Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 28/2/2009 19:52'(GMT+7)

Cảm nghĩ sau khi đọc cuốn sách “ Chuyện kể về một gia đình liệt sỹ”

Nhà giáo Lê Thị Băng Hải và tác giả cuốn sách

Nhà giáo Lê Thị Băng Hải và tác giả cuốn sách

Hoàng Liêm thuộc lớp thanh niên lớn lên đã phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và quyết tâm thống nhất đất nước của dân tộc ta. Hoàng Liêm đã cùng bạn bè thầy cô đội mũ rơm đi học. Những năm anh học trung học phổ thông( trường cấp 3 Thạch Thất), đế quốc Mỹ ném bom dữ dội miền Bắc, trường phải sơ tán, các lớp học đặt nửa nổi nửa chìm trong lòng đất, núp dưới bóng tre làng.

Tâm hồn Hoàng Liêm, nhạy cảm, anh học khá môn văn nên cảm thụ văn học rất sâu sắc, phong phú. Anh sống tình nghĩa, nồng hậu với bạn bè và mọi người. Anh lớn lên, tiếp thu nền giáo dục mới XHCN và hình thành nhân cách của người thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh.

Sách của Hoàng Liêm đúng như tên gọi “ Chuyện kể về một gia đình liệt sỹ”, một gia đình anh hùng mà một trong những liệt sỹ của gia đình ấy là đồng đội thân yêu của Hoàng Liêm. Chuyện được kể chân thành, giản dị, dễ nghe, dễ xem, dễ hiểu, dễ cảm, dễ nhớ, dễ hình dung làm cho người đọc như đã cùng sống với những người trong gia đình liệt sĩ ấy. Người đọc như được cùng ra mặt trận, cùng chứng kiến những khó khăn gian khổ, cùng vượt qua thử thách với Hoàng Liêm và những người chiến sỹ.

Chuyện kể mộc mạc mà sâu sắc. Hoàng Liêm rất trung thành ghi lại được nhiều chi tiết trong cuộc sống chiến đấu nên chuyện kể có sức sống động. Anh yêu đồng đội, gắn bó với đơn vị cùng cả đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu. Khi đồng đội hy sinh Hoàng Liêm đau buồn thương nhớ mãi không nguôi.

Hơn ba mươi năm sau ngày hòa bình, có đêm không ngủ Hoàng Liêm vẫn nhớ về đồng đội, anh đã thức dậy, viết bài thơ “Đêm nhớ” để tặng đồng đội – Những người không về sau cuộc chiến :

Đêm

Giật minh, tỉnh giấc

Một mình trằn trọc, nhớ đồng đội xưa

Ngoài hiên nhà tí tách những hạt mưa

Nhớ đến nao lòng những bạn hiền

không về sau cuộc chiến

Anh nhớ về từng người và từng chi tiết không quên của họ.

Đọc xong “ Chuyện kể về một gia đình liệt sỹ” tôi cảm ơn Hoàng Liêm không chỉ vì tình cảm của Hoàng Liêm đối với những người đã ngã xuống vì đất nước; Cũng không vì Hoàng Liêm đã nói hộ chúng ta lòng biết ơn đối với những gia đình liệt sĩ, những bà mẹ Việt Nam anh hùng; Mà tôi còn cảm ơn Hoàng Liêm vì anh đã ghi được vào chuyện kể của mình “ Thái độ sử lí các vấn đề của Thanh niên thời đại ngày ấy. Một thái độ đúng đắn, chính xác”

Thế hệ ấy:

- Khi đi học rất ham học, chịu đựng và vượt qua mọi gian khổ để học giỏi.

- Khi giặc Mỹ ném bom Miền Bắc các trường Đại học phải vào rừng, sinh viên vừa làm trường vừa học và nghiên cứu khoa học - Thế hệ này đã biết sử dụng vũ khí hiện đại để đánh thắng trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội.

- Khi đồng bào miền Nam kêu gọi, quân thù buộc ta phải cầm súng, dù rất lưu luyến giảng đường họ vẫn không do dự “Xếp bút nghiên” lên đường ra trận.

“ Chuyện kể về một gia đình liệt sỹ” của Hoàng Liêm cùng với các câu chuyện về Lê Mã Lương, Trịnh Tố Tâm, nhật ký Đặng Thùy Trâm, đã làm rõ tư cách công dân, thái độ và cách xử lí vấn đề của thế hệ thanh niên đối với đất nước ngày ấy. Họ rất yêu hòa bình ( như lời chị Vượng thường hát) nhưng họ không nhân nhượng kẻ thù.

Cảm ơn Đảng Cộng Sản Việt Nam đã lãnh đạo để thế hệ này đã làm tròn nghĩa vụ của họ đối với đất nước. Họ là cả một thế hệ công dân ưu tú đã giải quyết rất đúng đắn vấn đề của đất nước và của thời đại. Cách xử lý đúng đắn ấy tô đậm thêm truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất của dân tộc ta.

Lịch sử đất nước đã sang trang. Tôi hy vọng những tác phẩm như “ Chuyện kể về một gia đình liệt sỹ” sẽ tạo sức mạnh cho thế hệ thanh niên ngày nay vươn lên đủ trí tuệ, đủ nghị lực dưới sự lãnh đạo của Đảng là một thế hệ công dân đủ tư cách giải quyết được đói nghèo, những gì còn bất công, lạc hậu của đất nước.

Tôi mong có nhiều bạn, nhất các bạn trẻ đọc cuốn sách này để phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ tiền bối, ra sức học tập, sáng tạo để tiếp tục xây dựng đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như lòng mong muốn của Bác Hồ.

Nhà giáo Lê Thị Băng Hải

Nguyên phó giám đốc sở Giáo dục Hà Sơn Bình(cũ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất