Thứ Năm, 7/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 23/7/2010 16:48'(GMT+7)

Hiện đại và hành động-khâu đột phá về công tác tư tưởng trước yêu cầu mới

GS.TS Phùng Hữu Phú (Ảnh TD)

GS.TS Phùng Hữu Phú (Ảnh TD)

 Có nhiều vấn đề đặt ra đối với ngành tuyên giáo, nổi bật là hai vấn đề sau đây:


1. Đi nhanh và hiện đại:

Chúng ta sẽ phải đối đầu với những thách thức gay gắt hơn, quyết liệt hơn rất nhiều so với trước trên lĩnh vực tư tưởng. Quá trình hội nhập sâu và trực tiếp vào đời sống kinh tế quốc tế cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nhất là Internet ngày càng phổ biến. Sự cọ xát, đấu tranh tư tưởng sẽ diễn ra hàng ngày. Các trào lưu, các khuynh hướng tư tưởng, các loại thông tin đa chiều, trái chiều theo nhiều hình thức sẽ xâm nhập vào đất nước ta, tác động trực tiếp hàng ngày, hàng giờ vào tư tưởng, tâm lý, tình cảm, lối sống của con người Việt Nam. Sự chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước ngày càng điên cuồng, ác độc và tinh vi hơn. Chúng đang và sẽ tiếp tục tăng cường cuộc chiến tranh tâm lý, thông tin nhằm tấn công Đảng Cộng sản, đánh sập niềm tin của nhân dân đối với Đảng, phân hoá, chia rẽ nội bộ ta.

Do đó, yêu cầu bảo vệ trận địa tư tưởng, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc đặt ra thường xuyên, rất quyết liệt và trực tiếp, đòi hỏi công tác tư tưởng phải nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân vững vàng, tin tưởng.

Muốn hoàn thành nhiệm vụ, người làm công tác tuyên giáo phải nhanh nhạy nắm bắt đầy đủ các nguồn thông tin, tỉnh táo xử lý thông tin, đủ tầm để định hướng thông tin. Trước vô vàn các hướng thông tin, các loại thông tin rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, cán bộ, đảng viên, nhân dân rất cần biết đâu là thông tin đúng, tin cậy, đâu là thông tin sai, thông tin giả cần cảnh giác. Trách nhiệm của người làm tuyên giáo là phải giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu đúng bản chất các vấn đề, các sự kiện quan tâm bằng các thông tin chuẩn xác, đầy sức thuyết phục. Như vậy, kiên định, vững vàng thôi chưa đủ, phải thiết kế và làm chủ các phương pháp thông tin, tập hợp nhanh nhất các nguồn thông tin, xử lý và cung cấp kịp thời thông tin định hướng tới công chúng. Bí quyết thành công là ở đó, cái mới của tuyên giáo là ở đó. Cán bộ tuyên giáo trong thời đại bùng nổ thông tin không chỉ cần vững vàng, kiên định về lập trường tư tưởng, mà phải đi nhanh và hiện đại.

2. Tuyên giáo hành động:

Ở trong nước, cùng với sự phát triển ngày càng sâu kinh tế thị trường định hướng XHCN, cùng với hội nhập ngày càng trực tiếp vào kinh tế thế giới, bên cạnh những yếu tố tích cực, sẽ xuất hiện một xu thế khách quan là sự phân hoá về thu nhập, tiến tới sự phân hoá về lợi ích và sự phân hoá về xã hội. Nếu chúng ta không có những giải pháp thật sự khoa học nó sẽ hình thành các nhóm xã hội khác nhau. Mà sự hình thành các nhóm lợi ích khác nhau, các nhóm xã hội khác nhau chính là tiền đề để hình thành các khuynh hướng, các xu thế tư tưởng khác nhau. Đây là một thách thức rất lớn đối với vấn đề củng cố khối đại đoàn kết, sự đồng thuận xã hội. Công tác tư tưởng phải nhận lãnh trách nhiệm làm việc này.

Bên cạnh những tác động mang tính chất truyền thống như thông tin nhiễu, thông tin trái chiều... những tác động tiêu cực tới tâm trạng, tư tưởng của xã hội, cán bộ, dảng viên và nhân dân xuất phát từ chính thực tiễn của đời sống, đặc biệt trên một số lĩnh vực như: giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai; ô nhiễm môi trường; khai thác tài nguyên, an toàn thức phẩm, điều kiện học tập, khám, chữa bệnh... Giải quyết những công việc cụ thể không mang lại lợi ích cho người dân, hoặc chưa rõ lợi ích cho người dân sẽ dẫn tới nảy sinh tư tưởng và bức xúc.

Để đáp ứng được những đòi hỏi rất mới đó, công tác tư tưởng nhất thiết phải gắn bó chặt chẽ với hiện thực đời sống, lấy thực tiễn là cái gốc. Đồng thời cán bộ tư tưởng phải tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề đang bức xúc.


Đồng chí Phùng Hữu Phú thăm hỏi công nhân viên nông trường thuộc tỉnh Đăk Lăk


Sau Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới, Trung ương đã quyết định, các cơ quan làm công tác tư tưởng - cụ thể là Ban Tuyên giáo các cấp, sẽ ký quy chế phối hợp công tác với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp và phải cử cán bộ tham gia vào việc triển khai các chương trình, các dự án để: một là, làm tốt công tác tư tưởng; hai là, từ đó phát hiện những vấn đề cần phải sơ kết, tổng kết, cần phải bổ sung lý luận.

Công tác tư tưởng nếu thoát ly khỏi hoạt động thực tiễn thì hiệu quả sẽ rất thấp, bởi vì làm tư tưởng bây giờ không phải làm ở hội nghị mà là ở đời sống thực tiễn hàng ngày. Những hội nghị vẫn là cần thiết nhưng chưa đủ. Công tác tư tưởng phải đi vào đời sống và không dừng lại ở việc bám sát thực tiễn, mà phải chủ động tham gia vào quá trình giải quyết các mâu thuẫn phát sinh. Kinh tế tăng trưởng, nhà ở cho công nhân được xây dựng, thực phẩm được an toàn... những cái đó có tác dụng làm công tác tư tưởng nhiều hơn những hội nghị bàn về công tác tư tưởng. Chính vì vậy, người làm công tác tư tưởng không thể đứng ngoài cuộc, phải tham gia trực tiếp vào thực tiễn, biến tư tưởng thành một mắt xích, một khâu quan trọng trong cả một quy trình vận động kinh tế - xã hội của đất nước.

3. Với mục đích nêu trên, xét đề nghị của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư khoá X đã ra Quyết định số 153-QĐ/TW, ngày 21 tháng 4 năm 2008 ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương với ban cán sự đảng, đảng đoàn các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương thuộc lĩnh vực tuyên giáo và các cơ quan liên quan. Một năm sau đó, ngày 27 tháng 4 năm 2009, Ban Bí thư tiếp tục ra Quyết định số 221-QĐ/TW ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân.

Ngày 30 tháng 10 năm 2009, Ban Tuyên giáo Trung ương ký và ban hành văn bản số 87-HD/BTGTW, hướng dẫn về việc thực hiện "Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân".

Từ đó đến nay, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ký kết các chương trình phối hợp công tác với nhiều bộ, ngành, cụ thể: Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, sắp tới Ban sẽ tiếp tục ký kết các chương trình phối hợp công tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ và một số cơ quan khác.

Việc Ban Tuyên giáo Trung ương ký kết quy chế phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân, cũng như ký kết các chương trình phối hợp công tác với các bộ, ngành là phương thức thuận lợi để tuyên giáo có thể thực hiện yêu cầu dự báo, thực hiện và giải quyết các vấn đề của thực tiễn, có khả năng tác động tới tư tưởng của xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Việc ký kết bước đầu tạo chuyển biến trong mối quan hệ công tác. Tăng tính tích cực từ cả hai phía. Một mặt, nêu cao trách nhiệm làm công tác tư tưởng là của toàn Đảng, của các cấp uỷ và mỗi tổ chức đảng. Mặt khác, tăng tính chủ động và tạo điều kiện để công tác tư tưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương bám sát, đi sâu vào thực tiễn.

Ban Tuyên giáo Trung ương coi đây là mắt xích quan trọng của khâu đột phá để gắn kết trực tiếp công tác tư tưởng với quá trình lãnh đạo, quản lý đất nước, phát triển kinh tế - xã hội.

Thời kỳ mới, yêu cầu mới. Cán bộ tuyên giáo phải đổi mới, phải đầu tư thành người cán bộ tuyên giáo hiện đại và hành động./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất