Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 21/2/2009 20:54'(GMT+7)

Cần lắm việc quản lý Blog

  Blog – một dạng nhật ký trên mạng Internet - đang ngày càng trở nên phổ biến. Nhưng blog vốn là một nhật ký mở của nhiều người và trong thế giới phẳng Internet nó có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống xã hội. Vì thế, công cụ này cần một hành lang pháp lý để điều chỉnh mặt trái của nó.

Không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện quản lý blog được nhắc đi nhắc lại nhiều lần đến vậy. Blog du nhập vào nước ta từ năm 2004, để rồi tạo thành một trào lưu phát triển rầm rộ.

Như mọi thứ, blog cũng có tính 2 mặt. Theo quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông, blog được hiểu là trang thông tin điện tử cá nhân dùng để thể hiện những thông tin mang tính chất cá nhân phục vụ nhu cầu lưu trữ, trao đổi, chia sẻ với một nhóm người hoặc cộng đồng sử dụng Internet. Trang thông tin điện tử cá nhân được chủ thể trang đăng ký khởi tạo trên internet.

Rõ ràng, không ai có thể phủ nhận những lợi ích mà trang thông tin điện tử cá nhân đem lại trong việc trao đổi thông tin, chia sẻ ý tưởng.

Tuy nhiên, môi trường ảo cũng như cuộc sống thật ẩn chứa những mặt trái của nó. Tự do cá nhân, không có nghĩa là phơi bày đủ thứ chuyện riêng tư từ sex, cho đến kích động bạo lực… không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đạo đức của người Việt Nam. Tác hại của việc đưa ra những thông tin võ đoán, không chính thống về những vấn đề đại sự sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ thậm chí là nghiêm trọng tới lợi ích dân tộc.

Phơi bày quan điểm của mình không có nghĩa là nói xấu, bôi nhọ danh dự, phẩm chất của cá nhân và các tổ chức khác, gây mất đoàn kết trong cộng đồng, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia trên trường quốc tế.

Thực tế phát triển blog tại Việt Nam bộc lộ không ít mặt trái của nó, từ cảnh phim nóng của một diễn viên điện ảnh; chuyện kiện tụng tốn không ít giấy mực của một ca sỹ muốn nổi tiếng; cảnh riêng tư của một nhóm nữ sinh có quan điểm thoáng về sex cho đến những quan điểm cực đoan gây chia rẽ cộng đồng, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia… Thực trạng ấy buộc những người có trách nhiệm đặt blog vào diện phải quản lý.

Thạc sỹ Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Bkis cho rằng, những hành động trên internet đều để lại dấu vết điện tử. Về lý thuyết chúng ta có thể đánh chặn, hoặc tìm kiếm chủ nhân của những blog không lành mạnh bằng giải pháp công nghệ. Tuy nhiên, cần có những chuẩn mực để biết đâu là blog đen, đâu là blog lành mạnh để quản lý có hiệu quả mà vẫn phát huy được tính tích cực của loại hình thông tin mạng này. Và những chuẩn mực này như tấm gương để thế giới blog “soi” mình tránh những hành vi phản cảm.

Từ thực tế đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 07/2008/TT-BTT hướng dẫn điều chỉnh việc đăng tải thông tin trên blog. Thông tư này chính thức đã có hiệu lực từ đầu năm nay. Trái với những luận điểm xuyên tạc về việc Chính phủ Việt Nam thắt chặt quản lý blog, Thông tư này chủ yếu mang tính định hướng, tuyên truyền để người dùng biết điều gì đúng, điều gì được khuyến khích và điều gì sai.

TS Lưu Vũ Hải, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, đơn vị soạn thảo Thông tư cho rằng, pháp luật mang tính giáo dục và Thông tư 07 hướng đến mục đích này. Như vậy, sự trong sáng của blog phụ thuộc nhiều vào khả năng tự đề kháng của cư dân mạng. Tuy nhiên, để trên mạng không còn những blog đen, cần có sự hợp tác của các nhà cung cấp dịch vụ mạng. Hiện trên cả nước có hơn 3 triệu người sử dụng các dịch vụ liên quan tới blog. Các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp 80% dịch vụ; 20% thị phần còn lại do các doanh nghiệp trong nước nắm giữ.

Dịch vụ blog 360o của Yahoo hiện thu hút được nhiều người Việt Nam sử dụng nhất. Doanh nghiệp này mới có văn phòng đại diện tại nước ta, còn nhà máy, nhân công, máy chủ… đặt ở nước ngoài. Chỉ với dẫn chứng này thôi cũng cho thấy sẽ không dễ dàng để có sự hợp tác chặt chẽ của nhà cung cấp dịch vụ blog nước ngoài.

Internet đã làm cho thế giới trở nên phẳng hơn. Blog đem đến cho cư dân mạng một loại hình thông tin giải trí thú vị. Nhưng như đã nói blog là một cuốn nhật ký mở vì vậy rất cần có sự quản lý. Cùng với Thông tư 07 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn điều chỉnh đăng tải thông tin của blog, rất cần các biện pháp phối hợp, đặc biệt là sự giáo dục của gia đình, nhà trường đối với con em hướng đến một văn hóa mạng lành mạnh./.

Theo Đỗ Mạnh Giang (VOVNews) 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất