Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 22/2/2009 12:5'(GMT+7)

Nghệ thuật nói trước công chúng

Nói bất cứ điều gì, bạn phải nói thế nào để người ta lắng nghe, rồi thấy thích thú, muốn nghe thêm nữa. Mà “chịu”, “thích” ở đây lại phải tự nhiên, tự nguyện, chứ không do một sức ép, sự nể nang, “tế nhị” nào (như trường hợp thầy nói, trò dẫu không thích cũng phải ngồi im nghe hoặc “sếp” giáo huấn thì nhân viên không thể bỏ đi.v.v…). Nói làm sao để “con kiến trong lỗ cũng phải bò ra” không dễ chút nào. Chẳng thiếu những vị chức sắc, giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học, chính khách tài giỏi uyên bác thực sự, thậm chí nổi tiếng, có thể viết rất hay nhưng nói, truyền đạt, giảng dạy đã không khiến người nghe hứng thú, họ cảm thấy mỏi mệt nếu như các vị nói trong khoảng thời gian dài. Người nói giỏi là người có thể diễn thuyết liền mạch 3-4 giờ, mà người nghe vẫn thích thú. Cử toạ bị lôi cuốn và hoàn toàn trở nên thụ động trước nhà hùng biện. Có khi, họ như bị bắt mất hồn, biến thành tín đồ trước giáo lý.

Còn gì đáng tiếc bằng, khi bạn là thủ trưởng cơ quan, trước nhân viên bạn không thuyết phục được họ bằng lý luận, lại đáng phiền hơn khi đối ngoại, bạn trở nên lúng túng, ấp úng, mất hết “tư thế”, tổn hại đến thể diện cơ quan mà bạn đang đứng đầu. Bạn làm công tác Tuyên huấn, luôn là các “Báo cáo viên” trước những đối tượng công chúng, mà truyền đạt không “thủng” một chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước do khả năng nói hạn chế thì thật đáng buồn! Các nhà giảng dạy từ tiểu học đến đại học mà diễn đạt không gãy gọn một kiến thức cần thiết trước học sinh thì làm sao chúng có thể tiếp thu?

Tất cả những hiện tượng trên đã là sự thật, ít nhiều hạn chế hiệu quả công việc mà các đối tượng vừa nhắc tới luôn mong muốn đạt được ở mức tối đa.

Vậy khi nói, muốn gây được hứng thú cho người nghe, ta cần chú ý những điều gì?

Nghệ thuật nói thâu tóm gọn trong mấy tiếng: Nói cái gì, nói với ai và nói thế nào?

Nội dung nói tức là phần thông tin ta cần chuyển tải đến người nghe. Đối tượng nghe ta nói bao giờ cũng chú ý đến lượng thông tin ta cung cấp cho họ. Thông tin phải bảo đảm những yêu cầu: chính xác, phong phú, mới mẻ và bổ ích. Tôi xin bàn qua về từng yêu cầu này.

Chính xác: Bạn sẽ mất uy tín ngay khi người nghe phát hiện thấy bạn vừa nói một điều gì đó không chính xác, không đúng. Có một lần, một diễn giả ở một thành phố đến nói chuyện tại hội nghị ở một quận. Trong phần nội dung khá miên man, anh đã nói: “Chủ nghĩa Phục hưng trên thế giới thế kỷ 19 đã sản sinh ra hàng loạt nhà văn nổi tiếng…”. Rất không may hôm đó có một vài người nghe là giáo viên văn học. Họ đã cười và không giấu sự coi thường vì vị diễn giả đã nói sai: Đúng ra là thế kỷ 16 mới xuất hiện chủ nghĩa Phục hưng. Và sau đó anh ta còn hiểu sai về chủ nghĩa này. Mấy giáo viên văn học đã lặng lẽ bỏ dở buổi sinh hoạt, ra về. Diễn giả đã linh cảm thấy “vấn đề” bỗng đỏ mặt và lái sang chuyện khác. Vậy nên, tốt nhất là chỉ nên nói điều ta biết đích xác 100% (chẳng thế mà các cụ đã dạy: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”).

Phong phú: Người nói cần đưa đến cho người nghe thật nhiều thông tin, càng nhiều càng tốt, để giúp họ nâng cao hiểu biết. Người ta mất thời gian nghe bạn nói chuyện cả buổi, không lẽ ra về, họ chỉ thu nhặt được vài điều lèo tèo, thậm chí vô bổ? Vậy nên nếu kiến thức của ta còn hạn hẹp thì tốt nhất không xuất hiện với tư cách người diễn thuyết, người tham luận, hoặc giảng dạy, chỉ nên “tham gia phát biểu đôi điều” một cách khiêm tốn.

Mới mẻ: Hãy luôn nhớ câu nói nổi tiếng của một nhân vật trong tác phẩm “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Còn gì chán, nhàm bằng việc ta cứ nói mãi những điều ai cũng biết từ lâu. Không đem đến được những thông tin mới mẻ cho người nghe tức là đồng nghĩa với việc chẳng đem đến cho họ được điều gì, thậm chí còn khiến họ bực mình hơn vì phải nghe điều đã nhàm, trở nên mỏi mệt. Tôi được mời đến nói chuyện tại nhiều nơi. Có lần vừa tuần trước tôi đã nói về một vấn đề, ngay tuần sau họ lại mời nói tiếp chủ đề ấy. Tôi đã không ngần ngại từ chối: “Xin lỗi vì lần này chưa có được thông tin gì mới, nếu có nói, ắt người nghe sẽ chán”.

Bổ ích: Dù nói điều gì cho bất cứ ai nghe, ta đều phải xuất phát từ lợi ích người nghe, chứ không phải để thoả thích thú của mình, càng không nên để khoe kiến thức. Hãy luôn hỏi: Nói điều này, phỏng ích gì cho họ? Tôi muốn nói đến trách nhiệm người nói: đừng đem đến cho người nghe những điều vô bổ. Có lần tôi được nghe một nhà phê bình văn học trẻ nói chuyện về thơ Xuân Diệu tại một câu lạc bộ sinh viên. Anh ta cứ sa đà mãi vào những bài thơ tình của thi sĩ trước cách mạng Tháng Tám, đặc biệt phân tích sâu bài “Giục giã” (bài này không phải là bài hay của Xuân Diệu) trong khi những bài thơ tình rất hay khác của ông như “Biển” thì lại bỏ quên, ấy là chưa nói đến việc nhà phê bình chẳng đếm xỉa gì đến mảng thơ không phải là tình yêu của nhà thơ, vì anh nói về thơ Xuân Diệu kia mà! Rõ ràng một buổi nói chuyện ít bổ ích, chưa kể việc nhắc đi nhắc lại một số câu thơ không phải là hay, ít nhiều “xỗ xàng” đã gây phản cảm.

Ở phần nội dung nói (Cái gì), vấn đề là ở lượng thông tin. Điều này phụ thuộc vào trình độ, kiến thức, học vấn và kinh nghiệm sống của người nói.

Nói với ai, là đề cập tới đối tượng mà mình truyền đạt. Phải tùy theo đối tượng là trí thức hay công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ… mà đưa đến cho họ lượng thông tin phù hợp với trình độ, lứa tuổi, nghề nghiệp… thì buổi nói chuyện mới đạt được mục đích và hiệu quả cao.

Về nghệ thuật thể hiện phô diễn (nói thế nào). Có tất cả những yếu tố ở phần nội dung (chính xác, phong phú, mới mẻ, bổ ích) và người nói có thêm nghệ thuật phô diễn, tức là những thủ pháp gây hứng thú cho người nghe. Ở đây nghệ thuật phô diễn rất gần với nghệ thuật trình diễn - nghĩa là phải có một số thủ pháp, hoặc kỹ xảo, tiểu xảo.

Trước hết là giọng nói. Sự truyền cảm là yêu cầu hàng đầu của giọng nói. Muốn vậy, người nói phải có giọng mang đầy đủ yếu tố giới tính: là nam, giọng phải ấm, vang, trầm thì càng hay; là nữ, phải trong trẻo, sáng sủa, mượt mà, mềm mại. Hãy hình dung một nhà “diễn thuyết” nam giọng nói lại “the thé, léo nhéo” và nhà “hùng biện” nữ lại có giọng ồm ồm, khàn khàn, hoặc “chua, chói” thì làm sao có thể lọt tai người nghe, nếu không nói chỉ gây cười, sẽ mất hết “uy” của diễn giả.

Chớ nói nhanh khiến người nghe nghĩ rằng người nói láu táu, thiếu chững chạc; nhưng cũng đừng khắc phục bằng nói chậm quá, gây cảm giác dề dà, uể oải, sốt ruột cho người nghe. Cần xử lý tiết tấu nói cho hợp lý, nghĩa là có thể có lúc nhanh, lúc chậm hơn tuỳ thuộc vào nội dung vấn đề diễn đạt, nhưng nhìn chung cần duy trì vẻ dõng dạc, đĩnh đạc, tạo cho người nghe ấn tượng về sự sâu sắc, uyên bác của người nói.

Cử chỉ, tác phong của người nói phải tự nhiên, sinh động giống như nghệ sĩ hát trên sân khấu: đứng im thì cứng nhắc, khô cứng; mà cử động, ngọ nguậy quá nhiều thì kỳ khôi, lố bịch. Phải thoải mái và gây cho người nghe cảm giác gần gũi giữa họ với diễn giả.

Không thiếu người nói chẳng nhìn vào đối tượng, mắt cứ nhìn đâu đâu, khi thì cúi gằm quá lâu trên đống tài liệu (như đọc), khi lại lơ đãng nhìn ra ngoài cửa, có lúc như vô cảm chẳng để ý đến ai. Vậy nên cần xử lý đôi mắt sao cho có hồn, tạo sự giao cảm cao nhất giữa kẻ nói và người nghe. Hãy biết sử dụng ánh mắt như một cái miệng thứ hai: nhiều khi, diễn giả không phát âm, chỉ mỉm cười và bộc lộ bằng mắt. Khi ấy, mắt đã nói thay. Thật là thú vị.

Người nói cần có một kho giàu có những ca dao, thơ, truyện, tục ngữ, ngạn ngữ, danh ngôn của mọi miền để vận dụng vào ngôn ngữ của mình. Như vậy sẽ khiến người nghe thích thú.

Cuối cùng là khả năng hài hước, hóm hỉnh của “diễn giả”. Tuỳ nội dung mà áp dụng sao cho vừa “liều lượng” nhưng nhìn chung, nói cái gì mà cũng có khả năng hài hước thì sẽ khiến công chúng rất thú vị, bởi hài hước là dấu hiệu của trí tuệ, không dễ có.

Đôi chút kinh nghiệm nhỏ trao đổi cùng các bạn, mong nhận được sự đồng cảm và trao đổi chân tình./.

Kiều Thẩm

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất