Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 15/12/2016 21:39'(GMT+7)

Cần “bà đỡ” chắc tay để tránh thảm họa xuất bản

Sự dễ dãi, cẩu thả trong biên tập dẫn đến những “thảm họa” về nội dung của các xuất bản phẩm.

Sự dễ dãi, cẩu thả trong biên tập dẫn đến những “thảm họa” về nội dung của các xuất bản phẩm.

“Choáng” với nội dung sách 

Bộ sách “Trắc nghiệm thông minh - Tư duy sáng tạo” của Alpha Books từng được người đọc ví như một quyển "sách chết chóc" với hàng loạt câu hỏi về những tình huống giết chóc đáng sợ. Ví dụ: “Một phụ nữ mua một đôi giày mới sau đó đi làm, bà chết ngay. Tại sao?”. 

Câu trả lời là: “Người phụ nữ là trợ lý cho tiết mục bịt mắt phóng đao tại rạp xiếc. Vì đôi giày mới cao hơn đôi giày cũ và nghệ sĩ phóng dao thường phóng theo thói quen, người phụ nữ chết”.

Hay “Một người đàn ông trần truồng nằm chết trên sa mạc. Tay ông ta cầm một cọng rơm. Chuyện gì đã xảy ra?” - Trả lời: “Có một đoàn người đi du lịch bằng khinh khí cầu. Đang đi thì khinh khí cầu gặp sự cố… tình thế nguy ngập đến mức họ phải hy sinh một người trên khinh khí cầu. Cách thức chọn người hy sinh là rút rơm. Người đàn ông nằm chết trên sa mạc đã xui xẻo rút phải cọng rơm thua cuộc”… 


Rồi câu hỏi rùng rợn kiểu: “Ba người bị lạc trên sa mạc. Khi đã hết thức ăn, họ quyết định rằng một người sẽ phải để hai người còn lại ăn thịt. Ba người có cùng độ tuổi, hoàn cảnh gia đình và dáng vẻ cơ thể. Nhưng họ dễ dàng quyết định ra người nào sẽ phải hy sinh. Bằng cách nào?”.

Cuốn "Mười vạn câu hỏi vì sao" của NXB Hồng Đức viết “Loài chim lớn nhất trên thế giới là lạc đà. Lạc đà không chỉ có hình dáng to lớn, mà tốc độ chạy cũng rất nhanh…". Ngay NXB Kim Đồng, một trong những đơn vị xuất bản uy tín được các phụ huynh yên tâm “chọn mặt gửi vàng”, lại cũng khiến phụ huynh “tá hỏa” với bộ sách “Những bí mật trẻ em cần biết”. 

Trong đó, quyển “Cuốn sách nhỏ về cái chết” có trang viết: "Có thể bạn đang băn khoăn chết rồi sẽ đi về đâu? Không ai biết được câu trả lời, ngoại trừ những người đã chết ấy", rồi hình minh họa là bức ảnh về cậu bé ngửa cổ nhìn lên bầu trời, có 3 người khỏa thân nhìn xuống. 

Ở quyển "Cuốn sách nhỏ về bạo lực", bên cạnh những hình ảnh bạo lực, có hình vẽ một người đàn ông và người phụ nữ khỏa thân ôm hôn nhau, để minh họa cho câu “Bạo lực cũng giống như tình yêu thương, đã tồn tại từ xa xưa”… 

Theo thống kê, số xuất bản phẩm bị xử phạt do vi phạm về nội dung đang tăng dần. Cụ thể, năm 2012 có 51 xuất bản phẩm vi phạm, đến năm 2015 là 128 xuất bản phẩm vi phạm. 9 tháng đầu năm 2016, đã có 87 xuất bản phẩm vi phạm về mặt nội dung. 

Riêng quý III năm 2016, cơ quan quản lý nhà nước đã xử lý 53 xuất bản phẩm vi phạm, trong đó có 27 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung với các hình thức xử lý như: yêu cầu nhà xuất bản tái bản phải sửa chữa; sửa chữa, đính chính lỗi sai; đình chỉ phát hành để sửa chữa; đình chỉ phát hành để thẩm định nội dung; yêu cầu các nhà xuất bản phê bình, nhắc nhở, rút kinh nghiệm trong khâu biên tập...

Đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, đa phần các sai phạm này bắt nguồn từ việc các NXB chạy theo lợi nhuận, buông lỏng quản lý. Lãnh đạo các NXB chưa làm tròn trách nhiệm, phó thác cho đơn vị liên kết. 

Một số biên tập viên yếu kém về nghiệp vụ, thiếu thông tin, thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu nhạy bén trước những vấn đề có tính nhạy cảm. Trong khi đó, công tác kiểm tra, phát hiện sai phạm lại bị hạn chế, bởi nhiều nguyên nhân khách quan như thiếu nhân lực, kinh phí… Đây là những lý do chính dẫn đến việc các xuất bản phẩm “thảm họa” có mặt trên thị trường. 
 
Cần “bà đỡ” chắc tay 


Làm thế nào để quản lý tốt công tác xuất bản, để tránh những sai sót thảm họa đối với các xuất bản phẩm là sự trăn trở của nhiều cá nhân và đơn vị chức năng. Tại hội thảo “Công tác biên tập xuất bản trong tình hình mới” do Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, những sai phạm, cẩu thả của các xuất bản phẩm thời gian qua có liên quan nhiều đến đội ngũ biên tập viên - được ví như những “bà đỡ” của các xuất bản phẩm. 

Vì vậy, để hạn chế những sai sót về nội dung trong các xuất bản phẩm, cần có một “bà đỡ” chắc tay.  TS Đỗ Quang Dũng, Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, đưa ra thực trạng đáng báo động, là ở hầu hết các NXB, rất nhiều biên tập viên, thậm chí cả lãnh đạo đơn vị cũng có quan niệm rằng chỉ khi sách bị cơ quan chức năng “tuýt còi” do vi phạm những vấn đề nghiêm trọng về nội dung chính trị, tư tưởng… thì mới đáng lo, còn những kém cỏi vụng về trong nội dung hay cách trình bày sách, những sai sót về ngôn ngữ, cả những va chạm rắc rối về bản quyền… đều không đáng ngại. 

Theo ông Đỗ Quang Dũng, việc xuất bản theo lối vừa dựa dẫm, vừa ỷ lại nhau trong công việc biên tập của NXB và các đối tác liên kết theo quan điểm “không bị thu hồi là được rồi, có sai sót cũng không sao”, là thực trạng đáng báo động hiện nay. 

Đồng quan điểm này, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thừa nhận, hiện nay nhiều khi biên tập viên chỉ là người nhận bản thảo, đọc bản thảo với mục đích sửa chữa lỗi chính tả, câu cú, rồi đề xuất cấp giấy phép, mà chưa làm đúng, chưa làm đầy đủ các quy định, quy trình biên tập, chưa có nghệ thuật biên tập, và đặc biệt là lương tâm của người biên tập đối với bạn đọc và xã hội của mình.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, một trong những yếu tố rất quan trọng của người biên tập, là khả năng đánh giá ảnh hưởng của tác phẩm đối với xã hội. Những cuốn sách nào sẽ truyền vào đời sống văn hóa và tâm thế xã hội những điều tốt đẹp, nhân văn và tiến bộ, những cuốn sách nào sẽ ảnh hưởng xấu đến xã hội... 

Điều này, cũng đòi hỏi lương tâm của người biên tập nói riêng, và các NXB nói chung đối với lợi ích của người đọc. Vì trên thực tế, có những NXB, nhiều biên tập viên vì lợi ích vật chất, đã cho ra đời những cuốn sách kém về nghệ thuật và tư tưởng.  

Theo ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Văn học, trong thời điểm mặt bằng dân trí cao, thông tin bùng nổ như hiện nay, độc giả ngày càng khắt khe hơn trong việc bình luận, đánh giá các xuất bản phẩm, nên đội ngũ biên tập viên xuất bản phải trau dồi kiến thức, có đủ năng lực “trụ vững” trong hoạt động xuất bản hiện nay. 

Đặc biệt, cần nhạy cảm trong việc phát hiện những nội dung chính trị sai lầm, lệch lạc, kiên quyết loại bỏ những nội dung vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, đề cao những tác phẩm có giá trị cao về giáo dục, thẩm mỹ, tư tưởng… 

Đồng thời, phải đủ khả năng, trình độ thẩm định và đánh giá tác phẩm, cẩn trọng, tỉ mỉ và cầu thị trong công việc biên tập, có  khả năng nắm bắt thị trường, nhanh nhạy với xu hướng, thị hiếu của độc giả...

Phương Hà (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất