Thứ Sáu, 22/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 13/7/2018 14:38'(GMT+7)

Cải thiện thứ hạng Chỉ số đổi mới toàn cầu một cách bền vững

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Thứ hạng năm 2018 của Việt Nam đã cải thiện tăng 2 bậc so với năm 2017 và tăng 14 bậc so với năm 2016. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được từ trước đến nay.

Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao đổi các giải pháp để tiếp tục cải thiện thứ hạng trong chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam một cách bền vững.

- Xin ông cho biết ý nghĩa của Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) năm 2018?

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Chỉ số GII là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia và các nền kinh tế, được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới phối hợp với Trường kinh doanh INSEAD (Pháp) và Đại học Cornell (Hoa Kỳ) xây dựng lần đầu tiên vào năm 2007.

Phương pháp đánh giá được liên tục hoàn thiện qua các năm và là hệ quy chiếu toàn diện nhất để đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia và các nền kinh tế.

Năm 2018, việc tính toán chỉ số GII có thay đổi về phương pháp, cụ thể là thay đổi về số lượng chỉ số, nội hàm chỉ số và phương pháp tính toán chỉ số.

GII 2018 với 21 nhóm chỉ số và 80 tiểu chỉ số vẫn được chia thành 7 trụ cột chính với 5 trụ cột đầu vào là: thể chế vĩ mô, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, thị trường và môi trường kinh doanh và hai trụ cột đầu ra là: sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo. Những trụ cột có điểm kết quả tăng trong lần công bố này gồm: thể chế, trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển của kinh doanh, sản phẩm sáng tạo, nguồn nhân lực và nghiên cứu…

Năm 2018, Việt Nam cùng với Malaysia, Thái Lan, Indonesia tiếp tục nâng cao thứ hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo trong khu vực ASEAN, trong đó Việt Nam xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và xếp trên Brunei, Philippines, Indonesia và Campuchia.

Việt Nam được đánh giá là nước vượt trội về chỉ số đổi mới sáng tạo so với trình độ phát triển, đứng đầu trong ASEAN về đầu tư cho giáo dục và đạt được những kết quả tốt ở các chỉ số về tăng trưởng năng suất lao động, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

So sánh trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, Việt Nam giành điểm cao ở cả 7 trụ cột quyết định chỉ số đổi mới sáng tạo.

- Việt Nam đã cải thiện tăng 2 bậc so với năm 2017 và là thứ hạng cao nhất từ trước tới nay. Xin ông chia sẻ quá trình đạt được kết quả này?

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Kết quả chỉ số GII năm 2018 là minh chứng quan trọng cho việc chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.

Năm 2018, thể chế vĩ mô tiếp tục được cải thiện đáng kể, điển hình như chỉ số về nâng cao hiệu quả Thực thi pháp luật tăng mạnh từ hạng 74 lên hạng 57; chỉ số về môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện tăng 10 bậc. Nhóm chỉ số về trình độ thị trường tiếp tục có sự cải thiện với chỉ số về tín dụng, tăng từ hạng 17 lên hạng 15. Những chỉ số này thể hiện sự chỉ đạo và những giải pháp của Chính phủ trong việc đảm bảo kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, cùng các giải pháp tập trung vào giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng định hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

GII năm 2018 cho thấy nhóm chỉ số về trình độ kinh doanh tăng 7 bậc - nhóm có sự cải thiện thứ hai sau thể chế.

Đáng chú ý, chỉ số Chi cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng 23 bậc lên thứ 13, chỉ số chi cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp tăng 4 bậc lên thứ 48 và chỉ số hợp tác Đại học và Doanh nghiệp tăng 17 bậc lên thứ 59. Đây đều là những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp, phát triển dựa trên hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) và đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, với chỉ số mới về sáng tạo trực tuyến là chỉ số tạo ứng dụng di động, Việt Nam được xếp hạng 16, thay cho vị trí thứ 52 về tải video lên youtube năm 2017.

Những kết quả đạt được trước hết là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và toàn diện của Chính phủ trên mọi lĩnh vực thể hiện tại một số văn bản chỉ đạo, điều hành như: Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Nghị quyết 19 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.... góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo chuyển đổi mô hình tăng trưởng, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới, thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra nhu cầu để doanh nghiệp đổi mới công nghệ nhanh hơn, mạnh hơn, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự hỗ trợ tích cực, kịp thời về kỹ thuật của WIPO trong việc đánh giá, đưa ra bức tranh toàn diện về hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Đây là kết quả tích cực cho những cố gắng của Việt Nam trong năm và cần tiếp tục cố gắng trong thời gian tới.

- Để tiếp tục cải thiện thứ hạng trong chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam một cách bền vững, Việt Nam có các giải pháp gì, thưa ông?

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Để tiếp tục cải thiện thứ hạng trong chỉ số đổi mới sáng tạo một cách bền vững, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cả các yếu tố đầu vào và đầu ra của đổi mới sáng tạo, đặc biệt lưu ý cải thiện các nhóm chỉ số về môi trường kinh doanh, thị trường vốn và đầu tư, ứng dụng tri thức và công nghệ.

Theo đó, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ ban hành ngày 15/5/2018 về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo nhằm tạo sức bật mới trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời, tạo cơ hội trong thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đồng thời, sớm hoàn thành Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia Việt Nam để làm động lực thúc đẩy việc thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam trong những năm tới.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao những kết quả đạt được thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề xuất một số giải pháp tập trung cải thiện những chỉ số mà Việt Nam đang được xếp vào nhóm yếu hoặc có xu hướng giảm những năm gần đây.

Tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả thực thi các chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về cải thiện thế chế, đặc biệt là Nghị quyết 01, Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ đến tất cả các cấp bộ, ngành, địa phương. Trong đó, tập trung khắc phục những hạn chế về tạo thuận lợi giải quyết phá sản doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho khởi sự kinh doanh và cải thiện chất lượng các quy định pháp luật.

Bộ xây dựng, trọng dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật mạnh, kết hợp đồng thời biện pháp động viên, khuyến khích và đặt yêu cầu trở lại đối với đội ngũ. Trong đó, quan tâm đầu tư, phát triển các trường đại học theo định hướng nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng nghiên cứu và hợp tác quốc tế.

Bộ đặc biệt chú trọng đến việc tái cơ cấu các ngành nghề sản xuất, kinh doanh với định hướng nâng cao hàm lượng nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, tạo ra nhiều hơn các việc làm thâm dụng tri thức trong bối cảnh Việt nam đang tích cực, chủ động tiếp cận cuộc các mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời, tiếp tục coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia cùng với các giải pháp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là chủ thể đi đầu trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học đăng ký sáng chế, hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên tài sản trí tuệ.

Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chính sách đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, những giải pháp tăng cường các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường công nghiệp văn hoá toàn cầu.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn có 7 chỉ số chưa có dữ liệu để đánh giá (trong đó có 3 chỉ số liên quan tới giáo dục) và 9 chỉ số có dữ liệu chưa cập nhật. Vấn đề này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đôn đốc các bộ, cơ quan liên quan tìm giải pháp khắc phục./.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất