Không chỉ hỗ trợ con giống, cây trồng, mà những ngày cuối tuần, lực
lượng cán bộ huyện Nam Trà My còn trực tiếp giúp bà con khai hoang, đào
mương, trồng cây… tạo sinh kế để các hộ dân có “cần câu cơm”.
Nam Trà My là một huyện miền núi cao khó khăn nhất của tỉnh Quảng Nam.
97% dân số chủ yếu là người đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, Bhnoong, trong đó
tỉ lệ hộ nghèo chiếm gần 70%.
Nơi đây địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, đường giao
thông từ xã về các thôn còn khó khăn. 65% các hộ dân chưa có điện, hạ
tầng viễn thông còn yếu kém... Bên cạnh đó, người dân chưa tự giác trong
làm ăn để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Trước thực tế đó, cả hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc quyết
liệt nhằm giúp người dân thoát nghèo. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước,
huyện phân công “3 cán bộ giúp 1 hộ nghèo”.
Chuyện ở xã Trà Vinh
Ngồi bên những cây chuối xanh tốt, anh Hồ Văn Tú (thôn 1, xã Trà
Vinh, huyện Nam Trà My) chia sẻ, gia đình anh giờ đã có được thu nhập ổn
định trong suốt gần một năm qua từ vườn chuối hơn 600 gốc.
Trước khi có vườn chuối này, gia đình anh Tú luôn nằm trong diện hộ
nghèo của xã. Có sức lao động, có đất nhưng chỉ có hai bàn tay trắng nên
vợ chồng anh chẳng thể nghĩ ra được phương kế sinh nhai bền vững nào và
luẩn quẩn trong cái vòng đói nghèo nơi miền núi cao này.
Nhưng tất cả đã thay đổi khi UBND huyện Nam Trà My triển khai chính
sách giảm nghèo: Phân công cho các phòng, ban, đơn vị trực tiếp hỗ trợ
người dân thoát nghèo bền vững. Với riêng hộ anh Hồ Văn Tú, UBND Huyện
giao cho UBND xã Trà Vinh trực tiếp hỗ trợ giúp hộ anh các điều kiện
thoát nghèo.
Trước nguyện vọng tự nguyện thoát nghèo của anh Tú, lãnh đạo UBND xã
Trà Vinh xuống tận nhà lắng nghe nguyện vọng của anh và quyết định hỗ
trợ cây chuối giống, kỹ thuật trồng chuối và một con bò giống.
Với ý chí vươn lên, ngày ngày, anh Tú miệt mài chăm sóc vườn chuối
hơn 400 gốc. Đến nay, vườn chuối này không chỉ xanh tốt mà đã phát triển
lên gần 600 gốc. Có được nguồn thu nhập ổn định từ bán chuối, anh tích
góp vốn nuôi thêm giống heo đen địa phương để tăng nguồn thu nhập.
Chỉ chưa đầy một năm sau, gia đình anh ra khỏi danh sách hộ nghèo
trong sự khâm phục của bà con Nóc Ông Tý thôn 1. Anh Hồ Văn Tú hồ hởi
nói: “Trước kia, mình khó khăn lắm còn đến nay là mình sống được hằng
ngày. Được vươn lên thoát nghèo mình rất vui vì hằng năm, thực phẩm và
gạo thóc cũng đủ dùng”.
Còn với anh Hồ Văn Gương (Trưởng thôn 2, xã Trà Vinh), anh chưa bao
giờ suy nghĩ anh cùng vợ con có thể thoát nghèo được nơi mảnh đất giữa
núi rừng sâu. Biệt lập với trung tâm xã hơn 1 giờ đi bộ, người dân thôn 2
chỉ có đất rừng cằn cỗi, những mảnh ruộng thiếu nước, không một đồng
vốn dằn lưng...
Tất cả tạo nên cái nghèo triền miên mặc cho trong ý thức của anh
Gương cùng nhiều người nơi đây vẫn nghĩ đến chuyện phải tìm con đường
thoát nghèo. Cơ may thoát nghèo đã đến với hộ anh Hồ Văn Gương khi UBND
huyện nhận được đơn xin thoát nghèo bền vững của anh và giao cho đơn vị
Công an huyện Nam Trà My xuống tận nơi giúp đỡ hộ anh Gương.
Ngày những chiến sĩ công an huyện Nam Trà My về giúp anh phát rẫy
trồng một ha cây keo, cải tạo ruộng bậc thang, sửa chuồng bò, đào ao thả
cá, mua 100 con gà, vịt giống, anh Gương mừng khôn xiết vì biết từ đây
gia đình anh có đủ điều kiện làm ăn và có thể thoát nghèo.
Không phụ sự giúp đỡ đúng lúc và cần thiết của Công an huyện Nam Trà
My, anh Gương cùng vợ chăm chỉ làm ăn với các mô hình kinh tế do Công an
huyện hỗ trợ... Chỉ hơn nửa năm, những con gà, con vịt, con cá đã giúp
gia đình anh Gương có tiền trang trải cho đời sống hằng ngày. Và cùng
với làm lúa, trồng keo nhà anh Gương giờ có cuộc sống no ấm.
“Hồi đó, thôn 2 khoảng trăm hộ dân thì tất thảy đều nghèo cả. Đường
không có nên bà con không biết làm ăn ra sao để có tiền, dựa vào cái
rẫy, mảnh ruộng mà sống thôi. Nhưng không phải lúc nào cũng đủ lúa gạo,
năm mất mùa là đói hoặc nhà ai đông con, ít đất thì cũng đói”, anh Gương
nhớ lại.
Anh chỉ ngược lên ngọn núi gần nhất loe hoe mấy nóc nhà: “Trên đó có
nhà anh Đinh Văn Tuấn, hồi xưa nghèo lắm còn giờ thì khá, có của ăn của
để rồi”.
“Tôi thoát nghèo rồi. Nhà có vườn trồng đến 600 gốc, có mô hình chăn
nuôi gần 100 con gà, vịt, có ruộng lúa, rẫy keo. Làm ra bán có tiền
quanh năm”, anh Đinh Văn Tuấn hồ hởi xác tín thông tin của Trưởng thôn
Gương.
“Tôi có ngày hôm nay là công của các anh công an huyện hết. Hồi 2015,
các anh vào thấy gia đình tôi có sẵn điều kiện đất đai mà không có vốn,
không biết cách làm ăn nên hỏi tôi có muốn thoát nghèo không, tôi đồng
ý. Thế là các anh về đây phát rẫy, đào ao thả cá trắm, cá rô, cải tạo
ruộng lúa cho nhà… Cứ thế mình thu hoạch bán lấy vốn đầu tư thêm. Giờ đã
có sinh kế và vợ chồng mình không làm biếng, không say rượu thì chẳng
thể tái nghèo đâu”, anh Tuấn nói.
Đội xung kích thoát nghèo
|
Cán bộ huyện đi đến từng nhà vận động đồng bào dân tộc thiểu số đăng ký thoát nghèo. Ảnh VGP/Mai Vy.
|
Chủ trương giao cho các phòng ban, đơn vị trực tiếp xuống cơ sở giúp các
hộ dân thoát nghèo bền vững của UBND huyện Nam Trà My đã tạo ra cú
huých hiệu quả trong công tác giảm nghèo ở miền núi. Từ năm 2016 đến nay
đã có 334 hộ dân ở Nam Trà My thoát nghèo từ sự giúp đỡ trực tiếp của
90 cơ quan, đơn vị.
Và chủ trương này đã góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của huyện miền núi
này xuống còn 6,49%. Đó là một thành công lớn trong công tác giảm nghèo
bền vững ở miền núi mà ít địa phương nào làm được như Nam Trà My.
Đặc biệt, sau Tết âm lịch, UBND huyện Nam Trà My đã thành lập đội
xung kích thoát nghèo gồm 50 thành viên là cán bộ, công chức, viên chức,
lực lượng vũ trang đang công tác trong huyện.
Đây là lực lượng chịu sự quản lý trực tiếp của UBND huyện, có nhiệm
vụ tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ đăng ký thoát nghèo cách phát triển
chăn nuôi, trồng trọt, tăng thu nhập cho gia đình. Các hoạt động giúp
thoát nghèo được thực hiện vào ngày nghỉ cuối tuần. Ngoài đoàn xung kích
cấp huyện thì ở 10 xã cũng thành lập đội xung kích giúp dân thoát
nghèo, mỗi đội 20 người.
Từ hiệu quả thực chất của chính sách này, người dân nơi đây đã đồng
tình, ủng hộ với việc có hơn 500 hộ dân tự nguyện đăng ký thoát nghèo
trong năm 2017 và đề nghị được UBND huyện giao các cơ quan, đơn vị trực
tiếp hỗ trợ họ thoát nghèo.
Ông Đặng Duy Ba, Phó trưởng phòng LĐTB&XH huyện Nam Trà My cho
biết, năm 2017 có 525 hộ đăng ký thoát nghèo và số hộ đăng ký thoát
nghèo này đã được Huyện phân công cho các cơ quan, đơn vị giúp.
Và UBND các xã cũng có động thái giống như huyện là phân công các cán
bộ, công chức giúp người dân. Với việc triển khai cách làm này hiệu qua
như các năm qua, địa phương sẽ thành công trong việc giảm nhanh và hiệu
quả tỉ lệ hộ nghèo trên địa huyện.
Cuộc chiến đẩy lùi cái nghèo sẽ vẫn là cuộc chiến lâu dài và cam go
với huyện miền núi Nam Trà My. Nhưng cùng với các chính sách của Trung
ương, tỉnh và sự sát cánh cùng nhân dân, huyện Nam Trà My đang từng bước
hoàn thành mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Và thiết thực hơn,
người dân Nam Trà My sẽ thay đổi ý thức trông chờ ỷ lại, tự vươn lên làm
ăn, xóa đi quá khứ đói nghèo vùng núi rừng Nam Trà My./.
Theo chinhphu.vn