Thứ Năm, 7/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 18/8/2010 15:13'(GMT+7)

Cách mạng Tháng Tám trong con mắt các chuyên gia Pháp

Các chuyên gia, học giả Pháp nghiên cứu về Việt Nam

Các chuyên gia, học giả Pháp nghiên cứu về Việt Nam

Trong suốt thời gian qua, chiến thắng của Cách mạng tháng Tám (1945) luôn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu quốc tế. Thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám đặc biệt có ý nghĩa không chỉ đối với dân tộc Việt Nam, mà còn tác động cả tới nhiều nước thuộc địa trên thế giới khi đó. Những nhận xét, đánh giá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu người Pháp trao đổi với PV Việt Nam đã nói lên sự quan tâm, đánh giá cao của họ đối với Cuộc cách mạng này.

Với nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và sử gia người Pháp, thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám của dân tộc Việt Nam là sự kiện đặc biệt ấn tượng. Họ thực sự quan tâm và dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu. Một trong những chuyên gia người Pháp được nhiều người biết tới là Nhà sử học Alain Ruscio. Ông đã có trên 15 tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam, các cuộc kháng chiến, về cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 của dân tộc Việt Nam.

Nhà sử học Alain Ruscio
Đã hơn 30 năm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, càng đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu, nhà sử học Alain Ruscio càng thấy những điều hấp dẫn và cảm phục trước những thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến, đặc biệt là thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945: “Chiến thắng năm 1945 của Việt Nam không chỉ là sự kiện gây bất ngờ, mà đó cũng là sự tất yếu mang tính logic trong lịch sử phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam là dân tộc đầu tiên trong số các dân tộc trên thế giới bị thực dân Pháp đô hộ đã thành công trong cuộc khánh chiến của mình. Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 đã có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào đấu tranh đòi độc lập của các nước thuộc địa trên thế giới lúc bấy giờ, nhất là các nước ở châu Phi. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có vai trò quan trọng, là người đầu tiên tuyên bố độc lập của một nước thuộc địa”.

Nhà sử học Alain Ruscio còn phân tích, sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, chủ nghĩa thực dân vẫn còn tồn tại. Khi đó, 1/3 các dân tộc trên thế giới phải sống dưới sự chiếm đóng của thực dân Pháp, Anh và Bồ Đào Nha. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam là một tấm gương, là biểu tượng của quá trình đấu tranh giành độc lập. Các dân tộc bị đô hộ cần phải lên tiếng.

Nhà báo Daniel Roussel
Với nhà báo, nhà nghiên cứu người Pháp Daniel Roussel, lịch sử Việt Nam cũng là đề tài đặc biệt trong sự nghiệp của ông. Nhà báo Daniel Roussel đã nhiều lần đến Việt Nam và có nhiều tác phẩm, hình ảnh về đất nước, con người, lịch sử Việt Nam và các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm giành độc lập dân tộc của Việt Nam, trong đó, cuộc Cách mạng tháng Tám là nội dung được nhà báo Daniel Roussel đặc biệt quan tâm: “Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 là biểu tượng của cuộc đấu tranh kỳ kiệu của nhân dân Việt Nam để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Sự kiện này còn là biểu tượng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, đồng thời khẳng định quyền làm chủ vận mệnh của dân tộc Việt Nam”.

Đối với nhà báo Daniel Roussel, những cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ để giành độc lập tự do cho dân tộc của nhân dân Việt Nam thực sự đáng khâm phục. Với những chiến lược tài ba của các nhà lãnh đạo Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã giành được những thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, trong đó dấu mốc quan trọng là thành công của cách mạng tháng Tám.

Chuyên gia sử học Francis Andreau cũng là người có nhiều gắn bó với lịch sử Việt Nam. Với ông, dân tộc Việt Nam đã làm nên điều kỳ diệu, quyết định vận mệnh và tương lai của mình: “Nổi bật trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 là sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nắm bắt được tình hình thế giới, tận dụng thời cơ, phối hợp hành động, đồng thời tạo ra sức mạnh tổng hợp”.

Nhà nghiên cứu sử học Gilbert School

Thay cho lời kết, chúng tôi xin trích nhận xét của Nhà nghiên cứu sử học Gilbert School – người cũng đã có thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông khẳng định: Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam là sự kiện đánh dấu thời điểm quan trọng trong lịch sử Việt Nam, phản ánh cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam chống giặc ngoại xâm, đánh dấu bước chuyển sang thời kỳ mới. Thành công của Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam còn có ý nghĩa quốc tế, nhất là đối với nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới vào thời điểm đó, mở đầu cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa.

Thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, các chuyên gia, nhà nghiên cứu càng hiểu và khâm phục thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, trong đó có thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945./.

Theo Văn Anh (PV VOVNews từ Paris) 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất