Thứ Bảy, 30/11/2024
Môi trường
Thứ Năm, 7/11/2013 17:20'(GMT+7)

Cần cảnh báo rõ vùng nguy cơ lũ quét, trượt lở đất

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong một lần thị sát các điểm xung yếu, có nguy cơ bị lũ, lở đất trong cơn bão số 11, tháng 10/2013 . Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong một lần thị sát các điểm xung yếu, có nguy cơ bị lũ, lở đất trong cơn bão số 11, tháng 10/2013 . Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Trong cuộc họp chiều 6/11, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã báo cáo kết quả bước đầu của Đề án Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam; bước đầu thực hiện phân vùng cảnh báo tại một số địa phương có hiện trạng và nguy cơ sụt trượt cao ở khu vực Bắc Trung bộ và miền núi phía Bắc.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh tới tính cấp thiết và rất quan trọng của các nghiên cứu, kết quả đánh giá và phân vùng cảnh báo các nguy cơ lũ quét, trượt lở đất trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan và khó lường hiện nay. Việc xây dựng đề án về lũ quét và đề án về trượt lở đất đá nhằm sớm có bộ cơ sở dữ liệu, bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt trượt, lũ bất thường, cục bộ tại các vùng làm cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư, từ đó nâng cao khả năng cảnh báo sớm các nguy cơ, chỉ đạo phòng tránh, sơ tán dân cư kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Theo Đề án, khu vực Tây Bắc có nguy cơ tai biến trượt lở đất đá rất nguy hiểm. Các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Nghệ An đều có nguy cơ trượt lở cao đến rất cao, chiếm đến 25-35% diện tích tự nhiên. Các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa còn bị ảnh hướng của hiện tượng sụt lún do hang ngầm, đá rơi, đá đổ.

Các tỉnh Bắc Trung Bộ và Đông Bắc Bắc Bộ có nguy cơ trượt lở đất đá thấp hơn khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh và các vùng kinh tế nằm trên tầng đá vôi nên ảnh hưởng của tai biến trượt lở đất đá bất thường cũng rất cao.

Trên bản đồ 3D cấp tỉnh, cơ quan nghiên cứu đã ghi nhận, trình chiếu các điểm trượt lở, điểm xói lở bờ sông, điểm lũ quét, lũ ống. Đồng thời tính toán tỷ lệ diện tích có nguy cơ trượt lở theo các cấp độ từ rất thấp đến rất cao.

Các điểm sụt, trượt lở đất diễn ra ngày càng bất thường và khó lường tại nhiều địa hình trên cả nước. Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Qua nghe kết quả nghiên cứu bước đầu, Phó Thủ tướng lưu ý, bên cạnh sản phẩm đầu ra có tính học thuật phục vụ quy hoạch xây dựng, phát triển, Đề án phải có tính ứng dụng thực tiễn cao, dễ hiểu ngay đối với người dân trong vùng có nguy cơ.

Theo đó, Đề án có thể sớm công bố, phổ biến ngay tới người dân những kết quả đánh giá bước đầu, trong đó “điểm danh” cụ thể những khu vực, vị trí có nguy cơ cao, đông dân cư hay có công trình hạ tầng quan trọng cùng với các cấp độ nguy hiểm giúp người dân, chính quyền có được sự cảnh báo, biện pháp đề phòng, ứng phó hiệu quả. Sản phẩm đầu ra của Đề án cần được triển khai theo phương thức thuận tiện cho người dân như phát hành sổ tay, tập huấn, giáo dục cộng đồng,…

Tiếp theo, cơ quan nghiên cứu phối hợp đồng bộ với các chương trình, đề án liên quan sớm khảo sát, xây dựng bản đồ phân vùng cảnh báo với các tỷ lệ 1:50.000, 1:25.000, 1:10.000,… và hệ thống quan trắc phục vụ cảnh báo sớm để chuyển giao, làm đầu vào cho các cơ quan, địa phương sử dụng trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí dân cư,…

Hiện tượng lũ quét, lũ ống thường gắn với trượt lở đất đá từ lâu là một loại thiên tai khó lường, gây thiệt hại lớn ở nước ta. Gần đây, hiện tượng này ngày càng bất thường, diễn ra nhiều hơn và gây ra những thảm họa nguy hiểm và khó dự báo.

Riêng trong 2 tháng gần đây, hàng loạt vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra như vụ sạt lở bờ sông tại xã Ninh Dân (Thanh Ba, Phú Thọ) đe dọa sự an toàn của hàng trăm hộ dân, hiện tượng đất sụt lún bất thường xảy ra tại phường Cẩm Sơn, Cẩm Phả, Quảng Ninh làm 30 hộ dân phải di chuyển, trận lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng tại xã Bản Khoang, Sa Pa, Lào Cai khiến 14 người chết và mất tích. Ngoài ra, có những hiện tượng bất thường như đỉnh núi Langbiang-biểu tượng của du lịch Đà Lạt bị sạt lở nghiêm trọng với một vệt dài từ đỉnh, xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) xuất hiện vết nứt kéo dài khoảng 600 m,…

Nguyên Linh/Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất