Tham nhũng về bản chất là một loại tội phạm tài chính. Việc làm rõ nguồn gốc, cơ chế phát sinh các dòng tiền, công khai, minh bạch tài sản đóng vai trò thiết yếu trong kiểm soát, đẩy lùi tham nhũng.
Ngày 24/10, tại Hà Nội đa diễn ra Hội thảo khu vực lần thứ 11 “Truy tìm dòng tiền bất hợp pháp, thu hồi tài sản và kê khai tài sản” do Sáng kiến ADB/OECD về chống tham nhũng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Thanh tra Chính phủ Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tại hội thảo, 30 nền kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nhất trí tăng cường các hệ thống kê khai tài sản, không sử dụng hệ thống tài chính nhằm mục đích tham nhũng và đảm bảo có thể truy tìm và thu hồi tài sản tham nhũng.
Hội thảo nhận định: Tham nhũng về bản chất là một loại tội phạm tài chính. Việc làm rõ nguồn gốc, cơ chế phát sinh các dòng tiền, công khai, minh bạch tài sản đóng vai trò thiết yếu trong kiểm soát, đẩy lùi tham nhũng.
Các đại biểu đã đề ra các giải pháp nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tham những trong thời gian tới như: xây dựng các hệ thống kê khai tài sản toàn diện, có hiệu quả nhằm quản lý xung đột lợi ích, hành vi làm giàu bất hợp pháp của cán bộ, công chức và người có trách nhiệm quản lý tài sản công; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, pháp lý để cho phép tiến hành việc kiểm tra, xác minh và đánh giá bản kê khai trên cơ sở áp dụng các thành tựu công nghệ mới.
Các đại biểu cũng đề nghị cần đảm bảo thực thi chế tài xử lý người kê khai không trung thực nhằm tăng cường độ tin cậy của các hệ thống kê khai và trách nhiệm giải trình của người kê khai; sử dụng chuyên gia và nguồn lực thích đáng để kiểm soát được các thủ đoạn che giấu tài sản ngày càng tinh vi; tăng cường chia sẻ thông tin, hợp tác điều tra trong nước và quốc tế.
Sáng kiến ADB/OECD về chống tham nhũng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được thành lập năm 1999 nhằm giúp các Chính phủ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đạt được các tiêu chuẩn phòng, chống tham nhũng quốc tế. Kế hoạch Hành động về Phòng, chống tham nhũng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Sáng kiến đặt ra các mục tiêu và tiêu chuẩn chống tham nhũng trong khu vực.
Hiện đã có 30 quốc gia và nền kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thông qua Kế hoạch và nhất trí về các cơ chế thực hiện Kế hoạch nhằm đạt các tiêu chuẩn đã đề ra. Kế hoạch khuyến khích xây dựng nền hành chính công hiệu quả và minh bạch, các hành động chống hối lộ mạnh mẽ và tính liêm chính trong hoạt động kinh doanh. Kế hoạch này phù hợp với các mục tiêu của Công ước OECD về chống hối lộ công chức nước ngoài trong các giao dịch kinh doanh cũng như Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
30 quốc gia và vùng lãnh thổ và nền kinh tế thành viên Sáng kiến là: Ốtxtrâylia; Băng-la-đét; Bu-tan; Cam-pu-chia; CHDCND Trung Hoa; Đảo Cook; Đảo Fiji; Trung Quốc; Ấn Độ; Hồng Kông (Trung Quốc), In-đô-nê-xia; Nhật Bản; CH Ka-zắc-xtan; Hàn Quốc; CH Kyrgyz; Ma-cao, Trung Quốc; Ma-lai-xia; Mông Cổ; Nê-pan; Pa-kít-xtan; CH Pa-lau; Papua Niu Ghi-nê; Phi-líp-pin; Sa-moa; Xin-ga-po; Đảo Sô-lô-môn; Sri Lan-ca; Thái Lan; Timo Leste; Va-nu-a-tu; và Việt Nam./.
Theo TTXVN