Chủ Nhật, 22/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Bảy, 26/7/2008 22:6'(GMT+7)

Cảm nhận cuộc sống "Bằng đôi chân trần"...

"Bằng đôi chân trần" (Nxb Văn nghệ-2008) là tập sách gồm những bút ký mới nhất của nhà văn Nguyên Ngọc về những vấn đề vừa muôn đời vừa nóng bỏng. Đó là câu chuyện của những nỗi trăn trở va chạm văn hóa, những cảnh báo xung đột giữa bảo tồn và phát triển, những bài học về cuộc sống, những giá trị đang mất đi hoặc đang hồi sinh...
1. Nguyên Ngọc - vốn được xem là nhà văn, nhà nghiên cứu về Tây Nguyên nên cũng không có gì lạ khi hơn một nửa tập bút ký là một Tây Nguyên huyền bí và nồng ấm luôn đắm chìm trong từng câu chữ của tác giả. Nhưng đến với cuộc sống "Bằng đôi chân trần" của Nguyên Ngọc lần này, người đọc không chỉ nhìn ra rõ hơn một Tây Nguyên mê hoặc mà còn cảm nhận được nhiều nhịp thở khác. Đó là một thế giới rất thực chứ không trừu tượng xa xôi, từ không gian mạng, ở chỗ nó "tạo nên phương thức giao tiếp vừa cộng đồng rộng lớn chưa từng có, vừa sâu của từng con người cũng chưa từng có thể có" (Thế giới đang phẳng ra, cả ở nơi đây). Thế giới rất thực đó là cả một "đạo Tây Nguyên - một nền minh triết kỳ lạ" mà tác giả tự hào khẳng định: "Tôi biết Tây Nguyên qua từng số phận mà cuộc đời đã cho tôi cái may mắn được gặp, được biết và được gần gũi". Cái thế giới của những con người trông chừng đơn sơ, hoang dã mà lại cực kỳ sâu thẳm trong đời sống đã hút hồn nhà dân tộc học Goerge Condominas phải rời bỏ Pari tráng lệ, dành suốt cuộc đời nghiên cứu cộng đồng thiểu số" (Tây nguyên mê hoặc).

Yêu Tây Nguyên, nhìn và cảm về vùng đất này bằng những va chạm, xung đột văn hóa, bằng những sẻ chia đến xót lòng..., Nguyên Ngọc đã nhìn thấy ở đó "Con người Tây nguyên là con người sống rất chông chênh, trên một ranh giới mong manh, bên này là rừng, bên kia là xã hội" (Các bạn tôi ở trên ấy, Soi Nhụ - không gian, thời gian và ý chí làm Người). Chính vì yêu, vì đê mê nên ông giật mình và cảnh báo về cách làm "du lịch bền vững" thiếu... bền vững đang diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Đó là sự đánh mất không gian thực, cuộc sống thực của các thực thể văn hóa: Đem cồng chiêng ra diễn giữa ngã ba, ngã sáu thành phố ồn ào chỉ là sự "diễn", thành ra người ta "chỉ tò mò đến xem một lần, chẳng ở lại với nó, càng không trở lại với nó làm gì" (Du lịch bền vững).

Câu chuyện thời sự về hội nhập, toàn cầu hóa mà theo Nguyên Ngọc, đó là một "cuộc va chạm dữ nhất trong lịch sử", chỉ vì thế giới đang phẳng ra "đến mức đã và sẽ không còn góc kín ẩn nấp nào nữa như những "tử giác" trong chiến tranh", nên "chỉ còn cách đối mặt và thay đổi mình để sống được với nó, vượt lên nó" (Biển một bên và...). Ngoài ra, còn có thể tìm thấy ở các bút ký trong tập Bằng đôi chân trần những trăn trở văn hóa, những cảnh báo về xung đột giữa bảo tồn và phát triển, những bài học về cuộc sống, những giá trị đang mất đi hoặc đang được hồi sinh...

2. Bằng đôi chân trần - là chữ ông mượn của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư để đặt tựa cho tập bút ký dày 300 trang. Lý giải việc mượn câu chữ này, theo nhà văn, là bởi chỉ có sự thô mộc, tự nhiên, không tô điểm, không trang sức mới mang lại cảm xúc thật để ông phác họa, khám phá những bí ẩn của cuộc sống. Sẽ phải rất dông dài để hiểu Nguyên Ngọc dẫn dắt người đọc đi bằng "đôi chân trần". Sẽ phải mượn đến Murakami - một nhà văn Nhật đậm chất Nhật và Nguyễn Ngọc Tư - giọng văn rặt "đặc sản" ngôn từ Nam bộ để hiểu một điều: Có nhiều cách nói khác nhau về văn hóa. Đó là truyền thống và hiện đại, "nếp nhà" và những chuyển động đang diễn ra dữ dội hàng ngày trong xã hội. Cũng theo ông, không có vấn đề "hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc", không có hai cái cần phải "kết hợp" lại. "Đặt ra hai cái và muốn kết hợp lại tức là đã coi chúng là khác nhau, đối lập với nhau rồi. Chỉ có một, một vấn đề duy nhất: "Hiện đại hóa dân tộc", làm cho dân tộc này trở nên hiện đại, dân tộc này đang trở nên hiện đại cũng như trong quá khứ nó từng hiện đại bất cứ khi nào nó tốt đẹp nhất".

  Bùi Trang
 
 

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất