Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Chủ Nhật, 20/7/2008 8:10'(GMT+7)

Có một vết chân tròn…

Có một anh thương binh ở vùng quê đầy cát trắng ngày ngày vẫn chống nạng đi đến trường làng để dạy bầy em nhỏ. Anh dạy chữ và dạy cả hát. Có gì đáng để ý đâu. Những người như anh có chút kiến thức văn hoá, sau chiến tranh trở thành thương binh, làm nghề “gõ đầu trẻ”, có lẽ không đến nỗi quá hiếm hoi. Vì anh là thương binh, nên xóm làng biết ơn, trân trọng anh. Và vì anh vui tính, hiền hoà, lại tận tâm dạy dỗ mà học sinh quý mến anh. Có vẻ như là một chuyện rất bình thường.

Ấy vậy mà nhạc sĩ Trần Tiến đã viết nên một bài hát thật cảm động: “Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi…”. Ngay vào bài hát, vẫn giọng kể chuyện quen thuộc của Trần Tiến: bình dị, tự nhiên như chính cuộc sống hàng ngày, nhưng âm điệu lại giầu chất suy tư, tâm trạng. “Vết chân tròn” là gì vậy? Ai cũng hiểu ngay đó là chiếc chân thay cho 1 trong 2 chân của người chiến sĩ ấy vĩnh viễn để lại ở chiến trường. Chiếc nạng gỗ in lên cát sẽ để lại những dấu tròn. Nhưng sao lại trên cát mà không là trên đất? Bởi chắc chắn quê anh ở một vùng quê nghèo lắm-vùng cát trắng miền Trung, quanh năm chỉ có gió Lào hầm hập cùng sỏi đá và cát. Nơi đây tuy nghèo nhưng lại là nơi Anh hùng, gan góc phi thường trong những cuộc đương đầu với gặc ngoại xâm và nơi ấy đã sản sinh ra anh.

Ở nhà trường chắc chắn người thầy giáo thương binh kia phải dạy văn hoá, dạy chữ cho các em học sinh là chính. Dạy nhạc, dạy hát chỉ là phụ, là thêm. Nhưng tác giả đã chỉ khai thác việc “anh thương binh vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương” và như vậy sẽ có rất nhiều điều để nói. Rất nhiều cảm xúc, tâm trạng của anh thương binh được bộc lộ. Vừa lãng mạn, vừa sâu sắc biết bao khi tác giả miêu tả, biểu hiện bài hát của anh vẫn dạy các em ở lớp: “Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời. Bài hát có đồng lúa mênh mông câu hò…”. Chính vì quê hương vô cùng đáng yêu như thế nên anh mới sẵn sàng “hy sinh âm thầm” để “cho hôm nay những dấu chân son vui quanh dấu chân tròn”.

Đoạn đầu (đoạn A) của bài hát là lời kể, mang tính chất như dẫn chuyện. Sang đoạn sau (đoạn B), nét nhạc bay vút lên, diễn tả tiếng hát của chính anh (và sau đó là các em học sinh hát theo). Giai điệu ở đây có chút xa xăm, văng vẳng lại, uốn lượn uyển chuyển. Có cảm giác như tiếng hát của thầy trò anh vọng ra biển khơi, vút lên trời xanh, luồn qua những dãy núi, len lỏi vào những xóm làng xa ngái rồi cuối cùng đậu lại trong lòng người nghe-trong đó có chính người nhạc sĩ, khiến ông phải thốt lên ở cuối bài: “Bài ca anh viết trong thầm lặng trên bờ cát không lời cứ hát mãi trong tôi. Bài ca cuộc đời, cháy mãi trong tôi, đốt mãi trong tôi”.

Vết chân tròn trên cát là bài hát bộc lộ khá rõ phong cách sáng tạo của nhạc sĩ Trần Tiến. Từ những sự việc, hiện tượng rất bình dị trong cuộc sống, những điều mà nhiều người thường không để ý, dễ cho qua, đã khai thác được những khía cạnh sâu sắc, có sức nặng tư tưởng và ý nghĩa triết lý. Nói đến thương binh, ai cũng nghĩ ngay đến công đức, sự hy sinh cống hiến của các anh cho Tổ quốc. Thương binh, liệt sĩ luôn gắn bó với niềm cảm phục, biết ơn của toàn dân tộc. Nhưng chuyển tải những nội dung ấy vào ca khúc là việc không dễ dàng; hoặc là chung chung, sáo rỗng, hoặc chưa đủ hiệu quả lay động trái tim người nghe. Người ta có thể vô cùng cảm kích một tấm gương thương binh, liệt sĩ cụ thể nào đó nếu biết rõ chiến tích, công trạng, nhưng không vì thế mà dễ rung động với một bài hát viết về người thương binh ấy - thậm chí còn thấy không thoả mãn, không hài lòng nếu nghe thấy nhạt nhẽo, tầm thường. Bình dị mà xúc động, xoáy sâu vào trái tim và có sức lay động lòng người là ấn tượng mà Trần Tiến đã đạt được ở bài hát này. Hình tượng văn học “Vết chân tròn trên cát” rất hài hoà với hình tượng âm nhạc được hình thành trên tiết tấu dàn trải mang rõ chất tự sự và giai điệu sâu sắc phong vị Việt Nam, khiến bài hát dễ đi vào lòng người./.

       . Nhạc sĩ Nguyễn Đình San

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất