sư phạm, và nâng cao năng lực của toàn hệ thống để tiếp tục đổi mới quản lý đội ngũ nhân sự trong ngành Giáo dục.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu: Các trường sư phạm phải là đầu tàu về đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để thúc đẩy hệ thống giáo dục quốc dân đi lên. Trong 2 năm tới phải chấm dứt tình trạng phương pháp giảng dạy lạc hậu theo kiểu đọc chép còn phổ biến trong các trường sư phạm. Ngay trong năm 2009, 2010, Bộ sẽ thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển hệ thống trường sư phạm do một Thứ trưởng trực tiếp phụ trách, thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường sư phạm, tạo sức mạnh tổng hợp nhằm xây dựng bộ giáo trình dùng chung tiến tiến, hiện đại của khối sư phạm. Sẽ tiến hành rà soát, đánh giá lại tổng thể chất lượng giáo viên, sinh viên, quy trình quản lý, đào tạo,... khối sư phạm, tiến tới xây dựng Quy chế quản lý giáo viên trong hệ thống sư phạm.

Phó Thủ tướng gợi ý, mỗi trường sư phạm cần xây dựng cơ chế liên kết với một tỉnh, thành phố để nắm được nhu cầu thực tế giáo viên trong tương lai của địa phương và có kế hoạch đào tạo cho phù hợp. Có như vậy, bài toán về giải quyết thiếu hụt đội ngũ giáo viên, mất cân đối về ngành nghề mới được giải quyết bền vững. Để tạo động lực cho mỗi giáo viên không ngừng vươn lên, Phó Thủ tướng nêu kinh nghiệm của các trường đại học hàng đầu thế giới là tổ chức cho sinh viên đánh giá giảng viên.

Được biết, trong thời gian tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành Chỉ thị về phát triển đội ngũ nhà giáo đồng thời Chính phủ sẽ sớm phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề.

Theo Bộ GDĐT, sau 3 năm thực hiện Quyết định số 9/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến năm học 2007 - 2008, cả nước có 1.055.078 nhà giáo; tăng 79.800 nhà giáo (7,56%) so với năm học 2004 - 2005. Trong đó, giáo viên mầm non là 172.978 người, chiếm tỷ lệ 16,38%; giáo viên tiểu học là 344.853 người, chiếm 32,66%; THCS là 312.759, chiếm tỷ lệ 29,62%; THPT là 134.248, chiếm tỷ lệ 12,71%; giáo viên Trung tâm giáo dục thường xuyên là 15.096, giảm 1.767 người; giáo viên dạy nghề là 20.190, chiếm 1,90% và số giảng viên tại các trường đại học là 38.217 người, chiếm 3,61%. Tuy số giáo viên có tăng lên nhưng do cơ cấu không đồng bộ nên ở một số môn học vẫn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên như các môn Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ ở giáo dục phổ thông.


Theo Chinhphu.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất