Thứ Sáu, 29/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 5/12/2014 16:6'(GMT+7)

Cán bộ tuyên truyền phải giỏi cả lý luận và thực tiễn

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ka Lăng (Mường Tè) tuyên truyền Luật biên giới quốc gia tới đồng bào La Hủ - Ảnh minh họa

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ka Lăng (Mường Tè) tuyên truyền Luật biên giới quốc gia tới đồng bào La Hủ - Ảnh minh họa

1. Cần nhận rõ Tuyên truyền là gì? Tuyên truyền có vị trí như thế nào trong toàn bộ công tác tư tưởng, lý luận của Đảng? Và ai là cán bộ tuyên truyền?

Theo “Đại Từ điển Tiếng Việt” (Nxb. Văn hóa Thông tin, 1998), tuyên truyền là giải thích rộng rãi để thuyết phục mọi người tán thành, ủng hộ và làm theo.

Kinh điển từng nêu lên sự khác nhau giữa tuyên truyền và cổ động như sau: Tuyên truyền là đem nhiều ý đến cho một người, còn cổ động là đem một ý đến cho nhiều người. Có nghĩa tuyên truyền là hoạt động theo chiều sâu còn cổ động thì chú trọng bề nổi. Tất nhiên trong những cuộc vận động lớn, khó mà nói tách bạch đâu là tuyên truyền, đâu là cổ động.

Vậy tuyên truyền có vị trí như thế nào?

Trong công tác xây dựng Đảng, ta thường nhấn mạnh ba mặt chủ yếu nhất: xây dựng Đảng về chính trị, về tư tưởng và về tổ chức. Sau này còn bổ sung thêm: xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ, về phương thức lãnh đạo…

Trong cả năm lĩnh vực xây dựng Đảng ấy, không có lĩnh vực nào không động đến hay không cần đến công tác tuyên truyền.

Bác Hồ viết “Bản án chế độ thực dân Pháp” và giảng dạy “Đường Cách mệnh” chính là tiến hành công tác tuyên truyền, quảng bá chủ nghĩa Mác - Lênin, quảng bá con đường giải phóng dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội, chuẩn bị về các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về tổ chức, ban đầu tiên được thành lập bên cạnh Trung ương Đảng chính là Ban Tuyên truyền, và người đứng đầu Đảng thường là người trực tiếp phụ trách ban này. Trải qua các thời kỳ, Ban Tuyên truyền, Ban Tuyên huấn, Ban Tuyên Văn Giáo huấn, Ban Tư tưởng - Văn hoá hay Ban Tuyên giáo ngày nay, chữ “Tuyên” bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu.

Như vậy, chẳng đủ để nói rõ vị trí của tuyên truyền trong toàn bộ công tác tư tưởng và lý luận cả Đảng ta hay sao?

 Còn cán bộ tuyên truyền là ai? Tôi không nghĩ là cán bộ tuyên truyền chỉ đóng khung trong số người trực tiếp làm công tác tuyên truyền hay tuyên truyền miệng trong hệ thống tuyên giáo nói chung của ta. Đồng thời, đã là cán bộ tuyên giáo thì trước hết, đó phải là cán bộ tuyên truyền. Còn nội dung, cách thức làm công tác tuyên truyền như thế nào thì phải tuỳ theo cương vị và trách nhiệm của mỗi người mà quyết định nội dung.

2. Cần hiểu rõ, công tác tuyên truyền của Đảng bao gồm những nội dung gì?

Có thể khái quát thành năm nội dung hay năm vấn đề như sau:

Một là, tuyên truyền cho lý tưởng cách mạng, ý thức hệ cách mạng, cho chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh,… từ đó mà xây dựng niềm tin, quyết tâm phấn đấu và sự kiên định về lý tưởng, mục tiêu cách mạng cũng như con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Hai là, tuyên truyền cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Phạm vi tuyên truyền này rất rộng. Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong tổng thể cũng như cụ thể từng lĩnh vực không phải là nhất thành bất biến. Nó luôn được điều chỉnh, bổ sung và phát triển cho phù hợp với tình hình. Pháp luật của Nhà nước cũng như vậy.

Ba là, tuyên truyền cho việc thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng, không bao giờ được nới lỏng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, tuyên truyền cho phong trào hành động của nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Hết sức coi trọng việc phát hiện, cổ vũ và phát huy các nhân tố mới, điển hình mới, phong trào mới. Phê phán và đấu tranh khắc phục các biểu hiện tiêu cực, những việc làm không đúng đắn, trái với chủ trương, chính sách và pháp luật, có hại cho việc đưa các phong trào hành động cách mạng tiến lên.

Năm là, tuyên truyền cho cuộc đấu tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn và hành động chống phá của các thế lực thù địch nổi lên hiện nay là đấu tranh chống "diễn biến hòa bình", chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ.

3. Hiểu như thế nào là cán bộ tuyên truyền phải giỏi cả về lý luận và thực tiễn?


Năm nội dung tuyên truyền nêu trên, tự bản thân nó, đã mang đậm dấu ấn của lý luận và thực tiễn. Người làm công tác tuyên truyền không thể làm tốt nhiệm vụ của mình nếu không nắm vững lý luận và thực tiễn của những vấn đề ấy.

Tuyên truyền lý luận Mác - Lênin không thể chỉ lặp lại nguyên xi kinh điển mà không thấy quá trình vận động và phát triển sáng tạo lý luận đó trong điều kiện của thế giới ngày nay, nhất là đối với Việt Nam, trong điều kiện nước ta đã hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và đang tiến lên xây dựng đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh không thể không thấy đó chính là một học thuyết cách mạng đang cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng của cách mạng Việt Nam, ngọn cờ chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng được vận dụng và phát triển sáng tạo để luôn phù hợp với thực tiễn và cuộc sống cách mạng, được nuôi dưỡng và làm phong phú thêm bằng chính cuộc sống ấy.

Tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng với pháp luật của Nhà nước không thể không hiểu sâu sắc đường lối, chính sách và pháp luật ấy, nhất là làm thế nào để đưa được chúng vào cuộc sống, lại từ cuộc sống mà phát hiện ra những gì cần được điều chỉnh, bổ sung và phát triển.

Nói cán bộ tuyên truyền phải "giỏi" cả về lý luận và thực tiễn, thì phải hiểu chữ "giỏi" ấy là có giới hạn, không phải vô hạn.

"Giỏi lý luận" không đồng nhất với tinh thông lý luận ở mức cao. Đòi hỏi cán bộ tuyên truyền phải tinh thông về lý luận, thậm chí sáng tạo ra lý luận là khó có thể hoặc không thể. Từ không hiểu biết đến hiểu biết và nắm vững là một quá trình. Từ nắm vững đến vận dụng và phát triển sáng tạo lại là một quá trình nữa, cao hơn.

Giỏi lý luận nói ở đây là yêu cầu phải nắm vững và vận dụng lý luận, nhất là vận dụng vào công tác tuyên truyền của mình một cách có hiệu quả, tránh lối trình bày lý luận một cách sách vở, xơ cứng, khô khan, sáo rỗng, khoa trương, nhiều lời ít ý, gây phản cảm cho người nghe…

“Giỏi thực tiễn” là phải có hiểu biết nhất định về cuộc sống thực tiễn, hiểu biết tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu của nhân dân, để khi tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách…; có thể trình bày sát hơn với cuộc sống, rằng đường lối, chủ trương, chính sách ấy đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, có thể thực hiện, từ đó thuyết phục người nghe, tán thành, ủng hộ và làm theo như đã nói trên.

Giỏi thực tiễn còn được hiểu là giỏi tổ chức thực hiện, nói đi đôi với làm, không nói suông, nói mà không làm.

Tôi còn nhớ một chuyện cũ. Ngày tôi mới về làm Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (1992), các đồng chí lãnh đạo trước có nói rằng cán bộ tư tưởng - văn hoá (tuyên giáo) phải là người nói giỏi, viết giỏi. Tôi thấy trưởng ban như mình cũng chưa hẳn đã nói giỏi, viết giỏi huống chi anh em. Có người nói rất giỏi nhưng viết không giỏi. Lại có người viết rất giỏi nhưng nói lại không giỏi. Tôi đề nghị hạ bớt tiêu chuẩn, từ nói giỏi viết giỏi thành nói được, viết được. Các đồng chí khác đề nghị thêm: nghĩ được, nói được, viết được, làm được. Thế mà sau năm năm tôi làm trưởng ban, cái tiêu chuẩn được coi là hạ bớt đó vẫn chưa đạt nổi.

Sinh thời, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hay nói về kinh nghiệm công tác tuyên giáo bằng 10 chữ sau đây: Điều, nghiên, phân, tổng, phổ, tuyên, văn, giáo, huấn, hành (điều = điều tra, nghiên = nghiên cứu, phân = phân tích, tổng = tổng hợp, tuyên = tuyên truyền, văn = văn hóa - văn nghệ, giáo = giáo dục, huấn = huấn luyện, hành = hành động). Có nghĩa là công tác tuyên truyền giáo dục phải được kết thúc bằng hành động. Có làm như mình nói thì người ta mới tin.

4. Giải pháp nào để cán bộ tuyên truyền giỏi cả lý luận và thực tiễn

Thành thật mà nói, trong ngành tuyên giáo của ta hiện nay, đội ngũ cán bộ tuyên truyền tuy được trẻ hoá khá nhiều và trình độ học vấn được nâng lên nhưng cũng còn rất ít những cán bộ tuyên truyền giỏi cả lý luận và thực tiễn.

Ít có những nhà hùng biện, những thuyết trình viên về một vấn đề lý luận hay thực tiễn nào đó mà lại có sức hấp dẫn, cuốn hút người nghe như được đi dự một chương trình thời sự, chính trị không thể bỏ qua.

Ít có những cán bộ truyền đạt một nghị quyết, một chính sách nào đó của Đảng hay Chính phủ, giải thích những vấn đề khúc mắc và bức xúc của cuộc sống mà được người nghe sau mê, tán thưởng, khẩu phục tâm phục.

Ít có trên báo chí những nhà chính luận nổi tiếng, những nhà quan sát, nhà bình luận, mà chỉ cần tên tuổi họ là được độc giả mến mộ, tin cậy và nghe theo. Ít có những luận văn tuyên truyền có tầm cỡ, đọc rồi độc giả còn truyền lại cho người khác đọc.

Vậy làm thế nào để có được một đội ngũ cán bộ tuyên truyền giỏi cả lý luận và thực tiễn?

Trước nay, chúng ta vẫn thường nói đến hai mặt cơ bản nhất của đào tạo cán bộ, đó là: 1) Đào tạo thông qua các trường lớp chính quy và đào tạo lại thông qua các lớp bồi dưỡng chuyên đề; 2) Cán bộ tự học tập, tự rèn luyện, tức là tự đào tạo.

Theo tôi, mục đích và nội dung tuyên truyền là cái quan trọng nhất, quyết định nhất, quyết định so với phương thức và phương pháp tuyên truyền. Những biện pháp và phương thức tuyên truyền, đến lượt nó lại tác động ngược lại dẫn đến mục đích và nội dung tuyên truyền. Phương thức và phương pháp không tốt thì không truyền tải được mục đích và nội dung tuyên truyền mà có khi còn làm phương hại, từ tuyên truyền thành phản tuyên truyền.

Không thể đổi mới phương thức tuyên truyền nếu không có được đội ngũ cán bộ tuyên truyền có năng lực và phẩm chất. Vì vậy, làm thế nào để có được đội ngũ tuyên truyền giỏi cả lý luận và thực tiễn phải được coi là một vấn đề cần được quan tâm hiện nay./.

Hà Đăng

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất