Kể từ khi quyết định 1956/QĐ-TTg về “Đào tạo nghề cho lao động nông
thôn” được triển khai đã tạo cơ hội cho hàng nghìn lao động có việc làm,
nâng cao thu nhập… góp phần không nhỏ đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm
nghèo nhanh và bền vững. Tuy nhiên, công tác dạy nghề cho lao động nông
thôn còn bộc lộ nhiều hạn chế cần được khắc phục.
Hiệu quả, năng suất lao động tăng lên
Từ năm 2009, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động
nông thôn đến năm 2020” với mục tiêu chính là nâng cao chất lượng và
hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động
nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, phục vụ
sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đây
được coi là chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội, đồng thời tạo
điều kiện để toàn xã hội tham gia vào đào tạo nghề cho lao động nông
thôn.
Theo báo cáo từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sau ba năm triển
khai đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” bước đầu
đã thu được kết quả khả quan, cho thấy những chuyển biến tích cực.
Trong ba năm, chương trình đã hỗ trợ dạy nghề cho hơn 1 triệu lao động
nông thôn theo chính sách của Đề án, đạt 77% kế hoạch ba năm
(2009-2012); đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 200.000 lượt cán bộ, công chức
với tổng kinh phí hơn 4.778 tỷ đồng. Theo đó, một bộ phận lao động nông
thôn sau khi học nghề đã có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, thủ
công nghiệp, dịch vụ… Nổi bật, một số lao động đã thành lập doanh
nghiệp, tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho bản thân và các lao động
khác. Số người thoát nghèo, số người có thu nhập khá tăng, có nhiều hộ
làm giàu có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, khoảng 61%
lao động nông thôn sau khi học nghề tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất
lao động được nâng lên, tiết kiệm được chi phí sản xuất từ 5-20%, hiệu
quả, thu nhập tăng từ 10-30%.
Khẳng định những kết quả trên, ông Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Trung ương
Hội Nông dân Việt Nam cho biết, trong ba năm qua, một triệu nông dân đã
được đào tạo nghề và với con số gần 80% có việc làm sau đào tạo nghề hay
việc những người nông dân từ nghèo mà qua học nghề đã vươn lên thoát
nghèo, thậm chí vươn lên trở thành những hộ khá, giàu… Đây là những số
liệu rất đáng khích lệ và nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả đã được
triển khai. Xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỷnh Nam Định là một điển
hình.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nguyễn Văn Tuần, trong những năm qua,
Hải Đường đã tập trung vào phát triển đào tạo ngành, nghề dịch vụ. Hiện,
xã Hải Đường đã có một nhà máy may công nghiệp với khoảng trên 400 công
nhân đang lao động và có mức lương ổn định. Cũng trong hai năm qua, xã
cũng xây dựng được hai làng nghề là mộc mỹ nghệ và làng cây cảnh cũng
tạo điều kiện cho lao động nông thôn có việc làm tại chỗ và tăng thu
nhập.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số địa phương, công tác đào tạo nghề ở
nhiều địa phương hiện còn triển khai chậm, thiếu đồng bộ và chưa phù hợp
với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế. Đặc biệt, thiếu những định
hướng dài hạn và chưa gắn với quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế
xã hội, cũng như quy hoạch xây dựng nông thôn mới nên khó đáp ứng yêu
cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập kinh
tế quốc tế như hiện nay.
Đặc biệt, ở một số địa phương còn chạy theo số lượng, chất lượng thấp,
chưa phù hợp với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động, tư
vấn, hướng nghiệp học nghề chưa phù hợp với điều kiện, khả năng của
người dân và nhu cầu của xã hội. Mạng lưới cơ sở dạy nghề còn nhiều bất
cập, cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu…
Tuy nhiên, trước đánh giá trên, ông Lều Vũ Điều lại cho rằng, công tác
tham mưu, hướng dẫn của các bộ, ngành khi có Quyết định 1956 ra đời còn
chậm, phải chờ đợi. Nhiều cơ chế chưa đồng bộ. Sự phối hợp giữa các bộ,
ngành trung ương cũng chưa thật chặt chẽ, nhiều sở nông nghiệp và phát
triển nông thôn rất khó khăn trong việc triển khai, bởi vì cơ sở dạy
nghề của họ lại không có, chỉ có các trung tâm khuyến nông mà những nơi
đó thì cũng có điểm có thể tham gia dạy nghề được, có nơi thì không,
thậm chí là không mặn mà tham gia dạy nghề.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như khó khăn kinh tế, nhiều doanh
nghiệp và lĩnh vực sản xuất ngưng trệ, thời tiết biến đổi phức tạp ảnh
hưởng tới hiệu quả thực hiện của đề án đào tạo nghề thì còn có những yếu
tố chủ quan như việc triển khai kinh phí dạy nghề nhất là trong hai năm
đầu thường chậm, chủ yếu triển khai vào quý ba, quý bốn trong khi hai
quý đầu năm thì chưa có kinh phí nên phải chờ đợi. Do đó, công suất của
các trung tâm dạy nghề chỉ được phát huy trong vòng từ 3-6 tháng…
Nâng cao chất lượng dạy nghề
Để đạt được mục tiêu tới năm 2020 cả nước sẽ có 10,6 triệu lao động nông
thôn được dạy nghề và 1,1 triệu lượt cán bộ công chức xã được đào tạo,
bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Đặc biệt, để tháo gỡ những khó khăn hiện
tại, ông Lều Vũ Điều cho rằng, trong Quyết định 1956 nhiều nội dung
không còn phù hợp, cần phải được sửa như việc hỗ trợ người đi học còn
thấp, hay một số đối tượng cận nghèo và một số đối tượng không được ưu
tiên thì họ cũng không tha thiết; đề nghị phải quan tâm, nâng mức hỗ trợ
cho người học; đồng thời phải có cơ chế để khuyến khích đội ngũ giáo
viên tại các trung tâm dạy nghề, các nhà khoa học, các kỹ sư có tâm
huyết để động viên họ gắn bó với nông dân và các lớp dạy nghề cho lao
động nông thôn
Ông Lê Văn Ba, Phụ trách đơn vị, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiệu Đô,
Thanh Hóa, cho rằng để tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động địa
phương Nhà nước nên tiếp tục duy trì các cơ chế, chính sách này, đồng
thời, có thêm những hỗ trợ cho các bộ phận như kỹ thuật của doanh nghiệp
tham gia trong công tác đào tạo.
Nhấn mạnh về cơ chế tài chính, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng, Vụ Dạy nghề
thường xuyên, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho
biết, Bộ này và Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các địa phương cần huy động các
nguồn vón khác như ngân sách địa phương, các chương trình, dự án khác có
những nội dung tác động đến khu vực nông thôn, nông dân thì nên dành
kinh phí để hỗ trợ dạy nghề.
Bên cạnh đó, một trong những nội dung mới đây đã được Bộ Lao động,
Thương binh và Xã hội bàn bạc với Bộ Tài chính là ban hành Thông tư
hướng dẫn các địa phương nếu kinh phí sử dụng cho đề án đào tạo nghề
trong năm mà không dùng hết thì được chuyển sang quyết toán năm sau để
giúp các địa phương giải quyết những khúc mắc về cơ chế tài chính dẫn
tới chạy đua tiến độ, đua thời gian ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả
đào tạo nghề./.
Theo TTXVN