Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 12/2/2009 21:8'(GMT+7)

Một sự xuyên tạc xấu xa

Việt Nam không cản trở hoạt động của các nhà báo

Việt Nam không cản trở hoạt động của các nhà báo

Hôm qua 11/2, trong bản phúc trình năm 2008 của Ủy ban Bảo vệ Ký giả, gọi tắt là CPJ, có trụ sở tại New York (Hoa Kỳ), Tổ chức này cho rằng, năm qua, tình trạng đàn áp ký giả diễn ra khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hơn thế, Tổ chức này còn đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc về tình hình báo chí, đặc biệt là hoạt động internet, blog ở Việt Nam.

Trong bản phúc trình này, CPJ xếp Việt Nam vào nhóm các nước mà họ gọi là “tấn công, đàn áp báo giới”. Tổ chức này cho rằng, cơ sở của nhận định đó là trong năm qua, Việt Nam đã “đàn áp nhiều ký giả, những người viết nhật ký trên mạng (tức blogger)”, “vô cơ bắt giam và thu hồi thẻ nhà báo của một số phóng viên”; rằng, “Việt Nam ngăn chặn mọi trang web và những tài liệu trên mạng”…

Cần phải nói ngay rằng, đây là những luận điệu vu cáo bịa đặt xấu xa, hoàn toàn vô căn cứ, bất chấp sự thật ở Việt Nam. Mặc dù, chưa phải là đất nước có nền công nghệ thông tin hiện đại và phát triển, nhưng Việt Nam cũng nhận thức được tầm quan trọng và những tiện ích to lớn của internet, đặc biệt là phương tiện truyền thông điện tử trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Vì thế, ngay từ năm 1997, Việt Nam đã tham gia mạng thông tin toàn cầu, chủ trương phát triển mạnh ứng dụng internet và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo điện tử phát triển.

Với tốc độ phát triển nhanh chóng (tăng gần 33% mỗi năm), hiện nay, ở Việt Nam đã có trên 70 tờ báo điện tử và hàng ngàn trang thông tin điện tử, hàng chục nhà cung cấp dịch vụ và kết nối internet và 50 nhà cung cấp thông tin và báo điện tử trên internet. Đặc biệt, những năm gần đây, đông đảo người dân, nhất là thế hệ trẻ, còn sử dụng internet để trao đổi thông tin cá nhân qua hình thức blog.

Rõ ràng, ở Việt Nam ngày nay, Internet đã và đang trở thành phương tiện hữu ích và được sử dụng rộng rãi, không chỉ phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và còn đáp ứng cả như cầu cuộc sống hàng ngày của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, internet, nhất là mạng thông tin toàn cầu cũng có những hạn chế, tiêu cực. Trong đó đáng chú ý nhất là mạng thông tin này đã không có một sự quản lý chung nào. Vì thế, trên các trang web, báo điện tử, ngoài những thông tin tích cực, có không ít thông tin mang nội dung không lành mạnh.

Theo thống kê của các chuyên gia công nghệ thông tin, có tới gần 5% số trang web trên mạng thông tin toàn cầu chứa đựng những nội dung khiêu dâm, kích động hằn thù, phân biệt chủng tộc, bài xích người nước ngoài, cổ vũ cho các hành động cực đoan.

Đối với Việt Nam, thời gian qua, còn có một số người, lực lượng không thiện chí đã đưa lên mạng những nội dung đồi trụy, phi nhân tính, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Hơn thế, một số thế lực, lực lượng còn phát tán trên mạng internet thông tin sai sự thật, xuyên tạc Đảng, Nhà nước Việt Nam, nhằm chống phá đất nước Việt Nam.

Đồng thời, thời gian qua, trong khi hầu hết đội ngũ những người làm báo Việt Nam đều nỗ lực hết mình, hoạt động vì sự nghiệp phát triển và phồn vinh của đất nước, có những phóng viên đã đưa những thông tin sai sự thật và có những hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm Luật báo chí. Những phóng viên này, vì thế, phải chịu những hình phạt của luật pháp và bị thu thẻ nhà báo. Đó là thể hiện tính nghiêm minh của Nhà nước pháp quyền và sự quản lý báo chí bằng pháp luật ở Việt Nam, không phải là cản trở những hoạt động báo chí của các nhà báo.

Để hạn chế những thông tin tiêu cực, xấu, độc, Việt Nam và ngay cả nhiều quốc gia khác, cũng phải có những biện pháp để ngăn chặn. Điều này thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo vệ chế độ, bảo vệ những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Việc CPJ coi những biện pháp chính đáng và cần thiết đó là sự tấn công, đàn áp báo chí là hoàn toàn sai trái. Vì thế, người ta có quyền nhận định rằng, CPJ đã đi ngược lại với tiêu chí của mình, là khách quan, tôn trọng sự thật, vì sự phát triển của báo chí các nước và trên thế giới./.

(Theo VOVNews)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất