Thứ Năm, 28/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Sáu, 17/7/2015 21:7'(GMT+7)

Cần 400 chuyên gia vận hành lò phản ứng hạt nhân mới Đà Lạt

Một góc lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Một góc lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Tại buổi toạ đàm, một số chuyên gia nhận định, nguồn nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân trong nước hiện đang bị “già hóa” trong khi cán bộ trẻ thật sự xuất sắc vẫn còn thiếu để gánh vác nhiệm vụ. Đây chính là thách thức lớn cho quá trình phát triển ngành nghiên cứu hạt nhân cũng như phục vụ cho chương trình điện hạt nhân ở Việt Nam trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm đào tạo (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt), hiện nay trên cả nước có 6 trường đại học đào tạo chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực hạt nhân với khoảng 200 sinh viên ra trường mỗi năm, nhưng thực tế nguồn cán bộ trẻ có trình độ cao, xuất sắc vẫn còn thiếu. Lý do là nhu cầu tuyển dụng tại các cơ sở nghiên cứu hiện nay chưa nhiều trong khi chế độ ưu đãi, mức lương thấp nên chưa hấp dẫn được những cán bộ tài giỏi về cống hiến.

Trong khi nguồn nhân lực trẻ có trình độ cao đang thiếu thì theo Viện Năng lượng nguyên tử, dự kiến khi đi vào hoạt động từ năm 2020, Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân Đà Lạt (đang trong kế hoạch chuẩn bị xây dựng) sẽ cần khoảng 400 cán bộ, chuyên gia có trình độ để vận hành lò phản ứng hạt nhân mới phục vụ cho công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hạt nhân. 

Do đó một số giải pháp chuẩn bị nhân lực đang được cất nhắc cho Trung tâm này như gửi sinh viên đi học nước ngoài (theo chuyên ngành không thể đào tạo trong nước), tiếp nhận thêm nguồn nhân lực về công tác tại các Viện nghiên cứu ngay từ bây giờ.

Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân Đà Lạt, với trọng tâm là lò phản ứng nghiên cứu mới có công suất 15MW (gấp 30 lần công suất lò hiện tại sẽ ngừng hoạt động trong khoảng 10 năm tới), được Bộ Khoa học và Công nghệ lên kế hoạch xây dựng tại địa bàn phường 12, thành phố Đà Lạt (cách trung tâm Đà Lạt gần 12km).

Tuy nhiên, địa điểm ban đầu này không nhận được sự thống nhất giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và tỉnh Lâm Đồng, do chính quyền địa phương lo ngại gần khu dân cư, nên hiện các bên liên quan đang xem xét một số địa điểm khác được đề xuất thay thế, trong đó có địa điểm tại xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 35km./.

Theo VN+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất