Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 9/8/2013 21:55'(GMT+7)

IAEA tuyên truyền về điện hạt nhân tại Ninh Thuận

Trong khuôn khổ Hội thảo quốc gia thông tin, tuyên truyền phát triển điện hạt nhân do Cục Năng lượng nguyên tử phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức tại Ninh Thuận, ngày 9/8, các chuyên gia về điện hạt nhân trong và ngoài nước tham dự hội thảo đều đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của chính quyền và cộng đồng địa phương trong việc triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Các chuyên gia đều đánh giá và cùng nhận xét nhận thức của chính quyền và cộng đồng tại địa phương quyết định sự thành bại của dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Chuyên gia quan hệ công chúng của Tập đoàn CEZ - Tập đoàn Điện lực Cộng hòa Séc, bà Maris Dufkova cho rằng trong quá trình triển khai chương trình điện hạt nhân mới, một loạt các tổ chức tham gia quá trình ra quyết định như các bộ phận trong Chính phủ, tổ chức vận hành/sở hữu nhà máy và các cơ quan có chức năng khác. Trong giai đoạn kế tiếp, chính quyền địa phương cũng được coi là một tổ chức tham gia ra quyết định và là một trong số các bên liên quan chính.

Bà Dufkova cho rằng không thể đánh giá thấp vai trò của cộng đồng địa phương, nhất là nơi vùng dự án. Việc cộng đồng địa phương được tham gia một cách thích hợp hoặc không tham gia vì bất cứ lý do gì đều có thể ảnh hưởng đến dự án.

Đối với Việt Nam, một vấn đề khá thuận lợi khi tiến hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân đó là được Quốc hội, Chính phủ quyết định, cơ quan chức năng (chủ đầu tư dự án) thực hiện là của Nhà nước nên trước khi tiến hành xây dựng, việc tham vấn, quan hệ công chúng để tạo sự đồng thuận là rất thuận lợi, không mất nhiều thời gian.

Bà Brenda Pagannone - Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhấn mạnh đối với bất cứ quốc gia nào đang xem xét hoặc đã vận hành nhà máy điện hạt nhân, truyền thông cởi mở với tất cả các bên liên quan cần đề cập tới các lợi ích của điện hạt nhân ở tầm quốc gia và ở phạm vi địa phương cũng như các rủi ro, cam kết và nghĩa vụ.

Cách tiếp cận trung thực đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng duy trì lòng tin và sự tin tưởng vào một chương trình điện hạt nhân. Sự tham gia của các bên liên quan tại địa phương cần được lên kế hoạch từ giai đoạn đầu tiên của quá trình điều tra địa điểm để tránh tạo cảm giác rằng cộng đồng địa phương bị ép phải tiếp nhận cơ sở hạt nhân mà không có cơ hội bày tỏ ý kiến.

Bà Brenda Pagannone cũng giới thiệu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới có nhà máy điện hạt nhân hoạt động, đã thực hiện tốt việc tham vấn, quan hệ công chúng, thu hút sự tham gia của các biên có liên quan, tạo thuận lợi cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng chính từ cơ sở thực tiễn này.

Theo ông Phạm Văn Trung, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử - Bộ Khoa học và Công nghệ, từ khi có Đề án 370/QĐ-TTg, ngày 28/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về "Thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, giai đoạn đến năm 2020," đây là hội thảo đầu tiên mang tầm quốc gia khởi động cho Đề án, thu hút đông đảo các Bộ, ngành, chủ đầu tư dự án, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, các chuyên gia điện hạt nhân và các cơ quan thông tin truyền thông cùng tham gia.

Hội thảo có 26 báo cáo trong và ngoài nước, báo cáo của các chuyên gia các nước có nhiều kinh nghiệm trong công tác quan hệ công chúng về điện hạt nhân, từ đó đã có nhiều bài học bổ ích được rút ra.

Qua đối thoại giữa các chuyên gia, các bên có liên quan, cơ bản đã tạo được lòng tin từ công chúng. Đây là cơ sở, là tiền đề để thông tin, tuyên truyền tốt tại Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn 2 bước vào khởi công nhà máy, nhất là khi có đề án Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Phạm Văn Trung nhấn mạnh với sự hỗ trợ của IAEA, hội thảo thực sự có ý nghĩa, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, không chỉ riêng ở tỉnh Ninh Thuận. Đây chính là thành công của hội thảo./.

TTX
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất