Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 25/10/2008 23:39'(GMT+7)

Cán bộ thi hành án chưa yên tâm với công việc

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 >>> Các biện pháp đảm bảo thi hành án cần phải được quy định chặt chẽ

Sáng nay (25/10), dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật thi hành án dân sự của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, đồng thời thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau về Dự thảo Luật này.

Dự án luật thi hành án dân sự là một trong những dự án luật lớn có phạm vi điều chỉnh rộng, với 195 điều, chia thành 9 chương. Trong đó quy định về cơ quan thi hành án và chấp hành viên; thủ tục thi hành án dân sự; biện pháp đảm bảo và cưỡng chế thi hành án dân sự; thi hành án trong một số trường hợp cụ thể như: thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; thi hành khoản tịch thu sung quỹ nhà nước, tiêu hủy tài sản, hoàn trả tiền, tài sản kê biên, tạm giữ trong bản án, quyết định hình sự; thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm... và nhiều nội dung khác.

Dự án Luật thi hành án dân sự đã được đưa ra Quốc hội thảo luận và lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 3 vừa qua.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thi hành án dân sự của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Chủ nhiệm Lê Thị Thu Ba trình bày đã tập trung vào 24 nội dung được chỉnh sửa sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội ở kỳ họp thứ 3: phạm vi điều chỉnh của Luật; quyết định thi hành bản án; thoả thuận thi hành án; xã hội hoá hoạt động thi hành án; hệ thống tổ chức thi hành án dân sự; vai trò, trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân trong công tác thi hành án dân sự…

Cần có bước đi phù hợp cho xã hội hoá hoạt động thi hành án

Thảo luận tại Hội trường, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đều đồng tình với Báo cáo của Uỷ ban Tư pháp cho rằng xã hội hoá hoạt động thi hành án cần có bước đi phù hợp và phải thực hiện thí điểm, tổng kết rút kinh nghiệm trước khi quy định vào Luật.

Các ý kiến đề nghị chỉ quy định vấn đề này vào Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật Thi hành án dân sự, làm căn cứ để Chính phủ triển khai thực hiện thí điểm. Đại biểu Danh Út (Đoàn Kiên Giang) đề nghị bỏ Điều 14 của Dự thảo Luật và quy định vấn đề này trong Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật Thi hành án dân sự.

Cũng có ý kiến đại biểu đề nghị quy định nguyên tắc xã hội hoá trong dự thảo Luật, làm cơ sở cho việc thực hiện thí điểm. Có ý kiến lại cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ phạm vi xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự.

Thi tuyển hay tuyển chọn chức danh Chấp hành viên

Về ngạch, tiêu chuẩn, thi tuyển bổ nhiệm và nhiệm kỳ của Chấp hành viên, ý kiến của nhiều đại biểu như Danh Út (Đoàn Kiên Giang), Nguyễn Thị Thuỷ Khiêm (Đoàn Long An), Lê Thị Mai (Đoàn Hải Phòng) nhất trí với quy định của dự thảo Luật về ngạch Chấp hành viên, với 3 ngạch sơ cấp, trung cấp và cao cấp dựa trên tiêu chuẩn về chuyên môn, trình độ, năng lực nghiệp vụ, thâm niên, kinh nghiệm công tác và không phụ thuộc vào cấp hành chính. Quy định ngạch Chấp hành viên như vậy cũng tương tự như cơ cấu ngạch công chức có tính đặc thù như Điều tra viên, Thanh tra viên... Đại biểu Danh Út cho rằng việc xác định 3 ngạch như vậy tạo điều kiện luân chuyển chấp hành viên giữa các cấp trung ương, tỉnh và huyện được dễ dàng.

Liên quan vấn đề thi tuyển, bổ nhiệm và nhiệm kỳ của Chấp hành viên, đa số ý kiến các vị Đại biểu Quốc hội đều tán thành việc bổ nhiệm Chấp hành viên thông qua thi tuyển và không có nhiệm kỳ nhằm lựa chọn được người có đủ tiêu chuẩn, năng lực để bổ nhiệm chấp hành viên, tạo khả năng thu hút cán bộ hoạt động ở những lĩnh vực khác, phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính. Chấp hành viên là một chức danh tư pháp gắn với việc thực hiện nghiệp vụ chuyên môn về thi hành án dân sự, việc bổ nhiệm không theo nhiệm kỳ sẽ tạo ra sự yên tâm để Chấp hành viên làm tốt công tác thi hành án.

Cũng có nhiều ý kiến đại biểu đề nghị quy định việc bổ nhiệm Chấp hành viên thông qua hình thức tuyển chọn và theo nhiệm kỳ như pháp luật hiện hành. Đại biểu Lê Thị Mai (Đoàn Hải Phòng) cho rằng hình thức thi tuyển trong điều kiện hiện nay là rất khó khăn.

Đại biểu đưa dẫn chứng từ Báo cáo về công tác thi hành án của Chính phủ năm 2008 cho thấy tình trạng thiếu nguồn cán bộ thi hành án và cán bộ thi hành án không yên tâm với công việc. Năm 2008, cả nước tuyển dụng được 292 cán bộ, thì có tới 104 cán bộ xin chuyển công tác và thôi việc. Cả nước còn hơn 600 chỉ tiêu biên chế ở các cơ quan thi hành án dân sự chưa được thực hiện, việc thiếu cán bộ thi hành án cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác thi hành án.

Không phủ nhận việc quy định hình thức thi tuyển bổ nhiệm chấp hành viên là nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, nhưng đại biểu Lê Thị Mai cho rằng, trước mắt, nên thông qua Hội đồng tuyển chọn như cách thức của Viện Kiểm sát và Toà án, như vậy còn đảm bảo kết hợp giữa ngành và địa phương trong công tác cán bộ.

Về quy định, bổ nhiệm chấp hành viên thi hành án dân sự phải có trình độ cử nhân luật, để đáp ứng yêu cầu thực tế, nhiều đại biểu đề nghị, đối với những vùng sâu, vùng xa, trình độ còn hạn chế, thì nên quy định người có trình độ trung cấp luật trở lên là có thể được xem xét bổ nhiệm chấp hành viên sơ cấp. 

Đại biểu Vũ Duy Hòa (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân không nên chỉ để thủ trưởng cơ quan thi hành án trả lời, mà phải báo cáo cơ quan thi hành án cấp trên. Văn bản trả lời của cơ quan thi hành án phải được Viện Kiểm sát cùng cấp thống nhất mới được thi hành. Đại biểu Quách Cao Yểm (Đoàn Kon Tum) đề nghị, cần quy định tổ chức cơ quan thi hành án dân sự được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương, giao chính phủ tổ chức bộ máy, tên gọi, vừa tổ chức hệ thống dọc, vừa theo sự chỉ đạo của địa phương.

Thời hiệu yêu cầu thi hành án 5 năm là phù hợp

Đại biểu Phạm Lễ Chi (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, thẩm quyền, nội dung, trình tự thủ tục cưỡng chế thi hành án cần được quy định chặt chẽ. Thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành án nên giao Trưởng cơ quan thi hành án dân sự mà không giao cho chấp hành viên. Về quy định thông báo thi hành án trên phương tiện thông tin đại chúng, cần quy định loại văn bản nào phải thông báo để giảm bớt chi phí cho người phải thi hành án.

Về thời hiệu yêu cầu thi hành án, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng quy định như trong Dự thảo luật thời gian 5 năm là quá dài, dễ dẫn đến tình trạng án tồn đọng. Một số đại biểu cho rằng, nên rút xuống còn 3 năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại đồng tình với Dự thảo luật và đề nghị giữ nguyên mức 5 năm nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi của đương sự, tạo điều kiện cho đương sự lựa chọn thời điểm phù hợp để yêu cầu thi hành án, đồng thời góp phần giảm áp lực công việc cho cơ quan thi hành án dân sự.

Về việc báo cáo công tác thi hành án với Hội đồng nhân dân, đại biểu Cầm Chí Kiên (đoàn Sơn La) đề nghị: nên quy định rõ việc báo cáo thi hành án riêng hay là nội dung thi hành án cùng với báo cáo của UBND. Vì hiện nay chưa xác định tư cách của cơ quan thi hành án dân sự, trực thuộc Sở Tư pháp hay UBND.

Về quy định tạm hoãn thi hành án, một số đại biểu cho rằng quy định này là cần thiết, để chờ việc khắc phục, xem xét khiếu nại của đương sự. Có đại biểu đề nghị cần quy định thêm “quyền yêu cầu hoãn thi hành án của Tòa án xét xử bản án đã có hiệu lực” để nâng cao trách nhiệm của tòa án và thông báo cho người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm.

Dự án luật thi hành án dân sự sẽ được Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý và dự kiến thông qua vào cuối kỳ họp.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi)./.

(VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất