Để có được chất xám khoa học loài nguời phải chi phí tốn kém rất nhiều lao động xã hội, mà chủ yếu là lao động phức tạp (đào tạo ra một nhà khoa học có tài năng chi phí cao hơn rất nhiều so với việc đào tạo ra một công nhân bình thường). Vì vậy, vấn đề quản lý, sử dụng, khai thác chất xám khoa học vào phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống và bảo vệ tổ quốc cũng như việc sản xuất và tái sản xuất ra chất xám khoa học đều phải dựa trên cơ sở tính toán hao phí lao động xã hội có như vậy mới phù hợp với quy luật giá trị - quy luật kinh tế khách quan của sản xuất và lưu thông hàng hoá tồn tại và hoạt động trong bất kỳ nền kinh tế thị trường nào.
Bất cứ chế độ xã hội nào có nền kinh tế hàng hoá (kinh tế thị trường) thì sức lao động là hàng hoá và chất xám khoa học tồn tại trong hàng hóa lao động cũng mang hình thái hàng hoá đặc thù quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của nền kinh tế, đặc biệt trong thời đại ngày nay - thời đại khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Vì vậy, quản lý và sử dụng chất xám khoa học ở nước ta đang đặt ra những vấn đề mới.
Ở Việt nam, trong thời kỳ cơ chế kinh tế bao cấp có quan niệm không đúng: không coi sức lao động là hàng hoá, do đó chất xám khoa học chứa đựng trong sức lao động cũng không được coi là hàng hoá đặc thù và không đối xử với nó như là hàng hoá; chúng ta đã đánh đồng lao động của các nhà khoa học với những người lao động bình thường trong việc trả thù lao và từ đó, chính sách phân phối cho tiêu dùng cá nhân lúc ấy cũng dường như coi lao động phức tạp ngang bằng với lao động giản đơn. Nhà khoa học hưởng lương không hơn gì những người lao động bình thường, thậm chí trong thu nhập thực tế còn thấp hơn. Vì vậy không động viên, khuyến khích được các nhà khoa học những người có tài năng đem hết sức mình cống hiến cho xã hội, cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống. Hơn 30 năm kể từ khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc, cơ chế kinh tế bao cấp, cùng với chính sách phân phối cào bằng, dẫn tới hậu quả nền kinh tế nước đã giẫm chân tại chỗ, tài năng của các nhà khoa học không được phát triển mà còn bị thui chột; tình trạng đó do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là chất xám khoa học không được quan tâm sử dụng đúng đắn và không xem nó là hàng hoá đặc biệt, nên việc trả thù lao cho lao động khoa học không ngang giá, không đủ để tái sản xuất ra ngày càng nhiều chất xám khoa học cho xã hội.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, thực hiện chủ trương chuyển nền kinh tế bao cấp sang kinh tế hàng hoá nhiều thành phần (kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa) vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để đưa nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đảng và nhà nước ta đã đổi mới nhận thức về vai trò hàng hoá sức lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời coi trọng việc sử dụng chất xám khoa học nhằm tạo ra động lực kinh tế mạnh thúc đẩy kinh tế hàng hoá phát triển, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Cùng với những nhận thức mới nói trên, Đảng và nhà nước đã từng bước có các chính sách mới, đặc biệt là chính sách về đào tạo bồi dưỡng cán bộ khoa học và đổi mới chính sách phân phối thu nhập qua tiền lương và phúc lợi xã hội, khắc phục sự sai lầm ở thời kỳ trước đây. Các chính sách mới đã có tác dụng động viên khuyến khích các nhà khoa học đem chất xám khoa học của mình phục vụ có hiệu quả cho xã hội, các thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học xã hội cũng như khoa học tự nhiên đã được xã hội ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và bảo vệ tổ quốc, đưa lại kết quả cao, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến và công nghiệp khai thác, góp phần đưa nền kinh tế nước ta có tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong thời gian qua bình quân từ 7,% - 7,5%/năm; đời sống nhân dân được cải thiện một bước lớn, lực lượng sản xuất không ngừng phát triển, trình độ dân trí được nâng cao. Riêng năm 2008 và 2009, tuy gặp khó khăn lạm phát, tăng giá, và tác động của sự khủng hoảng tài chính tiền tệ, suy thoái kinh tế toàn cầu, song kinh tế của nước ta vẫn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6,04%/ năm trong 2 năm 2008 - 2009.
Tuy nhiên, những chính sách mới nói trên vẫn còn những mặt hạn chế nhất định, chưa đủ độ tạo ra động lực mạnh cả về tinh thần và vật chất cũng như cải thiện môi trường lao động để kích thích các nhà khoa học và đội ngũ cán bộ trí thức tận tâm làm việc hết sức mình cống hiến cho xã hội. Ở một số thành phố lớn và khu kinh tế trọng điểm vẫn còn có những nhà khoa học và cán bộ trí thức vì thu nhập không đủ sống nên phải bỏ nghề cũ (dù họ không muốn) để đi tìm một việc làm mới có môi trường phù hợp và có thu nhập cao hơn để nuôi sống bản thân và con cái họ. Tình trạng hàng trăm giáo viên và cán bộ trí thức ở thành phố Hồ Chí Minh và một vài nơi khác xin thôi việc ở cơ quan cũ để đi tìm việc làm mới theo yêu cầu cuộc sống của họ, đã chứng minh những mặt còn hạn chế của chính sách đãi ngộ chưa hợp lý đối với lao động chất xám ở nước ta, cần phải được bổ sung hoàn thiện để khắc phục tình trạng “Chảy máu” chất xám ở ngay trong nội bộ nền kinh tế quốc dân.
Hiện nay, đứng trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tiếp thu kỹ thuật hiện đại của thế giới để tạo điều kiện mới đưa đất nước ta tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi chúng ta phải có đội ngũ cán bộ trí thức ngày càng đông về số lượng, giỏi về chuyên môn, nắm bắt được kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại, đồng thời vững vàng về chính trị, đáp ứng yêu cầu của cách mạng đặt ra trong giai đoạn mới.
Hội nghị lần thứ VII, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã thảo luận về vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Hội nghị đã ra Nghị quyết về “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng ta về coi trọng lực lượng trí thức - nhân tài của xã hội.
Ở nước ta hiện nay, để quản lý, sử dụng và khai thác tốt nhất chất xám khoa học đã có và sẽ có của xã hội vào công cuộc phát triển kinh tế và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vấn đề đặt ra với Đảng và nhà nước ta cần phải đổi mới chính sách khuyến khích và ưu đãi thích đáng với các nhà khoa học, đặc biệt là với những người có tài năng để họ cống hiến hết sức mình cho đất nước. Những chính sách ưu đãi, khuyến khích đó phải bao quát và giải quyết được một số nội dung cơ bản sau đây:
Một là, thu nhập của cán bộ khoa học, kỹ thuật làm việc có trách nhiệm, có hiệu quả dù ở lĩnh vực nào đều phải đảm bảo được mức sống ngang mức trung bình cao của xã hội và phấn đấu đạt mức cao hơn để họ không ngừng tái sản xuất ra sức lao động có chất lượng cao cả về thể chất và trí tuệ theo yêu cầu của nghề nghiệp đòi hỏi, góp phần thúc đẩy sự phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản lý doanh nghiệp giỏi và cán bộ khoa học đầu đàn. Đây là vấn đề mấu chốt nhất để quản lý, sử dụng và khai thác có hiệu quả chất xám khoa học phục vụ cho xã hội ở nước ta trước mắt cũng như lâu dài.
Hai là, tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều phối lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật theo yêu cầu của sự phát triển đồng đều nền kinh tế quốc dân trong cả nước, đặc biệt là đối với nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Ba là, quản lý, sử dụng và khai thác có hiệu quả chất xám khoa học ở tất cả các thành phần kinh tế hướng vào phục vụ mục tiêu chung: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh của Đảng và nhà nước đã đề ra.
Bốn là, thu hút được các nhà khoa học giỏi vốn là người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài về cống hiến tài năng cho xây dựng tổ quốc mình một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Năm là, tạo ra được mối quan hệ hợp tác lao động lành mạnh, chân thực, đồng cảm có hiệu qủa giữa lực lượng lao động khoa học kỹ thuật và các lực lượng lao động khác trong nước cũng như ngoài nước.
Sáu là, không để xảy ra tình trạng bị "chảy máu" chất xám khoa học do tác động về đời sống khó khăn của các nhà khoa học, đặc biệt là những nhà khoa học có tài năng lớn và các nhà khoa học trẻ có nhiều triển vọng đang cần thiết cho đất nước.
Bảy là, động viên và khích lệ được cán bộ khoa học, kỹ thuật tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước làm giàu thêm trí tuệ và khả năng phát minh sáng chế khoa học của mình vì xã hội và phục vụ cho xã hội. Phát hiện, tôn vinh, khen thưởng kịp thời những nhà khoa học có cống hiến nhiều cho đất nước.
"Chất xám khoa học" là một thứ tài sản quý giá đối với nước ta, trước mắt cũng như lâu dài. Nó phải được coi trọng và không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng để góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vì vậy, chính sách quản lý, sử dụng và khai thác "chất xám khoa học" phải được coi là một chính sách kinh tế - xã hội quan trọng nhất và thường xuyên được quan tâm hoàn thiện trong từng giai đoạn cách mạng của nước ta./.
- PGS, TS Cao Duy Hạ (Học viện CT- HCQG Hồ Chí Minh )